Niềm vui của giới đầu tư bị ngắt mạch

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK)  Phố Wall kết thúc tuần bầu cử (6/11) với một phiên giao dịch ảm đạm, sau chuỗi 4 phiên tăng điểm liên tiếp và ghi nhận tuần tốt nhất kể từ tháng 4 tới nay.

Niềm vui của giới đầu tư bị ngắt mạch

Đà tăng của chứng khoán Mỹ bị đứt gãy vào phiên giao dịch ngày thứ Sáu trong bối cảnh cuộc bầu cử Mỹ đi đến hồi kết với lợi thế nghiêng hẳn về phía ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden khi ông vượt lên trước đối thủ Donald Trump tại các bang chiến trường Georgia và Pennsylvania vào đầu ngày.

Và bước sang ngày thứ Bảy, (7/10), các cơ quan truyền thông Mỹ đồng loạt gọi tên ông Biden là Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, bất chấp việc ông Trump đệ đơn kiện tại các bang chiến trường nhằm tranh chấp kết quả.

Phố Wall có tuần bầu cử giao dịch sôi động và tích cực nhờ một phần kỳ vọng về chiến thắng của Joe Biden, kết hợp với việc đảng Dân chủ khó có cơ hội tiếp quản Thượng viện và điều này sẽ gây khó khăn cho việc bãi bỏ luật cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đã được ông Trump và đảng Cộng hoà đưa ra năm 2017 hay thắt chặt các quy định tài chính khác.

Ngoài ra, nếu đảng Cộng hòa giữ được đa số ghế, họ có thể sẽ chặn những phần lớn trong chương trình lập pháp của Biden, bao gồm mở rộng hệ thống chăm sóc sức khỏe và chống biến đổi khí hậu.

“Câu chuyện quan trọng trên thị trường hiện tại: Tổng thống đảng Đảng Dân chủ không thể kiểm soát Thượng viện sẽ ít gây chiến hơn về thương mại, nhưng sẽ hạn chế quyền lực hơn khi đề xuất chính sách tài khóa”, Kit Juckes, chiến lược gia vĩ mô tại Société Générale, nhận định. Tuy nhiên, quyền kiểm soát tại Thượng viện có thể sẽ không rõ ràng cho đến tháng 1/2021.

Trong khi cuộc bầu cử Mỹ diễn ra kịch tích và thu hút sự chú ý trong suốt cả tuần, Bộ Lao động hôm thứ Sáu báo cáo, nền kinh tế Mỹ đã có thêm 638.000 việc làm trong tháng 10, cao hơn nhiều so con số 503.000 được kỳ vọng của giới phân tích. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm xuống còn 6,9%, giảm tới gần 1 điểm phần trăm so với tháng trước đó dù nền kinh tế này sẽ còn mất nhiều thời gian để phục hồi.

Sau báo cáo việc làm, Lãnh đạo phe Cộng hoà chiếm đa số tại Thượng viện, Mitch McConnell tuyên bố, các dư liệu kinh tế cho thấy, Quốc hội nên ban hành một gói kích thích kinh tế với quy mô nhỏ hơn so với các đề xuất trước đó.

Mặt khác, số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ tiếp tục gia tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Hôm thứ Năm. Mỹ lập kỷ lục mới với 121.000 ca nhiễm mới trong một ngày, tiến sát đến mốc 10 triệu ca nhiễm.

Năm 2020, phố Wall chứng kiến tuần bầu cử tích cực nhất tình từ năm 1981.

Năm 2020, phố Wall chứng kiến tuần bầu cử tích cực nhất tình từ năm 1981.

Kết thúc phiên 6/11, chỉ số Dow Jones giảm 66,78 điểm (-0,24%), xuống 28.323,40 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,01 điểm (-0,03%) xuống 3.509,44 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 4,30 điểm (+0,04%), lên 11.895,23 điểm.

Bất chấp sự bất ổn xung quanh bầu cử, Phố Wall ghi nhận tuần tốt nhất kể từ tháng 4. S&P 500 tăng 7,3%, Nasdaq Composite tăng 9% và Dow Jones tăng 6,9% trong tuần này.

Chứng khoán châu Âu giao dịch thận trọng vào phiên cuối tuần trong bối cảnh giới đâu tư tập trung vào làn sóng dịch bệnh vẫn đang lây lan nhanh tại lục địa và sự không chắc chắn xung quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Kết thúc phiên 6/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 3,84 điểm (+0,07%), lên 5.910,02 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm -88,07 điểm (-0,70%), xuống 12.480,02 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm -23,11 điểm (-0,46), lên 4.960,88 điểm.

Tính chung tuần qua, chỉ số FTSE 100 tăng 5,97%, chỉ số DAX tăng 7,99% và CAC40 tăng 7,98%.

Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên ngày thứ Sáu, song nhìn chung có một tuần giao dịch bùng nổ.

Chứng khoán Nhật Bản leo lên mức cao nhất trong trong 29 năm qua nhờ động lực từ nhiều thị trường lớn trên thế giới gần đây.

Chứng khoán Trung Quốc giảm nhẹ, nhưng đã tăng tốt trong tuần nhờ kỳ vọng ứng viên Biden sẽ ủng hộ cách tiếp cận ít đối đầu hơn với nước này nếu đắc cử tổng thống Mỹ.

Kết thúc phiên 6/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 219,95 điểm (+0,91%), lên 24.325,23 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 7,97 điểm (-0,24%), xuống 3.312,16 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 17,05 điểm (+0,06%), lên 25.712,97 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 2,71 điểm (+0,11%), lên 2.416,50 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 5,87%, chỉ số Shanghai Composite tăng 2,72%, chỉ số Hang Seng tăng 6,66% và chỉ số KOSPI tăng 6,59%.

Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Sáu giao dịch thận trọng khi giới đầu tư án binh bất động chờ đợi kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Kết thúc phiên 6/11, giá vàng giao ngay giảm 7,50 USD (+0,38%), xuống 1942,10 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 4,90 USD (+0,25%), lên 1.951,70 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 3,5%, giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 4,5%.

Tuần này, thị trường chào đón Tân Tổng thống Mỹ và hết sức lạc quan. Trong số 15 chuyên gia trên phố Wall tham gia khảo sát của Kitco, có 14 người, chiếm 93%, dự báo vàng sẽ tăng giá. Chỉ có 1 người, chiếm 7%, cho rằng giá vàng giảm và không ai dự báo giá vàng đi ngang.

Đối với khảo sát trực tuyến, trong số 1.310 người tham gia, có 1.008 người, tương đương 77%, tin rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng. 188 người khác, chiếm 14%, cho rằng giá vàng sẽ giảm và 114 người còn lại, chiếm 9%, có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.

Giá dầu giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu khi tình hình đại dịch Covid-19 trên toàn cầu diễn biến phức tạp hơn, làm dấy lên lo ngại về nhu cầu nhiên liệu trong tương lai.

Kết thúc phiên 6/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,65 USD (-4,44%), xuống 37,14 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,48 USD (-3,75%), xuống 39,45 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu WTI tăng 3,8%, giá dầu Brent giảm 5,3%.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục