Nhiều tin vui ập đến với nhóm cổ phiếu điện

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu điện có pha bật tăng "xanh, tím" ngay phiên đầu tuần ngày 27/5 nhờ những thông tin hỗ trợ riêng doanh nghiệp và câu chuyện chung cho cả ngành.  
Nhiều tin vui ập đến với nhóm cổ phiếu điện

Nhóm nhiệt điện "xanh tím"

Kết phiên giao dịch ngày 27/5, nhóm cổ phiếu điện tương đối thành công khi POW, PVG được kéo trần, trong khi các cổ phiếu khác trong ngành cũng đua nhau khởi sắc. Kể cả nhóm thuỷ điện vốn đang bất lợi bởi yếu tố thời tiết và sản lượng huy động thấp cũng được đà vụt tăng.

Riêng với POW, sức bật đến từ thông tin các công ty bảo hiểm sẽ bồi thường 1.000 tỷ đồng cho nhà máy điện Vũng Áng 1 (vượt mức dự báo trước đó của Vietcap là 300 tỷ đồng). Ngoài ra, trong 5 tháng đầu năm, POW ước tính doanh thu đạt 13.052 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 669,7 tỷ đồng, lượt lượt hoàn thành 41% và 67% kế hoạch năm.

Một trong những thông tin đáng chú ý ảnh hưởng tới nhóm cổ phiếu điện là việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương hoàn thiện thủ tục, hồ sơ, dự thảo Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện, trình Chính phủ trước 30/5.

Trong ngày 27/5, Bộ Công thương đã ban hành quyết định số 1260/QĐ-BCT phê duyệt khung giá phát điện nhà máy tua-bin khí chu trình hỗn hợp sử dụng khí hóa lỏng (LNG). Quyết định nêu rõ khung giá phát điện cho nhà máy nhiệt điện sử dụng LNG năm 2024 là từ 0 - 2.590,85 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Như vậy, mức giá bán cao nhất mà các dự án, nhà máy có thể áp dụng lên tới gần 2.600 đồng/kWh.

Các thông số sử dụng tính toán mức giá trần này bao gồm: công suất tinh 1.579.125 kW; suất tiêu hao nhiệt tinh ở mức tải 85% (6.330,2 BTU/kWh); giá LNG (không bao gồm thuế giá trị gia tăng, chi phí tồn trữ, tái hóa và phân phối khí sau tái hóa) là 12,9792 USD/triệu BTU. Tỷ giá để tính toán áp dụng ở mức 24.520 đồng/USD.

Bộ Công thương cho biết, căn cứ vào khung giá phát điện trên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đơn vị phát điện sẽ đàm phán giá mua bán điện chính thức không vượt qua mức giá trần.

Điện than vẫn chiếm ưu thế nửa đầu năm

TPS mới đây đã đánh giá, nhiệt điện và thủy điện vẫn là 2 nguồn điện nền cơ bản vì tạo ra nguồn điện ổn định và giá thành phù hợp, cả 2 nhóm đóng góp 75% nguồn cung ứng điện cho cả nước năm 2023 và khá ổn định trong vòng 10 năm qua.

Tỷ trọng đóng góp của điện khí đang có xu hướng giảm dần, trong khi tỷ trọng đóng góp của năng lượng tái tạo đang tăng mạnh trong 3 năm gần đây. Theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia, Việt Nam cần đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo 15 - 20% vào năm 2030 và 20 - 30% vào năm 2045.

Theo dự báo của TPS, với mức tăng trưởng GDP năm 2024 dự kiến 6,5%, ước tính tổng nguồn điện huy động trong năm sẽ dao động từ 298,04 tỷ kWh (phụ tải bình thường) tới 306,36 tỷ kWh (phụ tải cao).

Trong trường hợp phụ tải bình thường, tổng nguồn điện huy động tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong trường hợp phụ tải cao, tổng nguồn điện huy động sẽ tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, thực tế 4 tháng đầu năm cho thấy, tiêu thụ điện tăng trưởng 10 - 11% so với cùng kỳ, cao hơn so với dự báo của Bộ Công thương trong trường hợp phụ tải cao.

Đáng chú ý, ngành công nghiệp và xây dựng là ngành tiêu thụ điện lớn nhất cả nước, luôn chiếm trên 50% tổng sản lượng điện tiêu thụ trong những năm gần đây. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2024, tỷ trọng vốn FDI đăng ký mới của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng trong tổng FDI đăng ký mới đã tăng tới 70,2%, từ mức 57,9% vào năm 2022.

TPS cho rằng, sự phục hồi của ngành công nghiệp, xây dựng và dòng vốn FDI vào nhóm ngành này tăng mạnh sẽ thúc đẩy tiêu thụ điện trong thời gian tới.

Theo kịch bản cân đối cung – cầu điện của EVN cho năm 2024, tỷ trọng điện từ nguồn thuỷ điện giảm xuống từ 35,5% (năm 2022) còn 29% trong trường hợp phụ tải bình thường và 28,2% trong trường hợp phụ tải cao ở năm 2024. Ngược lại, tỷ trọng nhiệt điện than tăng từ 38,6% năm 2022 lên 50,6% trong trường hợp phụ tải bình thường và 51,8% trong trường hợp phụ tải cao ở năm 2024.

Chênh lệch giữa tổng nguồn điện huy động ở trường hợp phụ tải cao và phụ tải thấp ở năm 2024 đến từ việc tăng thêm 7,9 tỷ kWh nhiệt điện than và 0,4 tỷ kWh nhiệt điện khí.

Vậy nên, TPS đánh giá trong nửa đầu năm năm 2024, điện than vẫn được kỳ vọng sẽ có lợi hơn điện khí và thuỷ điện.

Trong khi đó, thuỷ điện được kỳ vọng tăng lên ở những tháng cuối năm nhờ La Nina. Theo dự báo của NOAA, 85% khả năng chu trình ENSO sẽ chuyển sang giai đoạn trung tính trong khoảng thời gian từ tháng 4 - 6/2024 và sau đó có 60% khả năng La Nina sẽ phát triển từ tháng 6 - 8/2024. Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Quốc tế (IRI), pha La Nina thường kéo dài từ 9 - 12 tháng, hoặc thậm chí lên đến 2 năm, do đó pha La Nina xác suất cao sẽ kéo dài trong cả năm sau.

Hiện tượng La Nina giúp lượng nước dồi dào, sản lượng thủy điện thường tăng lên, theo đánh giá của TPS.

"Lộ trình thị trường điện cạnh tranh của EVN sẽ phát triển theo xu hướng bán trên thị trường cạnh tranh ngày càng nhiều, giảm tỷ lệ bán theo hợp đồng. Thủy điện sẽ có lợi thế hơn so với nhiệt điện do giá vốn thấp hơn", TPS dự báo.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục