Tâm điểm của ngày thứ Sáu hướng về trận chiến GameStop giữa lực lượng bán khống là các quỹ đầu cơ và giới đầu tư nhỏ lẻ. Cuộc chiến lan sang nhiều cổ phiếu có tỷ lệ bán khống cao khác ở Phố Wall, gây ra biến lớn trên thị trường khiến giới đầu tư lo ngại.
Từ đầu năm 2021 đến ngày 27/1, cổ phiếu GameStop tăng 1.745%. Sau khi giảm 40% trong phiên ngày 28/1, thị giá GameStop lại tăng vọt 68% trong phiên ngày 29/1 sau khi nền tảng giao dịch Robinhood thông báo nới lỏng biện pháp hạn chế mua cổ phiếu này.
Sau khi thị trường đóng cửa ngày 28/1 đến khi mở cửa lại vào sáng 29/1, Robinhood đã huy động thêm hơn 1 tỷ USD từ nhà đầu tư hiện tại cũng như vay từ ngân hàng để đảm bảo có đủ vốn cần thiết cho việc xử lý giao dịch các cổ phiếu biến động mạnh như GameStop.
Giới nhà đầu tư lo ngại, nếu GameStop tiếp tục tăng nóng và thiếu bền vững như thời gian qua, hệ quả tiêu cực có thể lan rộng ra toàn thị trường tài chính kéo theo nhiều hệ luỵ khó lường.
Washington đã để mắt đến tình hình trên. Một số chính trị gia có quan hệ thân thiết với giới tài phiệt lên tiếng yêu cầu Uỷ ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) sớm can thiệp trước tình trạng giá cổ phiếu thay đổi đột ngột, cho rằng đây là hành động lũng đoạn thị trường.
Hôm 29/1, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, chính phủ liên bang đang làm việc để đưa ra giải pháp cho tình hình trên thị trường chứng khoán, liên quan đến cổ phiếu GameStop.
Mặt khác, Johnson & Johnson hôm thứ Sáu công bố dữ liệu ban đầu từ thử nghiệm giai đoạn cuối vắc xin Covid-19 do hãng sản xuất cho thấy hiệu quả 66% trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh 28 ngày sau khi tiêm chủng, song kém hiệu quả hơn trong việc đối phó với chủng Nam Phi.
Trong khi đó, các trường hợp nhiễm mới hàng ngày và số ca nhập viện trong làn sóng dịch bệnh thứ 3 có tín hiệu bắt đầu giảm trên khắp nước Mỹ, có ít nhất 165.073 ca nhiễm mới, 3.862 ca tử vong hôm 28/1, New York Times cho biết.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm thứ Sáu một lần nữa kêu gọi Quốc hội hành động nhanh chóng để gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD do chính quyền Tổng thống Joe Biden đề xuất trở thành hiện thực. Bà Yellen tuyên bố, đây là biện pháp cần thiết để người Mỹ không mất khả năng chi trả những nhu cầu cơ bản về chỗ ở và ăn uống.
Kết thúc phiên 29/1, chỉ số Dow Jones giảm 620,74 điểm (-2,03%), xuống 29.982,62 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 73,14 điểm (-1,93%), xuống 3.714,24 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 266,46 điểm (-2,00%), xuống 13.070,69 điểm.
Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 3,27%, S&P 500 giảm 3,31% và Nasdaq Composite giảm 3,49%. Trong tháng 1, chỉ số Dow Jones mất 2,04%, S&P 500 giảm 1,11% và Nasdaq Composite tăng 1,42%.
Chứng khoán châu Âu giảm điểm trong ngày thứ Sáu, khép laị tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2020 khi lo ngại về việc triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19 chậm chạp gia tang. Ngoài ra, tâm lý nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng bởi những “giao dịch điên cuồng” trên phố Wall những phiên gần đây.
Kết quả kinh doanh của các công ty châu Âu cho đến nay là khá khả quan. Trong số 8% doanh nghiệp thuộc STOXX 600 đã báo cáo, 78% đều vượt lợi nhuận dự báo, theo dữ liệu của Refinitiv IBES.
Kết thúc phiên 29/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 118,69 điểm (-1,82%), xuống 6.407,46 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 233,06 điểm (-1,71%), xuống 13.432,87 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 111,31 điểm (-2,02%), xuống 5.399,21 điểm.
Tính chung cả tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 4,30%, chỉ số DAX giảm 2,88% và CAC40 giảm 0,93%. Trong tháng 1, chỉ số FTSE 100 giảm 0,82%, chỉ số DAX giảm 2,08% và CAC40 giảm 2,74%.
Chứng khoán châu Á cũng chìm trong sắc đỏ vào phiên cuối tuần. Chứng khoán Nhật Bản giảm do áp lực bán chốt lời chưa dứt ở nhóm cổ phiếu công ty công nghệ.
Chứng khoán Trung Quốc giảm điểm khi giới đầu tư lo lắng về tình trạng thanh khoản thắt chặt khiến tâm lý thị trường căng thẳng.
Chứng khoán Hồng Kông lao dốc trong bối cảnh tâm lý thị trường vẫn bị đè nặng bởi tin đồn Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có thể sẽ thắt chặt chính sách, qua đó khiến thanh khoản thị trường suy yếu.
Chứng khoán Hàn Quốc chứng kiến đà bán tháo trên diện rộng khi các nhà đầu tư nước ngoài chốt lời mạnh.
Kết thúc phiên 29/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 534,03 điểm (-1,89%), xuống 27.663,39 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 22,11 điểm (-0,63%), xuống 3.483,07 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 267,06 điểm (-0,94%), xuống 28.283,71 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 92,84 điểm (-3,03%), xuống 2.976,21 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 3,38%, chỉ số Shanghai Composite giảm 3,43%, chỉ số Hang Seng giảm 3,95% và chỉ số KOSPI giảm 5,24%. Trong tháng 1, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,80%, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,29%, chỉ số Hang Seng tăng 3,87% và chỉ số KOSPI tăng 3,58%.
Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Sáu hồi phục nhờ đồng USD yếu đi, tuy nhiên sức mua vẫn chỉ ở mức thấp khi nhà đầu tư chuyển sự chú ý đến chứng khoán, nơi đang diễn ra cuộc chiến khốc liệt giữa nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ WallStreetBets và các quỹ đầu tư lớn trên phố Wall.
Kết thúc phiên 29/1, giá vàng giao ngay tăng 4,50 USD (+0,24%), lên 1.848,10 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 3 tăng 9,60 USD (+0,52%), lên 1.849,00 USD/ounce. Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,4% và trong tháng 1/2021 giảm 2,6%.
Khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 16 chuyên gia trên phố Wall, thì có 9 người dự báo vàng sẽ tăng giá, 3 người cho rằng giá vàng giảm và như vậy có 4 dự báo giá vàng sẽ đi ngang.
Đối với khảo sát trực tuyến, với 960 người tham gia thì 62% trong số đó tin rằng giá vàng sẽ tăng, 20% cho rằng giá vàng giảm và 18% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.
Giá dầu tăng nhẹ vào thứ Sáu do nguồn cung dầu của Ả Rập Xê-út được cắt giảm và tồn kho dầu của Mỹ cũng giảm. Tuy nhiên thị trường cũng đang lo ngại về tình hình đại dịch Covid-19 xung quanh việc xuất hiện các biến thể mới, cũng như việc triển khai vắc-xin chậm chạp.
Kết thúc phiên 29/1, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,07 USD (+0,2%), lên 52,36 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,25 USD (+0,4%), lên 55,35 USD/thùng.
Trong tuần, dầu WTI tăng 0,2%, dầu Brent giảm 0,1%. Trong tháng, dầu WTI tăng 7,9%, dầu Brent tang 6,9%.