Chứng khoán đồng loạt khởi sắc, dầu thô đảo chiều giảm mạnh

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh khả quan của một số doanh nghiệp lớn vừa công bố giúp chứng khoán toàn cầu khởi sắc trong phiên thứ Ba. Trong khi đó, việc OPEC gia tăng sản lượng đã khiến giá dầu thô đảo chiều giảm mạnh từ mức cao nhất 2 tháng.
Chứng khoán đồng loạt khởi sắc, dầu thô đảo chiều giảm mạnh

Trên thị trường chứng khoán Mỹ, các chỉ số chính đã đồng loạt tăng điểm trong phiên thứ Ba, chứ không chỉ một mình Dow Jones đơn thân độc mã như mấy phiên trước. Với phiên tăng điểm này, Dow Jones lần thứ 5 liên tiếp thiết lập đỉnh cao lịch sử mới và tiến sát mốc 22.000 điểm.

Phố Wall tăng điểm trong phiên thứ Ba nhờ sự hỗ trợ tích cực đến từ nhóm cổ phiếu tài chính, đặc biệt là Goldman Sachs, JPMorgan Chase và các ngân hàng khác.

Ngoài ra, cổ phiếu Apple cũng tăng 0,89% trước khi công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II với dự báo doanh thu tăng 6%.

Tuy nhiên, đà tăng của thị trường phần nào bị ảnh hưởng bởi các dữ liệu kinh tế vừa công bố không mấy tích cực. Theo đó, chỉ số sản xuất tháng 7 của Mỹ phù hợp với dự báo, còn chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lại giảm so với tháng trước. Chi tiêu xây dựng cũng giảm 1,3% so với tháng trước, trong khi giới phân tích dự báo tăng 0,5%.

Kết thúc phiên 1/8, chỉ số Dow Jones tăng 72,80 điểm (+0,33%), lên 21.963,92 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,05 điểm (+0,24%), lên 2.476,34 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 14,81 điểm (+0,23%), lên 6.362,94 điểm.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt tăng điểm trở lại trong phiên thứ Ba, cũng là phiên giao dịch đầu tiên của tháng 8 nhờ nhận được sự hỗ trợ từ kết quả kinh doanh tích cực của một số doanh nghiệp vừa công bố đà đà tăng mạnh của giá dầu.

Kết thúc phiên 1/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 51,66 điểm (+0,70%), lên 7.423,66 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 133,04 điểm (+1,10%), lên 12.251,29 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 33,26 điểm (+0,65%), lên 5.127,03 điểm.

Chứng khoán châu Á cũng đã tìm được tiếng nói chung trong phiên thứ Ba nhờ kết quả kinh doanh khả quan của nhiều doanh nghiệp được công bố.

Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản đã hồi phục trở lại nhờ Nitto Denko và Mitsui Sumitomo Financial Group có báo cáo kết quả lợi nhuận cao hơn dự kiến. Tuy nhiên, đà tăng bị hãm bớt do đồng yên tăng mạnh so với đồng USD.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục vẫn duy trì chuỗi tăng điểm ấn tượng của mình, trong đó chứng khoán Hồng Kông đóng cửa ở mức cao nhất 26 tháng.

Kết thúc phiên 1/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 60,61 điểm (+0,30%), lên 19.985,79 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 216,24 điểm (+0,79%), lên 27.540,23 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 19,61 điểm (+0,60%), lên 3.292,64 điểm.

Trên thị trường vàng, giá kim loại quý này có phiên giao dịch đầy biến động. Trong phiên châu Á và châu Âu, giá vàng lình xình, sau đó tăng vọt khi bước vào phiên giao dịch Mỹ với các dữ liệu kinh tế của Mỹ kém khả quan được công bố. Tuy nhiên, về cuối phiên, giá vàng đã hạ nhiệt và đóng cửa gần như không thay đổi so với mức giá đóng cửa của phiên trước khi đồng USD tăng mạnh trở lại từ mức thấp nhất 13 tuần.

Kết thúc phiên 1/8, giá vàng giao ngay giảm 0,6 USD/ounce (-0,05%), xuống 1.268,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 6 USD/ounce (+0,47%), lên 1.272,6 USD/ounce.

Sau chuỗi tăng ấn tượng để leo lên mức cao nhất 2 tháng, giá dầu thô đã đảo chiều giảm mạnh khoảng 2% trong phiên thứ Ba khi các nhà sản xuất lớn tiếp tục bơm cung vào thị trường.

Cụ thể, theo khảo sát mới của Reuters hôm thứ Hai, sản lượng của OPEC đã gia tăng trong tháng 7, mặc dù tổ chức này có thỏa thuận cắt giảm sản lượng trước đó.

Kết thúc phiên 1/8, giá dầu thô Mỹ giảm 1,01 USD/thùng (-2,05%), xuống 49,16 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,94 USD (-1,78%), xuống 51,78 USD/thùng. 

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục