Chứng khoán giảm đồng loạt, giá vàng, dầu thô thăng hoa

(ĐTCK) Căng thẳng địa chính trị khiến giới đầu tư thận trọng với chứng khoán, trong khi là chất xúc tác để giá vàng lên mức cao nhất hơn 1 tháng. Giá dầu thô cũng có tuần tăng mạnh nhất năm khi nhận được nhiều thông tin hỗ trợ.
Chứng khoán giảm đồng loạt, giá vàng, dầu thô thăng hoa

Phố Wall tiếp tục có diễn biến trái chiều trong phiên cuối tuần trước. Trong khi Dow Jones duy trì đà tăng để thiết lập đỉnh cao mới nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng của Chevron, thì S&P và Nasdaq tiếp tục giảm. Trong đó, S&P giảm do tác động từ kết quả kinh doanh kém khả quan của một số doanh nghiệp lớn như Amazon, Exxon và Starbucks, còn Nasdaq chưa lấy lại được tinh thần sau phiên giảm mạnh trước đó do sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ.

Kết thúc phiên 28/7, chỉ số Dow Jones tăng 33,76 điểm (+0,15%), lên 21.830,31 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,32 điểm (-0,13%), xuống 2.472,10 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 7,51 điểm (-0,12%), xuống 6.374,68 điểm.

Phố Wall tiếp tục có sự trái chiều trong tuần qua, nhưng với chiều ngược lại hoàn toàn so với tuần trước. Trong khi Dow Jones lấy lại đà tăng mạnh 1,16% sau khi điều chỉnh nhẹ 0,27% tuần trước, thì S&P 500 và Nasdaq đều đảo chiều giảm nhẹ với mức giảm lần lượt 0,02% và 0,2%.

Lo ngại về bất ổn địa chính trị, cùng với việc đồng euro tăng mạnh đã khiến chứng khoán châu Âu đồng loạt giảm mạnh trong phiên cuối tuần qua.

Kết thúc phiên 28/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 74,64 điểm (-1,00%), xuống 7.368,37 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 49,34 điểm (-0,40%), xuống 12.162,70 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 55,56 điểm (-1,07%), xuống 5.131,39 điểm.

Với phiên giảm mạnh cuối tuần, chứng khoán Anh (chỉ số FTSE 100) quay đầu giảm 1,13% trong tuần qua sau khi có 3 tuần tăng liên tiếp. Chứng khoán Pháp (chỉ số CAC 40) dù giảm mạnh phiên cuối tuần, nhưng cũng đã hồi phục 0,27% trong tuần qua sau khi giảm 2,25% trong tuần trước. Trong khi đó, chỉ số DAX tại Đức tiếp tục có tuần giảm thứ 2 liên tiếp khi mất 0,63% sau khi giảm mạnh 3,10% trong tuần trước đó.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, ảnh hưởng từ đợt sụt giảm của cổ phiếu công nghệ trong phiên trước đó tển phố Wall, các cố phiếu có liên quan của Nhật Bản cũng giảm mạnh trong phiên cuối tuần, kéo chỉ số Nikkei 225 lùi sâu.

Tâm lý nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng bở việc từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada, qua đó tỷ lệ ủng hộ đối với Thủ tướng Shinzo Abe cũng giảm xuống.

Chứng khoán Hồng Kông cũng giảm khá mạnh trong phiên cuố tuần trước, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày do các nhà đầu tư chốt lời sau khi tăng mạnh từ đầu tuần, cũng như bị ảnh hưởng từ phiên sụt giảm trước đó của phố Wall.

Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục lại có diễn biến trái chiều khi tăng điểm nhẹ trong phiên cuối tuần nhờ nhóm bluechip và dữ liệu kinh tế vững chắc gần đây, cũng như cam kết của nước này sẽ tiếp tục cải cách các công ty nhà nước.

Kết thúc phiên 28/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 119,80 điểm (-0,60%), xuống 19.959,84 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 151,78 điểm (-0,56%), xuống 26.979,39 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 3,46 điểm (+0,11%), lên 3.253,24 điểm.

Sau khi giảm nhẹ tuần trước, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm điểm tuần thứ 2 liên tiếp, trong khi chứng khoán Hồng Kông nối dài chuỗi tuần tăng điểm của mình. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikke 225 giảm 0,7%, chỉ số Hang Seng vẫn tăng 1,02%, chỉ số Shanghai Composite cũng tiếp tục tăng 0,47%.

Việc đồng USD giảm mạnh trong phiên cuối tuần, cùng những lo ngại về căng thẳng địa chính trị tại bán đảo Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tiếp tục thử tiên lửa đạn đạo giúp giá vàng tăng mạnh trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 28/7, giá vàng giao ngay tăng 10,5 USD/ounce (+0,83%), lên 1.269,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 9 USD/ounce (+0,71%), lên 1.269,0 USD/ounce.

Với những phiên tăng điểm ấn tượng cuối tuần, giá vàng đã có được tuần tăng thứ 3 liên tiếp, dù biên độ tăng chỉ còn một nửa so với tuần trước. Cụ thể, trong tuần qua, giá vàng giao ngay tăng 1,16%, giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 1,12%.

Với những thông tin hiện tại, dĩ nhiên cả nhà đầu tư và giới phần tích vẫn duy trì cái nhìn tích cực về xu hướng của giá vàng.

Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, có 14 chuyên gia thị trường trả lời, trong đó có 10 người, chiếm 71% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần này, gần tương đương với tuần trước (72%). Số người dự báo giảm và đi ngang đều là 2, chiếm 14%.

Tương tự, trong cuộc thăm dò nhà đầu tư trực tuyến trong tuần này, có 687 người tham gia, trong đó có 444 người dự báo giá vàng sẽ tăng, chiếm 65%, cao hơn so với con số 58% của tuần trước; 183 người, chiếm 27% dự báo giá vàng sẽ giảm, thấp hơn chút ít so với con số 28% của tuần trước; 60 lượt, chiếm tỷ lệ 9% giữ quan điểm trung lập.

Tương tự, cùng với việc đồng USD giảm mạnh, số lượng hàng tồn kho của Mỹ tuần trước được công bố trước đó với mức giảm lớn hơn dự kiến và khả năng Ả Rập Xê út, nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới cắt giảm sản lượng giúp giá dầu thô tiếp tục tăng vọt trong phiên cuối tuần. Phiên tăng mạnh này giúp giá dầu thô lên mức cao nhất 2 tháng và có tuần tăng mạnh nhất trong năm.

Kết thúc phiên 28/7, giá dầu thô Mỹ tăng 0,67 USD/thùng (+1,35%), lên 49,71 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,03 USD (+1,96%), lên 52,52 USD/thùng.

Sau khi giảm nhẹ tuần trước, giá dầu thô đồng loạt tăng mạnh trong tuần qua với mức tăng mạnh nhất kể từ dầu năm. Cụ thể, trong tuần qua, giá dầu thô Mỹ tăng 8,61% và giá dầu thô Brent tăng 9,28%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục