Chẳng hạn, tại Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), năm 2011, Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Việt Trung (Công ty Việt Trung) do bà Đào Thị Minh làm Giám đốc ký kết hợp đồng tín dụng số tiền 39,9 tỷ đồng. Ngân hàng đã giải ngân bằng 15 khế ước.
Công ty Việt Trung thế chấp 7 tài sản gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất (tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội) để đảm bảo cho khoản vay. Trong đó, hầu hết tài sản của bên thứ ba là người thân quen của bà Minh gồm: hộ gia đình ông Nguyễn Huy Lượng, Nguyễn Ngọc Sơn, Triệu Văn Hùng, Nguyễn Gia Thái...
Do hoạt động thua lỗ, Công ty không thể thanh toán khoản nợ. Ngân hàng chỉ còn cách xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi vốn cho vay. Tuy nhiên, việc xử lý tài sản không dễ dàng vì liên quan đến nhà đất hộ gia đình, đồng thừa kế.
Một số chủ tài sản cho rằng, nguồn gốc đất là tài sản chung, có thành viên khác đầu tư xây dựng thêm nhưng không biết và không được tham gia ký kết hợp đồng tín dụng.
Ông Nguyễn Huy Lượng cho biết, tháng 1/2009, gia đình ông cho Công ty Việt Trung mượn sổ đỏ, đồng ý thế chấp, nhưng không cho các con biết. Trên đất gồm 10 nhân khẩu đang sinh sống và quá trình sử dụng, gia đình xây dựng thêm ngôi nhà 4 tầng.
Tương tự, trường hợp ông Nguyễn Ngọc Sơn thế chấp diện tích đất 45m2 (nhà đất tặng cho) trình bày, bố mẹ và anh chị em không được ký vào hợp đồng thế chấp.
Đối với các hợp đồng tín dụng được ký kết giữa Ngân hàng với bên thứ ba, bà Minh có lời khai là đã nhờ người khác giả mạo chữ ký chủ tài sản.
Năm 2015, Tòa án nhân dân huyện Thanh Trì tuyên phạt Công ty Việt Trung phải thanh toán số tiền nợ gốc và lãi là hơn 85 tỷ đồng. Trường hợp không trả được nợ, Ngân hàng có quyền xử lý các tài sản bảo đảm.
Sau phiên tòa trên, Công ty Việt Trung và những người có quyền lợi liên quan kháng cáo. Cuối tháng 12/2016, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xem xét các nội dung kháng cáo. Theo luật sư bị đơn, Ngân hàng không xem xét việc sử dụng vốn vay không đúng phương án vay. Số tiền vay chủ yếu để trả nợ cho những khoản vay trước. Bị đơn đề nghị trả nợ gốc, không chịu lãi suất phát sinh.
Luật sư của chủ tài sản cho rằng, từ năm 2007 - 2011, 7 hộ gia đình ký hợp đồng thế chấp bảo đảm khoản vay cho bên thứ ba, nhưng Ngân hàng chưa làm rõ nguồn gốc đất là đất chung, đất riêng, tài sản thừa kế. Ngân hàng chưa đánh giá, thẩm định tài sản. Đặc biệt, với những chủ thể thường xuyên sinh sống trên đất nhưng không được ký vào hợp đồng thế chấp là vi phạm Điều 109, Bộ luật Dân sự 2005. Mặt khác, các nội dung trong hợp đồng thế chấp, hai bên chỉ thỏa thuận thế chấp quyền sử dụng đất, không thế chấp tài sản gắn liền trên đất.
Các đương sự có lời khai cho rằng, nguồn gốc một số tài sản thế chấp là đồng thừa kế, giấy chứng nhận do một người thay mặt quản lý theo truyền thống của ủy ban nhân dân xã xác nhận cấp cho hộ gia đình.
Theo Hội đồng xét xử, các luật sư bị đơn và những người có quyền lợi liên quan xuất trình tài liệu bản phô tô, chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2 hộ gia đình. Đây là các tài liệu mới, có giá trị đánh giá giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình hay cá nhân. Do đó, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định hủy bản án sơ thẩm để làm rõ nguồn gốc đất, tài sản trên đất. Điều này cũng đồng nghĩa, Ngân hàng phải theo đuổi tố tụng lại từ đầu để có thể giải quyết, xử lý tài sản bảo đảm.