Giao tài sản bảo đảm để xử lý: Chưa chuyển biến rõ ràng

(ĐTCK) Một trong những khó khăn, thách thức trong xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu của ngành ngân hàng được nhìn nhận là sự thiếu hợp tác của người giữ tài sản đảm bảo. Theo TS. Hồ Quang Huy, Phó cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và giám sát việc thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp, ngay cả khi Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có quy định trực tiếp về giao tài sản bảo đảm, thì vấn đề này vẫn chưa có nhiều chuyển biến trên thực tế. 
Xử lý tài sản bảo đảm là một trong những trụ cột của pháp luật về giao dịch bảo đảm Xử lý tài sản bảo đảm là một trong những trụ cột của pháp luật về giao dịch bảo đảm

Liên quan đến vấn đề giao tài sản bảo đảm để xử lý của Bộ luật Dân sự năm 2015,  ông có nhận định gì?

Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015 quy định về giao tài sản bảo đảm để xử lý. Cụ thể, tại Điều 301 có quy định: “Người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 299 của bộ luật này.

Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác”.

Theo chúng tôi, xét ở góc độ hợp đồng, trong trường hợp bên bảo đảm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ được bảo đảm thì bên nhận bảo đảm có quyền xử lý tài sản bảo đảm với thời gian nhanh nhất, ít tốn kém nhất và tuân thủ yếu tố khách quan, trung thực, thiện chí.

 TS. Hồ Quang Huy

Xét ở góc độ nghiên cứu thì xử lý tài sản bảo đảm là một trong những trụ cột của pháp luật về giao dịch bảo đảm. Trong khi đó, để có thể thực hiện được các thỏa thuận hợp pháp về xử lý tài sản bảo đảm trên thực tế lại phụ thuộc nhiều vào thiện chí, tự nguyện của bên bảo đảm (chủ sở hữu tài sản), từ giao tài sản bảo đảm để xử lý, xác định phương thức xử lý tài sản bảo đảm, giá bán tài sản bảo đảm đến thủ tục chuyển quyền sở hữu cho người mua, người trúng đấu giá tài sản bảo đảm...

Hệ quả tất yếu của tình trạng nêu trên là việc xử lý tài sản bảo đảm và khả năng hiện thực hóa các thỏa thuận hợp pháp trở nên bấp bênh. Trước thực tế chủ sở hữu tài sản bảo đảm (bên nhận bảo đảm) không hợp tác, con đường tố tụng (khởi kiện tại tòa án) để yêu cầu được xử lý được tài sản và thu hồi nợ trở thành lựa chọn gần như là tất yếu của bên nhận bảo đảm (dĩ nhiên sẽ vẫn có những lựa chọn khác ngoài con đường tòa án, như vụ VPBank AMC thu giữ tài sản bảo đảm là căn hộ 1401, tòa nhà 17-T2, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội).

Trong nhiều vụ việc cụ thể vẫn không chắc chắn xử lý được tài sản bảo đảm, ngay cả khi bản án của tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền đã có hiệu lực  pháp luật.

Xét ở góc độ kinh tế thì việc xử lý tài sản bảo đảm theo con đường tố tụng mất quá nhiều thời gian, thủ tục phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của bên nhận bảo đảm, làm phát sinh thêm chi phí xã hội, cũng như tạo gánh nặng cho nền kinh tế và cho chính nguồn lực ngân sách nhà nước.

Do vậy, quy định nêu trên có thể xem là một tiến bộ của pháp luật dân sự khi tiếp cận với lý thuyết "vật quyền" (quyền được thực hiện trực tiếp trên vật, một thuật ngữ tại Dự thảo Bộ luật Dân sự - PV), cũng như phù hợp với bản chất chung của giao dịch dân sự và yêu cầu của thực tiễn.

Phản hồi từ một số ngân hàng cho biết thực tiễn áp dụng thời gian qua các ngân hàng gặp khá nhiều khó khăn. Ông bình luận gì về việc này?

Bộ luật Dân sự 2015 được Quốc hội khóa 13 thông qua ngày 24/11/2015, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2017 với nhiều nội dung mới, tiệm cận với những nguyên lý chung của pháp luật dân sự, trong đó bao gồm các quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (từ Điều 292 đến Điều 350).

Nhìn chung, cách tiếp cận mới của Bộ luật Dân sự cơ bản đã giải quyết được những vướng mắc, khó khăn trong xác lập, thực hiện biện pháp bảo đảm. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng thời gian qua cho thấy vẫn còn một số vấn đề liên quan đến chế định bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cần tiếp tục được phân tích, đánh giá nhằm góp phần hình thành cơ chế pháp lý điều chỉnh phù hợp với đời sống dân sự, kinh doanh, thương mại.

Thực tế giao kết hợp đồng bảo đảm thời gian qua cho thấy, ngay cả khi Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có quy định trực tiếp về giao tài sản bảo đảm thì vấn đề này vẫn không có nhiều chuyển biến trên thực tế.

Do vậy, để tháo nút thắt về xử lý nợ xấu, pháp luật cần bảo vệ hài hòa lợi ích của các bên trong hợp đồng bảo đảm (bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm) và cao hơn nữa là bảo vệ lợi ích của cả nền kinh tế. Do vậy, quy trình xử lý tài sản bảo đảm (bao gồm cả quyền thu giữ tài sản, quy trình khởi kiện…) phải thực sự nhanh chóng, hiệu quả hơn nữa.

Ông có thể chia sẻ những kiến nghị cụ thể?

Theo tôi, cần tiếp cận vấn đề xử lý tài sản bảo đảm ở góc độ kinh tế thị trường, từ đó cho phép bên nhận bảo đảm thực thi ngay các quyền xác lập trên tài sản bảo đảm đã được thỏa thuận hợp pháp trong hợp đồng, cũng như giúp bên bảo đảm có khả năng tự mình xử lý khối tài sản bảo đảm và thu hồi “lợi ích bảo đảm” trên cơ sở thứ tự ưu tiên thanh toán. Thứ tự này được xác lập dựa trên thứ tự đăng ký quyền phát sinh từ việc nhận tài sản bảo đảm (đăng ký biện pháp bảo đảm).

Theo đó, Tòa án nhân dân Tối cao cần sớm có hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn khi giải quyết các tranh chấp phát sinh liên quan đến tài sản bảo đảm, hợp đồng bảo đảm, mà không chỉ áp dụng đối với các khoản nợ xấu như Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội khóa 14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Trên thế giới, có 56 nước áp dụng quy trình tố tụng giản lược này, nhờ đó thời gian để tiến hành xử lý tài sản thế chấp ở những nước này ít hơn 50% so với những nước dùng các biện pháp xét xử khác. Bên cạnh đó, các quy định hướng dẫn Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng cần tạo lập những quy định mang tính cơ bản giúp bên nhận bảo đảm thực hiện được ngay các quyền hợp pháp của đối với tài sản bảo đảm.

Thứ nhất là quyền nhận chính tài sản bảo đảm, quyền bán tài sản bảo đảm mà không phụ thuộc vào ý chí của chủ sở hữu nếu vi phạm thỏa thuận đã được giao kết.

Thứ hai là tạo lập hành lang pháp lý thúc đẩy việc bên nhận bảo đảm được quyền tiếp cận tài sản bảo đảm để xử lý nhanh chóng, hợp pháp. Theo đó, bên nhận bảo đảm có quyền tự mình thu hồi tài sản bảo đảm dựa trên nguyên lý “không vi phạm điều cầm, trái đạo đức xã hội”.

Thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm cho thấy, nếu tiếp tục duy trì cơ chế xử lý như hiện nay thì thời gian xử lý tài sản bảo đảm sẽ kéo dài, các thỏa thuận trong hợp đồng không được thực hiện nghiêm túc.

Xuất phát từ nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận hợp pháp của các bên trong hợp đồng, việc đề xuất giải pháp bên nhận bảo đảm được quyền thu giữ tài sản bảo đảm cũng chính là nhằm khắc phục bất cập nêu trên, đồng thời cũng là giải pháp phù hợp với nguyên tắc trong giao dịch bảo đảm hiện đại (quyền của chủ nợ có bảo đảm).

Dĩ nhiên, trên cơ sở các quy định chung nhất của Bộ luật Dân sự, các văn bản dưới luật sẽ quy định về các điều kiện, trình tự phải đáp ứng trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm để loại bỏ nguy cơ  phát sinh hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Nhuệ Mẫn thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục