Vấp ngã sớm, trưởng thành sớm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Mẹ tôi thường giải thích về việc cấp vốn cho tôi đầu tư chứng khoán khi vừa rời cánh cổng trường đại học: “Cho nó học đầu tư, chứ để đến lúc mình xuống dưới kia, để lại cho một cục tiền, nó lại chẳng biết làm gì với tiền”.
Đầu tư chứng khoán là công việc đòi hỏi nhà đầu tư không chỉ có kiến thức sâu rộng, mà cần cả bản lĩnh, kinh nghiệm Đầu tư chứng khoán là công việc đòi hỏi nhà đầu tư không chỉ có kiến thức sâu rộng, mà cần cả bản lĩnh, kinh nghiệm

1. Thị trường chứng khoán Việt Nam đi qua chặng đường 25 năm thì mẹ tôi có gần 2 thập kỷ đồng hành cùng thị trường. Trong chừng ấy năm, bà đã ở trong lòng những cơn biến động dữ dội nhất của thị trường chứng khoán như giai đoạn 2007 - 2008 (ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới), cú sập năm 2018 (ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung) hay tạo đáy đầu năm 2020 (khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát) và gần đây nhất là đợt điều chỉnh mạnh do khủng hoảng thanh khoản trên thị trường trái phiếu, hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp bị truy tố vì các tội danh liên quan đến lừa đảo, thao túng thị trường chứng khoán, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư… năm 2022…

Mất mát nhiều, nhưng sau mỗi đợt sóng mạnh, tài sản của bà cũng tăng theo cấp số nhân…

Những câu chuyện về thị trường chứng khoán, doanh nghiệp mẹ vẫn kể cho nghe trước giờ đi ngủ, dù không thể hiểu hết nhưng ngấm dần vào tiềm thức của hai anh em tôi. Hai đứa trẻ chúng tôi cũng từng chứng kiến những giây phút thất thần, buồn bã của mẹ trước các cú sốc thị trường và rồi lại mạnh mẽ vực dậy đi tiếp với thị trường này.

Rời môi trường cơ quan nhà nước với mức lương ổn định, mẹ tôi dấn thân vào con đường kinh doanh riêng với tâm niệm “trong một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, có rất nhiều cơ hội kinh doanh, làm giàu”. Bươn trải với đủ loại hình kinh doanh và đầu tư, cuối cùng, thị trường cổ phiếu vẫn có sức quyến rũ lớn nhất với nhà đầu tư “lì đòn” này.

Vấp ngã sớm trong hành trình đầu tư là một may mắn. Họ sẽ sớm nhận ra được những quyết định sai của bản thân, biết được đâu là nơi nên hay không nên đầu tư và còn thời gian để sửa sai.

Năm 2020, sau khi tốt nghiệp đại học ở nước ngoài, tôi về nước và mẹ rủ tham gia đầu tư chứng khoán cùng mẹ. Cấp cho một số vốn, bà bảo: “Con cứ thử đi. Nếu mất hết thì nó cũng là học phí cho con với môn học này”. Chẳng cần đợi quá lâu, tôi đã phải trả “học phí” vào năm 2022, khi VN-Index từ 1.500 điểm rơi về 874 điểm.

Lúc đi lên, thị trường hưng phấn bao nhiêu thì khi đi xuống lại thảm khốc bấy nhiêu. Không chỉ trong vòng xoáy giảm điểm của thị trường chung, tôi còn chịu nỗi đau cổ phiếu doanh nghiệp mình lựa chọn bị bán tháo vì lãnh đạo vướng lao lý.

Suốt 3 năm qua, là người trong cuộc, tham dự không ít buổi gặp mặt đại diện doanh nghiệp ở những thời điểm khó khăn nhất, chứng kiến câu chuyện của những người bị ảnh hưởng (từ nhân viên cho đến cổ đông bị hại) từ đại án thao túng thị trường chứng khoán, tôi học được rất nhiều điều. Những bài học này không thầy cô giáo nào đủ sức dạy, hiếm sách vở nào có thể diễn tả hết sự tàn khốc, mà nó phải được học qua trải nghiệm, qua vấp ngã và một chút đau thương.

Mẹ thường khuyên tôi: “Mỗi vấp ngã lúc trẻ là một tài sản vô giá mà tuổi già không có được. Người già có mọi thứ, có tài sản, có kinh nghiệm, tri thức nhưng chỉ thiếu một thứ là thời gian”. Có lẽ những trải nghiệm với thị trường chứng khoán trong năm 2022 là một may mắn, vì tôi học nó khi còn rất trẻ, còn cơ hội để làm lại.

2. Quan điểm truyền thống trong văn hóa Việt là, thế hệ đi trước trong gia đình là người nắm giữ tài sản và khi họ mất đi, thế hệ sau sẽ được thừa hưởng toàn bộ. Vấn đề duy nhất của quan niệm này nằm ở chỗ, rất nhiều người con, người cháu chưa bao giờ được cầm một lượng lớn tài sản như thế. Họ loay hoay, lúng túng và chính điều đó dễ khiến họ đưa ra các quyết định đầu tư sai lầm.

Người viết từng chứng kiến trường hợp một gia đình, khi bố mẹ đột ngột mất, để lại một lượng lớn bất động sản cho người con trai 30 tuổi, là một kỹ sư. Anh này trước nay chưa bao giờ kinh doanh bất động sản, chưa mua bán nhà đất bao giờ. Anh mông lung không biết phải làm gì với số tài sản được thừa kế. Thay vì giữ lại, hoặc cho thuê, anh chọn bán hết và lao vào mua những món đồ xa xỉ, cho bạn bè vay tiền, mua cổ phần của các công ty mà mình không có hiểu biết. Sau 10 năm, anh đã tiêu gần hết khối tài sản cha mẹ để lại và nay ở tuổi 40, anh phải trông vào đồng lương kỹ sư để sống.

Chính phủ đang thực hiện những cải tổ mạnh mẽ nhằm đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng tối thiểu 8% trong năm 2025 và đạt mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Thu nhập của người dân đang được cải thiện tích cực và dự báo trong 5 - 10 năm tới, một lượng lớn tài sản sẽ dần chuyển giao giữa hai thế hệ. Thế hệ đi trước - với xuất phát điểm gần như không có gì trong tay nhưng chịu khó, chắt chiu và quan trọng là biết tận dụng cơ hội hiếm có khi đất nước mở cửa, hội nhập thế giới để làm giàu - sẽ chuyển giao cho thế hệ tương lai - được sinh ra với chất lượng sống tốt hơn, được hưởng chất lượng giáo dục tốt hơn và có cũng có ý thức hưởng thụ cao hơn. Cuộc chuyển giao này chính là miếng bánh béo bở của dịch vụ quản lý gia sản.

Nhưng phải đặt một câu hỏi rằng, thế hệ sau đã thực sự đủ trải nghiệm, hiểu biết để nắm giữ khối tài sản lớn, mà điển hình như trường hợp anh con trai kể trên?

Vì lẽ đó, theo quan điểm người viết, được vấp ngã sớm trong hành trình đầu tư là một may mắn. Họ sẽ sớm nhận ra được những quyết định sai của bản thân, biết được đâu là nơi nên hay không nên đầu tư và còn thời gian để sửa sai. Để rồi sau này, khi được chuyển giao tài sản từ gia đình, họ không bị lúng túng, thậm chí từ đó có thể mở mang cơ ngơi, sản nghiệp gia đình.

Đầu tư khi còn trẻ không chỉ là câu chuyện tích lũy tài sản, mà là câu chuyện được trải nghiệm sớm, được đi qua cảm giác nắm giữ vốn và tài sản xem sức nặng của nó như thế nào. Đây mới là mục tiêu chính khi người trẻ tham gia đầu tư.

Tuy nhiên, tư duy “giữ một cục rồi sau này cho lại” của thế hệ trước đôi lúc lại hạn chế thế hệ sau tham gia đầu tư, đơn giản vì họ không có vốn để trải nghiệm. Việc làm hay nhất là khi các thế hệ trong một gia đình có thể cùng nhau tham gia tích lũy tài sản. Kinh nghiệm của người già và sự nhanh nhạy nắm bắt xu thế của người trẻ sẽ là sự kết hợp ăn ý nhất cho quản lý tài sản của gia đình.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã tròn 25 năm, còn non trẻ so với thị trường chứng khoán của nhiều quốc gia trong khu vực, song có sức vươn mạnh mẽ cùng với đà tăng trưởng của nền kinh tế. Khi nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng lên, nhiều sản phẩm tài chính được thiết kế, đa dạng hơn, phức tạp hơn và đòi hỏi hiểu biết cao hơn, rủi ro chắc chắn cũng sẽ cao và nhà đầu tư trẻ cần vốn, kiến thức và quan trọng là cần thời gian để trưởng thành cùng thị trường.

Là một nhà đầu tư thuộc lứa nhà đầu tư F0 trong giai đoạn thị trường bùng nổ những năm 2020 - 2021, như bao nhà đầu tư khác, tôi từng vấp ngã. Nhưng tôi thà chọn vấp ngã tuổi 25 còn hơn là để đến 52 tuổi gục ngã, bởi khi ấy cơ hội làm lại sẽ ít đi.

Đình Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục