Giới đầu tư chờ tin quan trọng

(ĐTCK) Chờ đợi bảng lương phi nông nghiệp tháng 7 sẽ được công bố vào cuối tuần - dữ liệu quan trọng để dự đoán động thái của Fed, giới đầu tư toàn cầu đều tỏ ra thận trọng trong phiên thứ Năm.
Giới đầu tư chờ tin quan trọng

Sau 2 phiên tăng điểm nhờ hiệu ứng từ Apple, cổ phiếu của nhà sản xuất Iphone đã giảm trở lại, kéo theo nhóm cổ phiếu công nghệ giảm theo.

Đà sụt giảm của nhóm cổ phiếu này, cùng với nhóm cổ phiếu năng lượng sau khi giá dầu giảm trở lại đã khiến S&P 500 và Nasdaq quay đầu giảm điểm, trong khi Dow Jones vẫn duy trì được đà tăng nhẹ, nhưng cũng đủ để chỉ số này tiếp tục thiết lập đỉnh cao lịch sử mới sau khi lần đầu tiên chinh phục được mốc 22.000 điểm trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 3/8, chỉ số Dow Jones tăng 9,86 điểm (+0,04%), lên 22.026,10 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,41 điểm (-0,22%), xuống 2.472,16 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 22,30 điểm (-0,35%), xuống 6.340,34 điểm.

Chứng khoán châu Âu duy trì đà tăng trong phiên thứ Năm nhờ kết quả kinh doanh khả quan của một số doanh nghiệp vừa công bố bù đắp cho sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu năng lượng và công nghiệp. Trong đó, chứng khoán Anh tăng mạnh khi đồng bảng Anh chạm mức thấp nhất 9 tháng so với đồng euro sau khi Ngân hàng Trung ương Anh giữ nguyên mức lãi suất.

Tuy nhiên, chứng khoán Đức lại đi ngược dòng khi giảm nhẹ 0,22% do ảnh hưởng từ đà sụt giảm của cổ phiếu Siemens khi Tập đoàn này thông báo trì hoãn kế hoạch niêm yết công ty chăm sóc sức khỏe của mình sau khi công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II thất vọng.

Kết thúc phiên 3/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 63,34 điểm (+0,85%), lên 7.474,77 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 26,76 điểm (-0,22%), xuống 12.154,72 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 23,24 điểm (+0,46%), lên 5.130,49 điểm.

Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm trong phiên thứ Năm, trong đó hiệu ứng tăng điểm của Apple biến mất khiến các cổ phiếu sản xuất chip của Nhật Bản giảm mạnh, kéo thị trường giảm điểm.

Chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông cung điều chỉnh nhẹ khi nhà đầu tư thận trọng sau chuỗi tăng mạnh của 2 thị trường này trước đó.

Kết thúc phiên 3/8, chỉ ố Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 50,78 điểm (-0,25%), xuống 20.029,26 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 76,37 điểm (-0,28%), xuống 27.531,01 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 12,13 điểm (-0,37%), xuống 3.272,93 điểm.

Trên thị trường vàng, giá kim loại quý sụt giảm mạnh trong phiên châu Á và duy trì quanh mức giá 1.262 USD/ounce trong suốt phiên Á sau đó và phiên châu Âu. Tuy nhiên, khi bước vào phiên giao dịch Mỹ, giá vàng đã lấy lại đà tăng, trở lại mức giá đóng cửa của phiên trước đó, nhưng không có biến động thêm nhiều trong thời gian còn lại của phiên giao dịch, đóng cửa chỉ ở mức tăng nhẹ.

Giới đầu tư đang chờ đợi bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Sáu này để đoán xem liệu Fed có tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới hay không.

Kết thúc phiên 3/8, giá vàng giao ngay tăng 1,7  USD/ounce (+0,13%), lên 1.267,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 2 USD/ounce (+0,16%), lên 1.267,8 USD/ounce.

Sau khi hồi phục trong phiên thứ Tư, giá dầu thô đã nhanh chóng giảm trở lại trong phiên thứ Năm, trả lại gần như hết những gì đã có trong phiên trước đó khi nhà đầu tư lo ngại về lượng cung của OPEC gia tăng, bù đắp cho nhu cầu xăng của Mỹ tăng cao được công bố trong phiên trước đó.

Báo cáo mới nhất của Reuters cho thấy, sản lượng xuất khẩu của OPEC trong tháng 7 tăng cao mức kỷ lục, chủ yếu do xuất khẩu gia tăng ở các thành viên châu Phi.

Kết thúc phiên 3/8, giá dầu thô Mỹ giảm 0,56 USD/thùng (-1,14%), xuống 49,03 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,35 USD (-0,67%), xuống 52,01 USD/thùng. 

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục