Chuyển việc, tìm ngã rẽ mới khi hết thời
Mất việc vì công ty quản lý văn phòng gia đình mình đang làm rời thị trường Hồng Kông, Eric Li biết mình sẽ phải đối mặt với khó khăn tìm việc mới, nhưng chưa lường trước được khó khăn đến mức nào.
Đã 17 tháng trôi qua, anh Li vẫn đang kiếm việc làm và các hóa đơn vẫn ngày một chồng chất, gồm gần 60.000 đô la Hồng Kông (tương đương 7.700 USD) thuê nhà/tháng và 1 triệu đô la Hồng Kông hàng năm cho việc học hành của các con. Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất là chưa biết tình trạng này bao giờ sẽ kết thúc.
Chỉ 5 năm trước, các nhà phân tích tài chính chuyên sâu về thị trường Trung Quốc như anh Li được rất nhiều tập đoàn tài chính lớn săn đón, từ UBS Group đến Citigroup.
Các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của doanh nghiệp Trung Quốc như Xiaomi và Meituan đã củng cố vị thế của thị trường tài chính Hong Kong như một đầu mối liên kết cạnh tranh với New York. Những nỗ lực của giới tài chính Hong Kong đã giúp tạo ra hơn 6 nghìn tỷ USD giá trị thị trường cho các công ty Trung Quốc đại lục niêm yết tại Hồng Kông và Mỹ.
Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung đã làm rạn nứt các thị trường vốn. Các đợt IPO ở Hồng Kông đến nay đã dần cạn khi giá cổ phiếu sụt giảm và triển vọng kinh tế suy yếu. Nỗ lực của chính quyền Trung Quốc nhằm tăng cường bảo mật dữ liệu và siết chặt quy định đối với thị trường tài chính đã khiến doanh nghiệp Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong việc mua tài sản hoặc niêm yết ở nước ngoài.
"Tôi từng nghĩ rằng quỹ đạo đi lên của Trung Quốc và mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa thị trường tài chính trong nước và toàn cầu là điều bình thường - nhưng giờ tôi nhận ra rằng đó có thể chỉ là một đốm sáng", anh Li, người từng làm việc tại Citigroup, ngậm ngùi nói. "Đó là một ý nghĩ đáng sợ".
Không nơi nào nỗi đau đó rõ rệt hơn ở Hồng Kông, một trung tâm từng nhộn nhịp các hoạt động môi giới giao dịch tài chính, theo Bloomberg. Bởi lẽ Hồng Kông chịu thiệt hại nặng bởi hàng loạt vụ sa thải của các công ty ở Phố Wall, tình trạng nhà đầu tư rút vốn từ nền kinh tế Trung Quốc và vai trò trung tâm tài chính quốc tế của Hồng Kông đang ngày càng suy giảm.
Goldman Sachs, JPMorgan và Citigroup đã thực hiện nhiều đợt cắt giảm việc làm ở châu Á trong 18 tháng qua.
Một nhân viên ngân hàng bị Goldman Sachs sa thải cho biết điều này khiến cô và các đồng nghiệp phải cân nhắc xem có nên ở lại Hồng Kông hay không và thậm chí cân nhắc đến phương án rời bỏ ngành này. Vị này cho biết các đợt IPO từ Trung Quốc sụt giảm đồng nghĩa rằng các ngân hàng sẽ cần phải xem xét tái cơ cấu ở khắp châu Á vì số lượng nhân viên tăng lên nhờ tuyển dụng trước đây nay đã không còn hợp lý.
Cùng cảnh ngộ, Yang, 24 tuổi, đã mất việc làm nhà phân tích tại một ngân hàng đầu tư toàn cầu vào năm ngoái. Dù đã dành nhiều tháng tìm việc, sắp xếp khoảng 10 cuộc phỏng vấn tại các công ty tư vấn, đầu tư mạo hiểm và cổ phần tư nhân, nhưng Yang chưa thể tìm được một công việc mới. Với hợp đồng thuê nhà 20.000 đô la Hồng Kông/tháng sắp đến hạn phải trả, cô đã quyết định quay về Trung Quốc đại lục để sống với cha mẹ và bắt đầu một công việc mới mà không thuộc lĩnh vực tài chính.
"Sự cạnh tranh khốc liệt hơn rất nhiều so với trước đây", Yang nói. Cô cho biết thêm: "Nếu bạn có một công việc liên quan cổ phần tư nhân trên thị trường, sẽ có hàng trăm hồ sơ xin việc của các cựu nhân viên ngân hàng ứng tuyển".
Số người được Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai Hồng Kông cấp phép, một con số phản ánh số lượng chuyên gia tài chính tại thị trường này, đã giảm hơn 600 kể từ cuối năm 2021, xuống còn 44.722 người, tính đến tháng 12/2023.
Dịch vụ tài chính chững lại có thể sẽ đè nặng lên kinh tế Hồng Kông bởi ngành này đóng góp khoảng 23% sản lượng kinh tế và 7,5% việc làm trong năm 2022. Năm 2023, sự phục hồi sau Covid-19 của Hồng Kông vẫn thấp hơn kỳ vọng và Bloomberg Economics ước tính rằng tăng trưởng kinh tế Hồng Kông sẽ giảm còn 1,8% trong năm nay, từ mức 3,2% vào năm ngoái.
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, lượng vốn huy động qua IPO ở thị trường Hồng Kông đã trượt dốc 56% trong năm 2023, xuống còn 46 tỷ đô la Hồng Kông, mức thấp nhất kể từ khi bong bóng dotcom vỡ hơn hai thập kỷ trước đó.
Dữ liệu cũng cho thấy số lượng thương vụ niêm yết đã giảm gần 1/5 xuống còn 67, đáng nói chỉ có 13 thương vụ huy động được hơn 1 tỷ đô la Hồng Kông.
Các nhà đầu tư vốn tư nhân và đầu tư mạo hiểm cũng bị ảnh hưởng. Theo Preqin, số tiền huy động được từ các quỹ đô la tập trung vào thị trường Trung Quốc trong năm 2023 đã "bốc hơi" 81% so với năm 2021.
Các ngân hàng tập trung vào thị trường Trung Quốc đã phải gánh chịu gánh nặng, trải dài cả bên bán và bên mua. Bà Charlene Yeung, giám đốc điều hành công ty tuyển dụng Wellesley, cho biết các nhà quản lý đầu tư cũng bị ảnh hưởng nặng nề vì kỹ năng nghề nghiệp của họ ít được tận dụng.
"Năm nay dường như và hy vọng là chạm đáy", bà Yeung nói.
Giám đốc điều hành Wellesley lưu ý rằng các ngân hàng có thể sẽ cắt giảm mức bồi thường sa thải tối thiểu 20% và trong một số trường hợp, mức giảm "có thể rất cực đoan".
Trong khi đó, ông John Mullally, giám đốc điều hành công ty tuyển dụng Robert Walters, cho biết đợt cắt giảm việc làm gần đây nhất diễn ra ngay trước Tết Nguyên đán đã không tương xứng, chủ yếu tập trung vào các giám đốc điều hành và cấp dưới.
Sau khi nhìn những đồng nghiệp cũ thất nghiệp hơn một năm, Henry, nhân viên quản lý nợ ngân hàng cho một công ty môi giới Trung Quốc có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết ngay cả khi lương bị cắt giảm 30-40%, anh cũng vẫn sẽ chấp nhận ở lại.
"Tôi lo lắng mình sẽ bị sa thải bất cứ ngày nào", anh Henry nói, đồng thời bày tỏ lo ngại: "Tất cả các yếu tố thúc đẩy doanh thu của chúng tôi đều bị tê liệt".
Sự u ám trên thị trường tài chính khiến các nhà quản lý tài chính ngân hàng ở Hồng Kông phải điều chỉnh lối sống, cắt giảm chi tiêu và thậm chí đánh giá lại giá trị bản thân.
Một giám đốc điều hành họ Wang cho biết bạn bè gọi cô là người "xám xịt" trong suốt năm ngoái do tinh thần của cô sa sút sau khi nhận được ít giao dịch IPO mặc dù ngày nào cũng phải làm thêm giờ.
Wang nhận thấy có vẻ như sự nghiệp của cô đã kết thúc sớm cùng "với sự kết thúc của một kỷ nguyên". Ngay cả khi nhìn vào các cơ hội việc làm ở Dubai và Singapore, cô vẫn tự hỏi liệu mình có thể mang lại giá trị gì.
Bất lợi, nhưng chưa hết hy vọng
Tuổi tác đang trở thành yếu tố bất lợi đối với những chuyên gia tài chính, nhất là những người muốn chuyển đến Trung Quốc đại lục kiếm việc sau khi bị sa thải ở Hồng Kông.
Cô Sihui Lei, phó giám đốc công ty tuyển dụng Robert Walters China có trụ sở tại Thâm Quyến (Trung Quốc), cho hay: "Thực tế đáng tiếc là ở độ của họ (những chuyên gia tài chính bị sa thải - BTV), họ có thể bị coi là quá tuổi, đặc biệt là đối với các thành phố phía nam Trung Quốc".
Tình trạng bất ổn về kinh tế và thị trường của Trung Quốc cũng như phản ứng dữ dội đối với ngành tài chính cũng đang khiến nhiều người Hồng Kông gặp khó khăn hơn khi tìm cách chuyển đến Trung Quốc đại lục.
Tuy nhiên, không phải ai cũng bi quan rằng những ngày tuyệt vời nhất đã qua. Ông Jonathan Slone, cựu giám đốc điều hành công ty môi giới CLSA, cho rằng sự bùng nổ và phá sản là một phần được dự báo đối với thị trường Hồng Kông.
"Đúng vậy, bọt khí của thị trường giá lên gần đây nhất hiện đã không còn nữa", ông Slone bình luận trên tờ Financial Times. "Nhưng Hồng Kông sẽ không chỉ tồn tại mà còn tiếp tục phát triển như lâu nay", cựu giám đốc điều hành CLSA kỳ vọng.
Quan điểm trên của ông Slone nhận được sự đồng tình của một cựu giám đốc điều hành khác của một ngân hàng quốc tế bởi người này cho rằng thật phi lý khi kết luận rằng sự suy thoái thị trường là do cấu trúc thay vì theo chu kỳ. Đảm nhiệm công việc hiện nay là tư vấn cho sinh viên ngành tài chính, vị này luôn khuyên họ hãy cứng rắn lên và nhận thức được rằng việc giải quyết sự hỗn loạn trên thị trường là một phần công việc cần làm.
Theo Bloomberg, để ngăn chặn tình trạng suy giảm dân số, chính quyền Hồng Kông đã đưa ra chương trình cấp thẻ nhân tài nhằm thu hút nhiều người đến đây. Khoảng 59.000 giấy phép nhân tài như vậy đã được cấp, tính đến cuối tháng 2/2024. Dân số Hồng Kông đã tăng 0,4% vào năm 2023.