Mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội còn rất xa
Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030” để giải quyết bài toán nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, nhà ở cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân, nhà ở cho công nhân lao động, người thu nhập thấp đô thị, người nhập cư.
Ngay từ đầu năm 2025, Bộ Xây dựng đã báo cáo và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị thúc đẩy nhà ở xã hội và thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững - thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu nhà ở rất lớn của người dân hiện nay.
Thực tế triển khai đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cho thấy, đến nay, trên địa bàn cả nước có 645 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 581.218 căn.
Trong đó,số lượng dự án hoàn thành là 96 dự án với quy mô 57.652 căn; số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 135 dự án với quy mô 115.630 căn; số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 414 dự án với quy mô 407.936 căn.
Riêng năm 2024, cả nước có 28 dự án với quy mô 20.284 căn đã hoàn thành (tăng khoảng 46% so với năm 2023, tương đương khoảng 6.420 căn).
Hiện tại, nhiều địa phương đã thực hiện quy hoạch, dành quỹ đất để đầu tư nhà ở xã hội. Cả nước đã quy hoạch hơn 1.309 khu đất với 9.756 ha để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trong đó nhiều địa phương dành quỹ đất lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Long An, Hải Phòng…
Bên cạnh đó, trong chương trình tín dụng 145.000 tỷ đồng (trước đây là 120.000 tỷ đồng) cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư, các ngân hàng đã cấp tín dụng trên 4.000 tỷ đồng, doanh số cho vay đạt 2.360 tỷ đồng (2.162 tỷ đồng cho chủ đầu tư vay tại 17 dự án; 198 tỷ đồng cho người mua nhà tại 15 dự án).
Trong bối cảnh nguồn cung nhà ở vừa túi tiền nói chung, nhà ở xã hội nói riêng đang rất thiếu hụt, 1 triệu căn nhà ở xã hội là con số rất lớn.
Tuy vậy, theo TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, kể cả khi hoàn thành chương trình này vào năm 2030 như kế hoạch thì cũng chỉ đáp ứng được 42% nhu cầu, điều này cho thấy còn rất nhiều dư địa để phát triển nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng cho biết, sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương dành nhiều quỹ đất hơn để phát triển nhà ở xã hội, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh triển khai các dự án nhà ở xã hội, phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100.000 căn hộ trong năm 2025 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân cho rằng, chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội được triển khai kỳ vọng sẽ giúp giải quyết bài toán tiếp cận nguồn vốn xây dựng cho các chủ đầu tư và giúp lao động thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp có cơ hội mua nhà dễ dàng hơn. Trong chương trình này, Hoàng Quân đăng ký thực hiện 50.000 sản căn nhà ở xã hội.
Theo ông Tuấn, ba sắc luật mới điều chỉnh lĩnh vực bất động sản là Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 đã tác động ngay đến các dự án nhà ở xã hội. Song, từ chính sách đến thực thi luôn có “độ trễ”, quy định pháp luật mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là các quy định đó phải được triển khai kịp thời thì mới mang lại hiệu quả như mong đợi.
Hóa giải thách thức, cách nào?
Để thực hiện thành công chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần có sự chung tay từ “4 nhà” (Nhà nước, nhà băng, nhà đầu tư và nhà dân).
Trong đó, Nhà nước - bao gồm Trung ương và địa phương - sẽ phải lo quy hoạch, kế hoạch, quỹ đất, hạ tầng xã hội, xác định nhu cầu địa phương chính xác, xác nhận thủ tục liên quan đến chỗ ở, thu nhập và vốn.
Đối với nhà băng - tức là nguồn vốn, Chính phủ đang cung ứng vốn để cho vay nhà ở xã hội qua ngân hàng, nhưng cần phải bổ sung thêm các nguồn vốn khác từ quỹ tại địa phương.
Về phía nhà đầu tư, cần bố trí đủ vốn, quan tâm đến hệ sinh thái nhà ở xã hội, chất lượng công trình và phối hợp với địa phương để đánh giá, xác định nhu cầu về nhà ở xã hội. Đối với nhà dân, cần thực hiện các quy trình, thủ tục liên quan đến xác nhận đối tượng thuê, mua nhà ở xã hội; phải tiết kiệm, dùng đòn bẩy tài chính phù hợp…
Về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) chia sẻ, Chính phủ đã vào cuộc và chỉ đạo các chính quyền địa phương đồng hành. Tuy nhiên, nhiều thành viên hiệp hội cho biết vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận.
Đặc biệt là vấn đề ứng xử của chính quyền, cần có những quy định “mạnh tay” hơn của Chính phủ đối với các địa phương về trách nhiệm tạo cơ hội tiếp cận quỹ đất sạch cho doanh nghiệp, phải coi đây là một nhiệm vụ bắt buộc.
“Cần đẩy nhanh, mạnh việc thực thi chính sách và về lâu dài, vai trò chủ đạo phát triển nhà ở xã hội vẫn phải là các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là trong bố trí quỹ đất và nguồn vốn. Về thủ tục, khi Nhà nước chỉ đạo thì vấn đề này sẽ trở nên đơn giản. Về sản phẩm, chúng tôi mong muốn phát triển mạnh nhà ở xã hội cho thuê, bởi hiện nay, đa phần vẫn là các sản phẩm nhà ở xã hội để bán”, ông Đính nói.
Tương tự, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề xuất 3 giải pháp. Thứ nhất, về lãi suất, cần xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với “hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ” tại Ngân hàng Chính sách xã hội về 3%/năm hoặc 4,8%/năm, từ đó chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay ưu đãi với lãi suất từ 3,6-5,76%/năm là phù hợp.
Thứ hai, cần bổ sung vào Nghị định số 100/2024/NĐ-CP quy định công nhận nhà ở riêng lẻ là “nhà trọ cho thuê dài hạn” cũng là một hình thức “nhà ở xã hội” do cá nhân, hộ gia đình đầu tư, kinh doanh để các “chủ nhà trọ” cũng được đối xử tương tự như “chủ đầu tư” dự án nhà ở xã hội để được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng.
Thứ ba, Quốc hội nên xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định chính sách ưu đãi về thuế đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê theo hướng được giảm 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng về mức 3% và được giảm 70% thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp về mức 6% để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho thuê.
Có thể thấy, hiện có nhiều yếu tố thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhưng để hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu nhà ở xã hội vào năm 2030, cần có các giải pháp đồng bộ, đặc biệt là tháo gỡ các khó khăn về quỹ đất, nguồn vốn cũng như các cơ chế, chính sách hỗ trợ.
Bộ Xây dựng cho biết, sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương dành nhiều quỹ đất hơn để phát triển nhà ở xã hội, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh triển khai các dự án nhà ở xã hội, phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100.000 căn hộ trong năm 2025 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.