Giới đầu tư lại bất an

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Phố Wall đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Ba (10/11) trái chiều trong bối cảnh tâm lý thị trường đánh mất sự cân bằng.

Giới đầu tư lại bất an

Những lo ngại cho rằng thị trường đang tăng quá nhanh trong khi các ca nhiễm Covid-19 vẫn đang gia tăng không ngừng, kèm theo các vấn đề kéo dài xung quanh việc chuyển đổi sang chính quyền mới sau cuộc bầu cử tuần trước đã đè nặng lên tâm lý các nhà đầu tư trong phiên giao dịch 10/11.

Vào cuối thứ Hai, Eli Lilly & Co., hãng dược cung cấp phương pháp điều trị Covid-19 bằng kháng thể đơn dòng có tên bamlanivimab đã được Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận cho đưa vào sử dụng khẩn cấp.

Sự phát triển này diễn ra vài giờ sau khi Pfizer và BioNTech tuyên bố, vắc-xin Covid-19 do hai hãng này sản xuất đã chứng minh hiệu quả 90% trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Đối tác của Pfizer là BioNTech hôm thứ Ba cho biết, họ có kế hoạch cung cấp 50 triệu liều vắc-xin cho toàn thế giới năm 2020 và 1,3 tỷ liều vào năm 2021.

Những tiến bộ trong phương pháp phòng ngừa và điều trị Covid-19 đã thúc đẩy dòng tiền dịch chuyển khỏi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, được xem là có khả năng phục hồi tốt hơn trong thời kỳ đại dịch, để tìm đến những cổ phiếu có vốn hóa nhỏ hơn cũng như nhóm cổ phiếu giá trị, vốn không được tin tưởng kể từ khi đại dịch bùng phát vào tháng Ba.

Tuy nhiên, một bộ phận giới đầu tư trên Phố Wall đang lo lắng, phiên giao dịch bùng nổ vào thứ Hai (9/11) có thể đã đi quá giới hạn khi mà các ca nhiễm Covid-19 vẫn không ngừng tăng lên tại Mỹ.

Theo dữ liệu tổng hợp của Đại học Johns Hopkins, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã chạm mốc 50,9 triệu người vào thứ Ba, trong khi số người chết tăng lên 1,3 triệu người.

Mỹ ghi nhận tổng số ca nhiễm cao nhất trên thế giới với 10,1 triệu ca và số ca tử vong là 238.251 ca. Các cơ quan chính quyền Mỹ đã báo cáo kỷ lục 142.000 ca nhiễm mới chỉ trong ngày thứ Hai và là ngày thứ năm liên tiếp con số này vượt hơn 100.000 ca.

Ngoài ra, mặc dù thị trường chủ yếu có xu hướng tăng sau khi ứng cử viên đảng Dân Chủ Joe Biden được truyền thông dự đoán là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, các nhà phân tích cảnh báo, thị trường vẫn có thể gặp phải những biến động liên quan đến kế hoạch kích thích tài chính trong quá trình chuyển đổi sang chính quyền mới.

Trong khi đó, Lãnh đạo phe Cộng hoà chiếm đa số tại Thượng viện Mitch McConnell đã lên tiếng ủng hộ Tổng thống Donald Trump theo đuổi những thách thức pháp lý đối với kết quả của cuộc đua bầu cử.

Có rất ít khả năng ông Trump cản trở được Joe Biden trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ, song việc kiểm phiếu vẫn tiếp tục ở một số bang và các tranh chấp pháp lý có thể góp phần gây ra những biến động từ nay đến ngày 20/1.

Về dữ liệu kinh tế, báo cáo hôm thứ Ba của Bộ Lao đông Mỹ cho thấy, thị trường lao động nước này đang có dấu hiệu chậm lại. Cụ thể, có 5,87 triệu người tìm được việc làm trong tháng 9, giảm nhẹ so với con số 5,95 triệu trong tháng 8. Trong khi đó, số lượng các tin tức tuyển dụng trong tháng 9 đã tăng lên 6,4 triệu, tăng nhẹ từ mức 6,35 triệu một tháng trước đó.

Kết thúc phiên 10/11, chỉ số Dow Jones tăng 262,95 điểm (+0,95%), lên 29.420,92 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,97 điểm (-0,15%) xuống 3.545,53 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 153,93 điểm (-1,37%), xuống 11.553,86 điểm.

Chứng khoán châu Âu kéo dài chuỗi tăng điểm trong phiên giao dịch hôm thứ Ba khi thị trường được bao trùm bởi tâm lý lạc quan nhờ sự đột phá của vắc-xin Covid-19, mặc dù lo ngại về thiệt hại kinh tế do đại dịch đã hạn chế phần nào đà tăng.

Kết thúc phiên 10/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 110,56 điểm (+1,79%), lên 6.296,85 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 67,14 điểm (+0,51%), lên 13.163,11 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 82,65 điểm (+1,55%), lên 5.418,97 điểm.

Chứng khoán châu Á có phiên biến động trái chiều. Chứng khoán Nhật Bản đi lên nhờ tin tức tích cực từ vắc-xin Covid-19. Tuy nhiên, đà tăng bị chặn lại khá nhiều khi giới đầu tư bán mạnh nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ xu hướng ở nhà trong thời kỳ đại dịch, như các công ty cung cấp dịch vụ internet và game.

Chứng khoán Trung Quốc giảm khi dữ liệu mới báo hiệu một rào cản đối với sự phục hồi kinh tế. Chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng 10 của nước này đã giảm 2,1% so với một năm trước đó. Dữ liệu cho thấy, nhu cầu giảm sâu đối với hàng công nghiệp, mặc dù nền kinh tế được đánh giá là đang phục hồi.

Kết thúc phiên 10/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 75,75 điểm (+0,26%), lên 24.905,59 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 13,59 điểm (-0,40%), xuống 3.360,15 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 285,31 điểm (+1,10%), lên 26.301,48 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 5,63 điểm (+0,23%), lên 2.452,83 điểm.

Giá vàng tăng trở lại vào thứ Ba sau khi giảm mạnh trong phiên trước đó. Những lo ngại về sự phục hồi kinh tế toàn cầu và kỳ vọng về kích thích tài chính đã hỗ trợ kim loại trú ẩn an toàn trong phiên đêm qua.

Kết thúc phiên 10/11, giá vàng giao ngay tăng 14,00 USD (+0,75%), lên 1.877,70 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 22,00 USD (+1,19%), lên 1.876,40 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục tăng nhờ những hy vọng về vắc-xin Covid-19 đang được nghiên cứu, vượt qua lo lắng về sự sụt giảm nhu cầu nhiên liệu do các đợt phong toả mới diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Kết thúc phiên 10/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,07 USD (+2,7%), lên 41,36 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,21 USD (+2,9%), lên 43,61 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ