Tại Mỹ, các tên tuổi lớn bao gồm giá cổ phiếu Tesla đã tăng vọt lên một tầm cao mới trong khi các chiến lược gia của Bank of America hay các nhà đầu tư huyền thoại cảnh báo rằng bong bóng đang hình thành và một sự điều chỉnh của thị trường đang xuất hiện.
Trong khi đó, một đội quân ngày càng tăng các nhà đầu tư cá nhân đang thách thức các “cá mập” trên phố Wall, điển hình ở đây là GameStop và điều này cũng gây nhiều hệ luỵ khó lường cho thị trường khi một số quỹ đầu cơ buộc phải bán cổ phiếu bluechip để huy động thêm tiền mặt nhằm bảo vệ vị thế bán khống.
Các cuộc cá cược theo xu hướng đang diễn ra khắp nơi với việc tiền mặt đổ vào các tài sản từ năng lượng mặt trời và điện toán đám mây, đến các phương tiện đầu tư mới như các công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC). Và tất nhiên, không thể không nhắc tới Bitcoin, bong bóng yêu thích của mọi người từ năm 2017 đã quay lại một lần nữa và đạt mức cao mới vào đầu năm 2021 sau khi giá trị tăng gấp 4 lần vào năm ngoái.
Vậy điều gì đằng sau tất cả những yếu tố đầu cơ đó? Nói tóm lại là chính đại dịch toàn cầu.
Theo Bloomberg, các nhà hoạch định chính sách đã tung ra hàng nghìn tỷ USD kích thích để hỗ trợ cho nền kinh tế, theo đó tiền được bơm ồ ạt vào thị trường và có thể kết thúc bằng một bong bóng tài sản. Các chính phủ đã chi khoảng 12.000 tỷ USD chỉ riêng để hỗ trợ tài chính, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang mua 120 tỷ USD trái phiếu hàng tháng để giữ chi phí đi vay ở mức thấp tiếp tục duy trì tại Mỹ.
Ngay cả khoản nợ rủi ro nhất hiện nay đang trả chi phí ít hơn bao giờ hết, các nhà đầu tư đang theo đuổi nhiều yếu tố mang tính cực đoan nhưng hấp dẫn để tìm kiếm khoản lợi nhuận tiếp theo. Không ai biết chắc liệu những bong bóng này có vỡ tung hay không, nhưng những cảnh báo ngày càng lớn hơn.
Lịch sử đã cho chúng ta thấy tác hại của bong bóng lớn nhất có thể như thế nào khi chúng vỡ ra từ những bong bóng nổi tiếng ban đầu như cơn sốt hoa tulip Hà Lan vào thế kỷ 17 đến những bong bóng dotcom năm 2001 và bong bóng nợ dưới chuẩn đã thúc đẩy cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, những ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục được nhìn thấy cho đến ngày nay.
Hiện tại, thế giới đang đặt hy vọng vào việc phân phối vắc xin để cho phép các nền kinh tế đi đúng hướng. Tuy nhiên, bất kỳ trục trặc nào trong quá trình đó đều có khả năng khiến các nhà đầu tư bán tháo, điều này có thể biến thành vòng xoáy mất niềm tin rộng rãi hơn trên các loại tài sản.
Sự sụp đổ của thị trường và sự suy thoái hiện nay trong khi phần lớn thế giới đã phải vật lộn với những ảnh hưởng của đại dịch có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong nhiều năm tới.
Ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh mẽ, điều đó cũng có thể là một thách thức do các tài sản như cổ phiếu hiện nay đang rất đắt. Các ngân hàng trung ương và chính phủ có thể bắt đầu quay trở lại kích thích kinh tế để giữ nợ và rủi ro lạm phát trong tầm kiểm soát, điều này một lần nữa có thể khiến các nhà đầu tư quen với chính sách tiền tệ nới lỏng.
Và hiện tại, ít nhất tâm lý hưng phấn vẫn đang tiếp tục diễn ra…