Cổ phiếu ngành nhựa được kỳ vọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hoạt động xây dựng vẫn yếu khiến nhu cầu về nhựa giảm, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh quý I/2024 của nhiều doanh nghiệp ngành nhựa, nhưng kỳ vọng sẽ dần khả quan hơn, nhất là trong nửa cuối năm nay.
Việt Nam hiện có gần 4.000 doanh nghiệp nhựa, trong đó các doanh nghiệp lớn chiếm 10% Việt Nam hiện có gần 4.000 doanh nghiệp nhựa, trong đó các doanh nghiệp lớn chiếm 10%

NTP: Kỳ vọng game thoái vốn nhà nước

Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) công bố thông tin thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong, mã chứng khoán NTP) đã tạo ra cú huých tăng giá đối với cổ phiếu của doanh nghiệp này. Trong tuần qua, giá cổ phiếu NTP tăng từ gần 43.000 đồng/cổ phiếu lên 62.600 đồng/cổ phiếu.

Nhựa Tiền Phong hiện có vốn điều lệ gần 1.300 tỷ đồng, trong đó SCIC sở hữu 37,1%, 3 cổ đông lớn khác là Sekisui Chemical (15%), Nhựa Thiếu niên Tiền phong phía Nam (14,27%) và Chủ tịch Hội đồng quản trị Đặng Quốc Dũng (6,87%). Cổ đông Nhật Bản Sekisui Chemical được nhà đầu tư kỳ vọng sẽ mua hết số cổ phần NTP mà SCIC thoái vốn để trở thành cổ đông nắm quyền chi phối.

Sekisui Chemical là nhà sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng bằng nhựa lớn nhất Nhật Bản, sở hữu nhiều công ty con trong nhiều lĩnh vực kinh doanh, với khoảng 27.000 nhân viên tại 18 quốc gia trên thế giới.

Sekisui Chemical trở thành cổ đông lớn của Nhựa Tiền Phong từ năm 2017. Trước đó, năm 2013, hai bên đã ký kết hợp tác trong việc bán sản phẩm và chuyển giao công nghệ kỹ thuật. Nhựa Tiền Phong chịu trách nhiệm như một kênh phân phối các sản phẩm của Sekisui Chemical, bao gồm sản phẩm hố ga và hộp kiểm tra bằng nhựa PVC cho các dự án ODA của Nhật Bản ở Việt Nam và các dự án khác. Ngược lại, Nhựa Tiền Phong được nhận chuyển giao các công nghệ, khuôn, các thiết bị để tiến hành sản xuất và bán các sản phẩm trên mang nhãn hiệu Sekisui.

Kỳ vọng vào game thoái vốn nhà nước giúp cổ phiếu NTP tăng giá mạnh, dù kết quả kinh doanh quý I/2024 suy giảm. Cụ thể, trong quý đầu năm 2024, Nhựa Tiền Phong ghi nhận hơn 948 tỷ đồng doanh thu và 109 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 27% và 7,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Kế hoạch năm 2024 của Nhựa Tiền Phong là đạt doanh thu 5.400 tỷ đồng, tăng 4,3%; lợi nhuận trước thuế 555 tỷ đồng, giảm 15,7% so với năm 2023.

Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) nhận định, năm nay, Nhựa Tiền Phong có thể ghi nhận 5.247 tỷ đồng doanh thu, tăng 1,4% và lợi nhuận sau thuế 542,7 tỷ đồng, giảm 3% so với năm 2023, vì triển vọng mảng xây dựng nhà ở bị kìm hãm bởi những khó khăn đến từ nhóm khách hàng bất động sản dân dụng.

NHH: Lợi nhuận tăng mạnh

Trong 28 doanh nghiệp nhựa đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2024, có 16 công ty ghi nhận lợi nhuận tăng so với cùng kỳ năm ngoái, 2 công ty chuyển từ lỗ sang lãi, 3 công ty bớt lỗ, 6 công ty giảm lãi, 1 công ty chuyển từ lãi thành lỗ.

Trong đó, 6 doanh nghiệp đầu ngành gồm BMP, NTP, AAA, NHH, TTP, HII chiếm gần 54% tổng doanh thu và 89% tổng lãi ròng.

Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội (mã chứng khoán NHH) được đánh giá có triển vọng tích cực ở mảng nhựa xây dựng và nhóm sản phẩm nhựa linh kiện điện tử. Kết thúc quý I/2024, Nhựa Hà Nội đạt doanh thu hợp nhất 445 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 41 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là quý thứ ba liên tiếp, Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng và biên lợi nhuận ròng đạt 9,1%, cao nhất kể từ quý I/2021.

Năm 2024, Nhựa Hà Nội đặt kế hoạch đạt doanh thu hợp nhất 2.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 138 tỷ đồng, lần lượt tăng 7,9% và 43,4% so với năm 2023.

Sản lượng bán hàng năm nay của Nhựa Hà Nội được kỳ vọng tăng 4% nhờ sự cải thiện của thị trường xây dựng nhà ở tại Mỹ và xu hướng chuyển dịch từ các dòng ván sàn truyền thống sang sử dụng sàn SPC. Giá bán được dự báo tăng 3,1%, vì nhu cầu cải thiện và giá cước vận chuyển tăng.

FPTS dự báo, năm 2024, Nhựa Hà Nội đạt 2.099 tỷ đồng doanh thu và 144 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng lần lượt 2,9% và 49,8%.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu NHH gần đây dao động quanh mức 18.000 đồng/cổ phiếu, tăng 11% trong 1 tháng qua và tăng gần 28% trong 1 năm qua.

BMP: Kỳ vọng lợi nhuận sẽ duy trì ở mức cao

Agriseco Research nhận định, năm 2024, kinh tế trong nước nói chung, mảng xây dựng, bất động sản nói riêng dần hồi phục sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, giúp gia tăng sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp ngành nhựa.

Trong quý I/2024, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (mã chứng khoán BMP) đạt doanh thu 1.003 tỷ đồng, giảm 30,5% và lợi nhuận sau thuế 190 tỷ đồng, giảm 32,5% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh nghiệp kỳ vọng, kết quả kinh doanh nửa cuối năm nay sẽ tích cực khi thị trường bất động sản dần phục hồi, kéo theo nhu cầu sử dụng các sản phẩm nhựa gia tăng.

Nhựa Bình Minh đặt mục tiêu năm 2024 đạt doanh thu hơn 5.500 tỷ đồng, tăng gần 6% và lợi nhuận sau thuế 1.000 tỷ đồng, xấp xỉ mức thực hiện năm ngoái. Trước đó, năm 2023, Công ty đạt 1.041 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gần 50% so với năm 2022.

Theo SSI Research, kết quả kinh doanh trong quý đầu năm 2024 của Nhựa Bình Minh giảm do sản lượng tiêu thụ giảm bởi hoạt động xây dựng yếu, mặc dù biên lợi nhuận gộp cải thiện (từ 38,5% lên 42,4%) nhờ giá đầu vào là hạt nhựa PVC thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm 2023. Ước tính, kết quả kinh doanh quý II này sẽ tăng so với quý I, nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái; kỳ vọng sản lượng tiêu thụ phục hồi từ nửa cuối năm 2024.

Cả năm 2024, SSI Research dự báo, Nhựa Bình Minh đạt doanh thu 5.188 nghìn tỷ đồng, tăng 1% và lợi nhuận sau thuế 915 tỷ đồng, giảm 12% so với năm 2023, với ước tính sản lượng tiêu thụ đạt 91.000 tấn, tăng 5%, nhưng giá bán trung bình giảm 4%. Sang năm 2025, doanh thu và lợi nhuận ròng có thể đạt lần lượt 5.448 tỷ đồng và 1.004 tỷ đồng.

Trên thị trường, giá cổ phiếu BMP có mức tăng gần 9% trong 1 tháng và tăng hơn 63% trong 1 năm qua.

DAG: Chưa thoát lỗ

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á (Nhựa Đông Á, mã chứng khoán DAG) đạt doanh thu 30,3 tỷ đồng, giá vốn bán hàng 41 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp âm 10,7 tỷ đồng. Chi phí bán hàng, chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng không đủ bù lỗ. Kết quả, lợi nhuận sau thuế trong quý đầu năm nay âm 15 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái âm 21 tỷ đồng). Đây là quý thứ 5 liên tiếp, Công ty kinh doanh thua lỗ.

Cổ phiếu DAG đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 24/5/2024 (chỉ được giao dịch phiên chiều), do doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 quá 45 ngày so với thời hạn quy định. Cổ phiếu này đang được giao dịch dưới mức 3.000 đồng/cổ phiếu, thấp nhất trong hơn 10 năm qua.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục