Cổ phiếu nổi sóng nhờ kỳ vọng thoái vốn
Cổ phiếu BCM (của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP (Becamex) bất ngờ nổi sóng trở lại sau thông tin Công ty nằm trong danh sách thoái vốn nhà nước. Trong đó, từ ngày 23/4 - 21/5/2024, cổ phiếu BCM đã tăng 27,3%, lên 64.300 đồng/cổ phiếu, đồng thời tạo hiệu ứng đẩy giá cổ phiếu có liên quan như TDC (của Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương), IJC (của Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật)… bật tăng theo.
Được biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt giảm vốn nhà nước tại Becamex từ 95,44% về 65% đến cuối năm 2025. Đây là cơ sở để cổ đông nhà nước bán vốn và giảm sở hữu tại Becamex.
Thực ra, đây không phải lần đầu tiên Nhà nước lên kế hoạch bán vốn tại Becamex. Trước đó, vào tháng 12/2017, cổ đông Nhà nước chào bán 311,2 triệu cổ phiếu BCM (khoảng 23,6% vốn điều lệ tại thời điểm đó) với giá khởi điểm 31.000 đồng/cổ phiếu, nhưng chỉ bán được 18,95 triệu cổ phiếu, tương ứng 6% khối lượng chào bán. Đầu năm 2018, cổ đông Nhà nước tiếp tục chào bán 296,46 triệu cổ phiếu BCM nhưng chỉ bán được hơn 5,09 triệu đơn vị, với giá 31.000 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, sau hai lần chào bán liên tiếp, cổ đông Nhà nước chỉ bán được hơn 24,09 triệu cổ phiếu BCM, tương đương 7,7% tổng số cổ phần chào bán - một tỷ lệ rất khiêm tốn so với quy mô và tiềm lực mà Công ty đang sở hữu.
Đánh giá về động thái muốn giảm sở hữu nhà nước tại Becamex gần đây, SSI Research cho rằng, việc giảm tỷ lệ sở hữu thông qua phát hành tăng vốn điều lệ (cổ đông Nhà nước không tham gia mua) sẽ khả thi hơn và qua đó, Becamex tăng quy mô vốn chủ sở hữu, hạ tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu xuống. Ngoài ra, nhờ có thêm vốn mới, Công ty sẽ bổ sung đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết.
Tương tự, từ góc nhìn của bà Phạm Thái Thanh Trúc, Giám đốc Phân tích ngành bất động sản, Công ty Chứng khoán Ngân hàng ACB (ACBS) cho biết, tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu của Becamex hiện đạt 93,7%, ở mức cao so với trung bình ngành là âm 16,5%, do các dự án của Tổng công ty đều có quy mô rất lớn, nhu cầu vốn cao trong khi Chính phủ không phê duyệt tăng vốn điều lệ trong nhiều năm. Vì thế, khi Nhà nước phê duyệt việc giảm vốn tại Becamex từ 95,44% xuống mức trên 65% là một tin rất tích cực cho Becamex. Qua đó, Công ty có thể giảm tỷ lệ vay nợ, sử dụng nguồn tiền từ thoái vốn để đầu tư vào các dự án có tiềm năng trong tương lai; đồng thời, thu hút được nhà đầu tư chiến lược đồng hành trong chiến lược phát triển dài hạn của tỉnh Bình Dương.
Quá sớm để kỳ vọng
Quá trình bán vốn nhà nước cần trải qua nhiều giai đoạn, nhiều bước, việc cổ phiếu BCM bật tăng trong tuần vừa qua chủ yếu mang yếu tố tâm lý ngắn hạn.
Becamex là doanh nghiệp có quy mô lớn, sở hữu tài sản lên tới 54.069,1 tỷ đồng. Công ty đang có vị thế là nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp hàng đầu Việt Nam, với tổng diện tích đất sẵn sàng cho thuê lên tới 357,7 ha, cùng với diện tích đất thương mại còn lại là 128 ha và sở hữu cổ phần tại liên doanh VSIP - được dự báo mang lại cổ tức ổn định hàng năm. Vì thế, Becamex thu hút sự chú ý của giới đầu tư mỗi khi có thông tin thoái vốn nhà nước - cơ hội cho nhà đầu tư bên ngoài tham gia vào Công ty.
Tuy nhiên, với quy mô bán vốn lớn, nhà đầu tư nhỏ lẻ không thể “ôm” hết, chỉ những tổ chức quy mô lớn mới có thể tham gia. Trong khi đó, dù khối lượng cổ phiếu chào bán lớn nhưng chỉ tương đương tỷ lệ thấp trên vốn điều lệ, điều này cũng tạo e ngại nhất định với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu lớn, nhà đầu tư tổ chức về công tác điều hành, quản lý doanh nghiệp sau thoái vốn. Bởi khi ấy, cổ đông Nhà nước vẫn sở hữu cổ phần chi phối.
Thêm một yếu tố đáng chú ý, tại thời điểm ngày 31/3/2024, Becamex có 11 công ty con, 13 công ty liên kết và 6 đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân. Trong đó, nổi bật là các công ty liên kết như Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP), Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW… Đây là các đơn vị phát triển bất động sản khu công nghiệp có tiếng tại Việt Nam, khi sở hữu nhiều dự án bất động sản lớn nhờ việc liên doanh với Becamex để lấy dự án.
Việc triển khai trực tiếp dự án, cũng như phát triển cùng liên doanh, hay giao lại các dự án bất động sản thương mại cho các đơn vị Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương, Công ty cổ phần Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật… tạo nên mô hình phức tạp tại Becamex. Điều này khác biệt so với một số công ty bất động sản công nghiệp đang niêm yết như Tổng công ty IDICO - CTCP (mã IDC), Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (mã SIP), Công ty cổ phần Long Hậu (mã LHG), Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức (mã SZC)… khi các đơn vị này chỉ đơn thuần sở hữu một vài dự án, trực tiếp triển khai và không có quá nhiều công ty con, công ty liên kết để chuyển giao qua lại, lợi nhuận được tập trung về tổng công ty.
Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ mới có thông tin chính thức về việc Becamex được phê duyệt giảm vốn nhà nước, kế hoạch bán vốn chi tiết chưa được công bố. Vì vậy, hãy còn quá sớm để nói về định giá cổ phiếu BCM, về tác động của đợt thoái vốn với diễn biến cổ phiếu trên sàn cũng như khả năng thành công của thương vụ.
Nhìn chung, việc thông qua kế hoạch giảm vốn Nhà nước tại Becamex mới chỉ là điểm khởi đầu. Quá trình bán vốn nhà nước cần trải qua nhiều giai đoạn, nhiều bước, việc cổ phiếu BCM bật tăng trong tuần vừa qua chủ yếu mang yếu tố tâm lý ngắn hạn. Sau một thời gian, nếu kế hoạch thoái vốn không có chuyển biến tích cực, rõ ràng, động lực này cũng nhạt dần.
Trên sàn chứng khoán, trường hợp doanh nghiệp có quy mô lớn gặp khó trong quá trình định giá, thoái vốn nhà nước không hiếm thấy. Đơn cử, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu thoái toàn bộ 38,58% cổ phần tại Tổng công ty Viglacera – CTCP (mã VGC) trong giai đoạn 2022 - 2025, song đến nay chưa có chuyển động rõ ràng. Hay Nhà nước lên kế hoạch thoái vốn tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP (mã GVR)… nhưng có nhiều lý do khiến việc thoái vốn, bán vốn gặp khó khăn, chậm triển khai kéo dài như điều kiện thị trường không thuận lợi, vướng mắc trong định giá tài sản liên quan tới quỹ đất lớn, khó khăn trong tìm kiếm đối tác lớn mua cổ phần…