Doanh nghiệp thép bắt đầu trích lập dự phòng giảm giá tồn kho

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu như giai đoạn đầu năm 2021, các doanh nghiệp thép tăng tích trữ tồn kho để hưởng chênh lệch giá và tận dụng cơ hội giá thép tăng để gia tăng lợi nhuận, thì bước giai đoạn cuối năm khi giá thép đảo chiều, chiến lược tồn kho đang phản ứng ngược.
Doanh nghiệp thép bắt đầu trích lập dự phòng giảm giá tồn kho

Mới đây, hai công ty thép đầu tiên đã công bố Báo cáo tài chính quý IV/2021. Trong đó, kết quả kinh doanh kém tích cực.

Tại CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã chứng khoán SMC – sàn HOSE), trong quý IV/2021, công ty ghi nhận doanh thu tăng 37,3% so với cùng kỳ lên 6.149,3 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 78,7% về còn 34,07 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý biên lợi nhuận gộp giảm từ 7,6% về chỉ còn 2,1%.

Luỹ kế trong năm 2021, Công ty ghi nhận doanh thu tăng 35,4% lên 21.312,2 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 184,9% lên 903,06 tỷ đồng.

Trước đó, trong 6 tháng đầu năm 2021, khi mà giá thép tăng cao, SMC cũng đã ghi nhận biên lợi nhuận gộp lên tới 10,2% và cao hơn rất nhiều so với thời điểm quý IV/2021.

Tại CTCP Gang thép Thái Nguyên (mã chứng khoán TIS - UPCoM), trong quý IV/2021, TIS ghi nhận doanh thu tăng 34,1% so với cùng kỳ lên 3.235,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 9,63 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 6,74 tỷ đồng. Trong đó, đáng lưu ý biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 6,1% về âm 0,4% và dẫn tới doanh nghiệp kinh doanh dưới giá vốn trong quý IV/2021. Công ty chỉ thoát lỗ nhờ vào hoàn nhập chi phí tài chính gần 87 tỷ đồng.

Luỹ kế năm 2021, TIS ghi nhận doanh thu tăng 26,1% lên 12.069,6 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 1.230,5% lên 122,67 tỷ đồng.

Trước đó, khi giá thép tăng cao, trong 6 tháng đầu năm 2021, biên lợi nhuận gộp của TIS đã tăng lên tới 9,4%.

Điểm chung hai doanh nghiệp thép đầu tiên công bố Báo cáo tài chính là thực hiện chiến lược tăng tồn kho trong năm 2021. Tuy nhiên, trong quý IV/2021, bắt đầu trích lập dự phòng giảm giá tồn kho.

SMC bắt đầu tăng trích lập dự phòng tồn kho trong quý IV/2021

SMC bắt đầu tăng trích lập dự phòng tồn kho trong quý IV/2021

Cụ thể, trong năm 2021, SMC đã trích lập dự phòng giảm giá tồn kho là 112,93 tỷ đồng so với đầu năm chỉ 1,1 tỷ đồng. Trong đó, công ty thuyết minh trích lập 47,16 tỷ đồng cho nguyên vật liệu; 42,8 tỷ đồng cho thành phẩm tồn kho; và trích lập 23 tỷ đồng cho hàng hoá.

TIS bắt đầu trích lập dự phòng 7,68 tỷ đồng tồn kho trong quý IV/2021

TIS bắt đầu trích lập dự phòng 7,68 tỷ đồng tồn kho trong quý IV/2021

Tại TIS, công ty mới trích lập 7,68 tỷ đồng tồn kho so với đầu năm không ghi nhận. Trong đó, công ty không thuyết minh chi tiết việc trích lập dự phòng cho khoản mục nào. Tuy nhiên, nhiều khả năng do nguyên liệu và thành phẩm liên quan tới chiến lược tích trữ tồn kho đầu năm.

Diễn biến giá thép thế giới bắt đầu giảm từ tháng 5/2021 tới nay

Diễn biến giá thép thế giới bắt đầu giảm từ tháng 5/2021 tới nay

Được biết, giá thép thế giới đã đảo chiều từ tháng 5/2021 tới nay. Cụ thể, từ 7/5/2021 đến 21/1/2022, giá thép thế giới giảm 20,6% từ 5.740 CNY/tấn về 4.560 CNY/tấn. Nếu giá thép tiếp tục duy trì ở mức hiện tại và giảm giá, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp trong lĩnh vực thép đã thực hiện chiến lược tăng tích trữ tồn kho. Trong đó, đặc biệt là các doanh nghiệp thương mại.

Doanh nghiệp thép tăng tồn kho trong 9 tháng đầu năm 2021

Doanh nghiệp thép tăng tồn kho trong 9 tháng đầu năm 2021

Các công ty thép đều thực hiện chiến lược tăng tích trữ tồn kho trong 9 tháng đầu năm 2021. Trong đó, xét về giá trị, HSG tăng thêm 6.832,4 tỷ đồng tồn kho, NKG tăng 4.767,2 tỷ đồng tồn kho, SMC tăng 1.665,3 tỷ đồng tồn kho, POM tăng 1.402,9 tỷ đồng tồn kho …

Nhìn chung, tích trữ tồn kho trong xu hướng biến động của giá nguyên liệu, hàng hoá là con dao hai lưỡi. Nếu như giá nguyên liệu, hàng hoá tăng cao, doanh nghiệp sẽ cải thiện biên lợi nhuận và tăng lợi nhuận cho công ty. Tuy nhiên, nếu như chu kỳ tăng giá qua đi, giá nguyên liệu, hàng hoá đảo chiều, các doanh nghiệp phải tăng trích lập giảm giá tồn kho và giảm biên lợi nhuận của công ty.

Đặc biệt, trong lịch sử giai đoạn 2016-2017, nhờ vào giá thép tăng cao nên các doanh nghiệp thép đã được hưởng lợi và tăng mạnh lợi nhuận. Tuy nhiên, sau đó giá thép lao dốc từ 2018-2019, hàng loạt doanh nghiệp thép đã công bố kết quả kinh doanh lao dốc mạnh và các doanh nghiệp thép phải bước vào giai đoạn tái cơ cấu cấu kéo dài.

Cùng với sự đi xuống của kết quả kinh doanh, các cổ phiếu thép đều bước vào chu kỳ giảm giá mạnh. Trong đó, hàng loạt cổ phiếu tên tuổi như HSG, NKG, TLH … đều giao dịch dưới mệnh giá.

Nhìn chung, nếu như giá thép không đảo chiều tăng mạnh trở lại, với chiến lược tích trữ tồn kho trong năm 2021, các doanh nghiệp thép đang chịu áp lực phải tăng trích lập dự phòng giảm giá tồn kho trong tương lai sắp tới.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục