Thị trường trải qua đợt bán tháo, liệu FOMO sẽ biến mất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi thị trường bị bán tháo liên tục, phiên giao dịch ngày 20/1 chứng kiến đà hồi phục trên diện rộng khi dòng tiền đã quay trở lại nhóm cổ phiếu giảm mạnh giúp hàng loạt cổ phiếu tăng trở lại, trong đó bắt đầu xuất hiện dư mua trần tại một số mã cổ phiếu.
Thị trường trải qua đợt bán tháo, liệu FOMO sẽ biến mất

Theo đó, kết thúc phiên giao dịch ngày 20/1, chỉ số VN-Index tăng 1,56% lên 1.465,3 điểm. Trong đó, độ rộng của thị trường nghiêng về xu hướng tích cực khi mà có tới 368 mã xanh (trong đó 73 mã tăng trần), 32 mã tham chiếu và 109 mã đỏ. Điều này trái ngược hoàn toàn với phiên bán tháo trước đó ngày 17/1 khi mà có tới 446 mã giảm điểm và 128 mã giảm sàn.

Xét về phân tích kỹ thuật, khi chỉ số VN-Index liên tục giảm dẫn tới các chỉ báo như RSI gần quá bán (RSI gần 30) và chỉ số VN-Index giảm về vùng hỗ trợ MA100, điều này đã tạo nên tín hiệu hồi phục ngắn hạn. Trong đó, chỉ số VN-Index và nhiều cổ phiếu đều đã bắt đầu hồi phục trong phiên ngày 19/1 và đặc biệt tăng mạnh trong phiên ngày 20/1. Tuy nhiên, xét về thanh khoản, dòng tiền vẫn đang cho thấy dấu hiệu tham gia thận trọng, mức thanh khoản phiên ngày 20/1 thấp hơn trung bình 20 phiên lũy kế gần nhất.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm đầu tư tăng trưởng, một số nhà đầu tư lâu năm thường không quá vội vàng đối với phiên hồi phục đầu tiên mà chờ tín hiệu xác định xu hướng rõ ràng trước khi giải ngân.

Kịch bản tích cực khi chỉ số VN-Index tạo thành mô hình hai đáy hướng lên

Kịch bản tích cực khi chỉ số VN-Index tạo thành mô hình hai đáy hướng lên

Cụ thể, để xác định một xu hướng đảo chiều sau chuỗi giảm điểm, nhà đầu tư thường chờ phiên giao dịch xác định (confirm) khi hội đủ các yếu tố: Thứ nhất, hàng bắt đáy đầu tiên T+3 về tài khoản đều có lãi, nhà đầu tư dễ dàng chốt lời; Thứ hai, hiện tượng dòng tiền theo đà liên tục đổ vào thị trường với các phiên giao dịch sau thanh khoản lớn hơn phiên trước đó và cụ thể là phiên giao dịch T+3, T+4, thanh khoản cao hơn các phiên trước đó, điều này cho thấy dấu hiệu dòng tiền nhà đầu tư lớn đang đổ vào thị trường; và cuối cùng, có tới 65% cổ phiếu trở lên hình thành mô hình hai đáy, đáy sau cao hơn đáy trước.

Khi mà thị trường hội tụ được ba yếu tố nói trên, điều này mở ra cơ hội đảo chiều và từ đó giúp các nhà đầu tư lâu năm thực hiện chiến đầu tư theo đà.

Ở thời điểm hiện tại, thị trường vừa trải qua liên tiếp các phiên bán tháo, đã bắt đầu có dấu hiệu rũ hàng lần cuối bằng các phiên dư bán sàn khối lượng lớn, tuy nhiên thanh khoản thị trường các phiên bắt đáy vẫn còn tương đối thấp như phiên 19/1 và 20/1. Chính vì vậy, nhà đầu tư cần tiếp tục quan sát các diễn biến trong các phiên hàng T+3 về tài khoản và dấu hiệu dòng tiền có tiếp tục tham gia mạnh vào thị trường để xác định xu hướng đảo chiều có thực sự đã diễn ra.

Chỉ số VN-Index đã đảo chiều năm 2016 khi xuất hiện mẫu hình hai đáy điển hình

Chỉ số VN-Index đã đảo chiều năm 2016 khi xuất hiện mẫu hình hai đáy điển hình

Trong quá khứ, trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện đầu năm 2020, thị trường thường đảo chiều khi hội đủ 3 yếu tố nêu trên. Trong đó, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thông thường sẽ chọn đầu tư nắm giữ khi có tối thiểu 65% cổ phiếu trên sàn tạo được mẫu hình hai đáy hướng lên, khi đó xác suất thị trường tiếp tục xu hướng tăng sẽ cao hơn và nhà đầu tư có thể gia tăng sự tự tin khi đầu tư thêm tiền vào cổ phiếu mục tiêu.

Mặc dù vậy, nhìn về xu hướng dài hạn và đặc biệt là mùa Đại hội cổ đông thường niên sau Tết Âm lịch, điều này sẽ mở ra cơ hội cho nhà đầu tư có thể kỳ vọng thị trường tiếp tục xu hướng hồi phục và tăng trưởng nhờ kỳ vọng mới. Trong đó, năm 2022 được dự báo là năm kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng cao so với nền tảng thấp trong năm 2021 và có thêm động lực từ gói kích cầu lớn nhất từ trước tới này với quy mô 340.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đi kèm với chiến lược bắt đáy khi thị trường giảm điểm, nhà đầu tư cũng nên chuẩn bị kịch bản dự phòng nếu như bắt đáy sai nhịp và cổ phiếu giảm với một mức cắt lỗ dao động từ 7-10% và không có ngoại lệ. Được biết, nếu cổ phiếu giảm 50% thì sẽ cần tăng 100% thì nhà đầu tư mới hòa vốn. Chính vì vậy, ngoài mục tiêu kiếm lãi, nhà đầu tư cũng nên đặt ra kế hoạch dự phòng nếu dự đoán sai để bảo vệ tài khoản.

Hiệu ứng FOMO đang mờ dần

Mặc dù thị trường có nhiều câu chuyện để kỳ vọng sau Tết Âm lịch, nhưng ở thời điểm hiện tại, thị trường vẫn chưa xác định được xu hướng đảo chiều mà cần thêm thời gian trước khi xu hướng rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, có một điều có thể khẳng định nếu như thị trường hồi phục thì sẽ bước vào giai đoạn phân hóa và kỳ vọng xu hướng dòng tiền chảy vào nhóm cơ bản hơn là nhóm đầu cơ. Được biết, cuối năm 2021, nhóm cổ phiếu đầu cơ liên tục hút dòng tiền.

Trong giai đoạn cuối năm 2021, hiện tượng FOMO (Fear of missing out - là hội chứng sợ bị bỏ lỡ, sợ mất cơ hội) liên tục diễn ra trên thị trường chứng khoán khi hàng loạt cổ phiếu thị giá thấp, doanh nghiệp kinh doanh đi xuống hoặc thậm chí lỗ kéo dài liên tục hút dòng tiền và vượt đỉnh, điều này tạo ra kỳ vọng cổ phiếu sẽ tiếp tục phá đỉnh và nhà đầu tư nên mua nhanh không sẽ mất cơ hội, điều này tạo ra một trường phái nhà đầu tư thích "đua đỉnh" các cổ phiếu vượt đỉnh và chạy theo dòng tiền mà “quên” phân tích cơ bản doanh nghiệp mình đầu tư.

Trong giai đoạn đỉnh điểm cuối năm 2021, có thời điểm nhà đầu tư cá nhân liên tục truyền nhau thông tin cổ phiếu càng lỗ, giá cổ phiếu càng tăng mạnh và săn tìm những cổ phiếu lỗ để mua vào.

Chính vì hiện tượng FOMO xảy ra, các cổ phiếu lỗ lớn như CEO, HUT, YEG, TTF, RIC, QBS … hay như một số cổ phiếu vay nợ lớn, dòng tiền âm liên tục như CII, LDG, NBB …, nhóm thị giá thấp như FLC, HAI, HAR, QCG, HQC, DRH… đã hút dòng tiền và liên tục lập đỉnh.

Tuy nhiên, sau khi chứng kiến hiện tượng “bị nhốt” tại cổ phiếu FLC, CII, QCG… khi đặt bán giá sàn nhưng không thể khớp lệnh do không có người mua, nhìn tài sản bốc hơi theo từng ngày nhưng không thể làm gì. Trong đó, cổ phiếu CII giảm từ 56.600 đồng về 32.380 đồng/cổ phiếu, tức giảm 43% mới bắt đầu có thanh khoản; cổ phiếu QCG giảm từ 23.200 đồng về 14.050 đồng/cổ phiếu, tức giảm 39,4% mới có thanh khoản và điều tương tự cũng diễn ra ở nhiều cổ phiếu nhóm FLC…

Điều mà các nhà đầu tư mua theo hiệu ứng FOMO chưa bao giờ nghĩ tới kịch bản cổ phiếu đầu cơ, thị giá thấp sẽ mất thanh khoản và không bán được. Tuy nhiên, trải qua giai đoạn bán tháo vừa qua, hàng loạt cổ phiếu mất thanh khoản, điều này sẽ là một lời cảnh tỉnh đối với nhà đầu tư khi đầu tư vào nhóm cổ phiếu đầu cơ và nguy cơ mất thanh khoản vẫn hiện hữu.

Sau bài học này, kỳ vọng rằng nhà đầu tư sẽ có sự dịch chuyển từ nhóm đầu cơ sang nhóm cơ bản để tránh tình trạng mất thanh khoản như vừa xảy ra, điều này được kỳ vọng thị trường sẽ có tính chọn lọc cao và hướng tới nhóm cổ phiếu midcaps và largecaps thay vì chạy theo dòng tiền nóng trước đây.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục