Trong phiên hôm qua, sau nửa đầu phiên cố gắng trụ lại trên tham chiếu trước sức ép bán gia tăng, thị trường đã đảo chiều giảm khá nhanh và lùi về gần 1.270 điểm khi kết phiên. Thanh khoản có phần được cải thiện với hơn 25.000 tỷ đồng giao dịch trên HOSE.
Tuy nhiên, điểm nhấn lại ở trên sàn HNX, khi nhóm Apec (API, APS, IDJ) được kéo lên tăng kịch trần từ rất sớm, nhưng trong phiên chiều, lực bán chốt lời ồ ạt đã diễn ra, đẩy cả 3 quay đầu lao dốc, trong đó APS và API đóng cửa ở mức sàn, còn IDJ giảm 8,75%.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 30/5, áp lực bán khá dứt khoát đã được tung vào thị trường ngay khi mở cửa, dù không quá mạnh nhưng lại trên diện rộng khiến khiến VN-Index giảm về quanh 1.265 điểm và giằng co quanh ngưỡng này sau hơn 1 giờ giao dịch.
Nhìn chung không có mã nào giảm quá sâu trên thị trường, nhưng sắc xanh hạn chế, trong khi có gần 300 cổ phiếu mất điểm đang khiến dòng tiền có phần mất phương hướng.
Bất ngờ nhất có lẽ là cổ phiếu VCS khi đang là mã khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 15,1 triệu đơn vị, và chỉ tính riêng con số này thì đây cũng đã là phiên thanh khoản cao nhất lịch sử cổ phiếu này. Tuy nhiên, giá cổ phiếu lại chỉ tăng nhẹ chưa đến 1% lên hơn 21.000 đồng.
Trong khi đó, cổ phiếu BCG theo ngay sau về khối lượng khớp lệnh và giá cổ phiếu sau những phút đầu tăng mạnh đã hạ nhiệt và còn nhích hơn 3%.
Bộ ba cổ phiếu APEC trên sàn HNX sau phiên lao dốc hôm qua đã phân hoá mạnh trong phiên sáng nay, khi IDJ tăng gần 5%, APS về tham chiếu và API dù thoát giá sàn trong những phút đầu nhưng vẫn đang chịu sức ép lớn và mất gần 8%.
Áp lực bán có phần gia tăng ở nửa sau của phiên, khiến sắc đỏ tiếp tục mở rộng trên bảng điện tử, trong khi các bluechip cũng nới thêm đôi chút đà giảm, nhưng cũng đủ khiến VN-Index tìm về các mức điểm thấp hơn và tạm nghỉ về gần 1.255 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 77 mã tăng và 345 mã giảm, VN-Index giảm 15,81 điểm (-1,24%), xuống 1.256,83 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 495,8 triệu đơn vị, giá trị 11.884,3 tỷ đồng, tăng hơn 12% về khối lượng và 13% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 9,73 triệu đơn vị, giá trị 225 tỷ đồng.
Nhóm bluechip chỉ còn hai mã CTG và MSN tăng điểm, nhưng cũng chỉ tăng nhẹ trên dưới 0,5%, cùng POW và VJC về tham chiếu.
Còn lại đều chìm trong sắc đỏ, nhưng cũng mất điểm không quá sâu, với những cái tên như VRE, MBB, SAB, GAS, FPT, PLX, BCM, BVH và HDB dẫn đầu khi mất 2% đến 2,6%. Trong đó, MBB vươn lên thanh khoản cao nhất nhóm và cũng đứng đầu toàn sàn với hơn 17 triệu đơn vị khớp lệnh.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ với lác đác một vài cái tên ngược dòng thị trường đáng kể như EVG +5,4% lên 6.490 đồng, khớp 6,41 triệu đơn vị; KPF +3% lên 3.480 đồng, HNG +3% lên 4.530 đồng, NT2 +2,7% lên 23.250 đồng, HQC +1,9% lên 4260 đồng…
Ở chiều ngược lại, PSH bị bán chốt lời sau liên tiếp những phiên tăng gần đây và giảm sàn -6,9% xuống 7.170 đồng, khớp 3,2 triệu đơn vị và còn dư bán sàn hơn 3,3 triệu đơn vị.
Giảm sâu khác cũng do áp lực chốt lời và hướng đến ở những cổ phiếu có mức tăng tốt gần đây, còn CCL -5,1% xuống 10.200 đồng, VOS -5% xuống 16.300 đồng, TCM -4,9% xuống 49.800 đồng, VPH -4,7% xuống 7.800 đồng, DPG -4,5% xuống 55.100 đồng, HCD -4,3% xuống 10.100 đồng, HHS -4,2% xuống 10.300 đồng. Các cổ phiếu SMC, HAG, BFC, VDS, SBT, DCM, VNE, KHG, EVF, SZC, HVH giảm từ 3% đến gần 4%.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau nửa đầu phiên cố gắng trụ lại gần tham chiếu cũng đã nới thêm đà giảm ở những phút cuối.
Chốt phiên, sàn HNX có 48 mã tăng và 111 mã giảm, HNX-Index giảm 2,83 điểm (-1,16%), xuống 241,32 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 77,5 triệu đơn vị, giá trị 1.379 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,3 triệu đơn vị, giá trị 97,2 tỷ đồng.
Cổ phiếu HUT phiên này đáng kể nhất khi khớp lệnh dẫn đầu sàn với hơn 11,1 triệu đơn vị, giá cổ phiếu có thời điểm chạm mức trần, trước khi kết phiên còn +6,2% lên 19.000 đồng.
Các mã lớn khác còn tăng chỉ còn CEO +1,6% lên 18.800 đồng, còn lại đều giảm với SHS, MBS, PVI, IDC đều mất hơn 2%, PVS -3,2% xuống 42.800 đồng.
Nhóm cổ phiếu APEC với API giảm sàn -9,8% xuống 9.200 đồng, APS giảm nhẹ 1,3% và IDJ tăng 1,4%, khớp từ 2,8 triệu đến 4,2 triệu đơn vị.
Đáng chú ý khác là SRA khi bật lên mức giá trần +8,11% lên 4.000 đồng, khớp 2,02 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index nửa đầu phiên giảm nhẹ cũng đã chịu áp lực bán gia tăng và nới rộng biên độ giảm sau đó.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,81 điểm (-0,84%), xuống 95,12 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 31,7 triệu đơn vị, giá trị 544 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 118 triệu đơn vị, giá trị 1.702 tỷ đồng, với đóng góp chính là gần 110 triệu cổ phiếu MSR, trị giá hơn 1.626,7 tỷ đồng.
Nhóm các cổ phiếu hút giao dịch nhất chỉ còn BCR và MSR tăng điểm, trong đó, BCR bật tăng gần 8% lên 6.900 đồng, MSR nhích 4% lên 18.000 đồng, khớp lần lượt 3,1 triệu và 1,88 triệu đơn vị.
Cổ phiếu BSR vẫn là mã khớp lệnh cao nhất với gần 7,9 triệu đơn vị, giá cổ phiếu giảm hơn 4% xuống 22.500 đồng.