Sau phiên sáng giằng co với xu thế chủ yếu là đứng ngoài của nhà đầu tư, thị trường bước vào phiên chiều không có thêm thông tin mới nào tác động khiến nhà đầu tư thay đổi vị thế, giao dịch ảm đạm, thanh khoản vì thế sụt giảm mạnh, VN-Index chủ yếu dao động nhẹ quanh tham chiếu và chỉ có nhịp bật lên gần 4 điểm trong phiên ATC là đáng kể.
Đóng cửa, sàn HOSE có 190 mã tăng và 221 mã giảm, VN-Index tăng 3,98 điểm (+0,33%), lên 1.219,75 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 618,1 triệu đơn vị, giá trị 15.459,2 tỷ đồng, giảm 17% về khối lượng và 20% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 73,5 triệu đơn vị, giá trị 2.393,8 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu trụ cột phân hóa, trong đó rổ VN30 có 14 mã tăng, 13 mã giảm cùng GAS, MBB và POW đứng tham chiếu.
Giao dịch tích cực nhất vẫn là NVL và MSN, khi cả hai cùng bứt lên trong những phút cuối và là động lực chính cho VN-Index nhích lên trong phiên hôm nay.
Cụ thể, NVL tăng mạnh 6,2% lên 121.500 đồng, khớp hơn 2 triệu đơn vị, MSN nới đà tăng và kết phiên +3,2% lên 98.000 đồng, khớp 2,38 triệu đơn vị, STB +2,4% lên 23.100 đồng, khớp lệnh cao nhất nhóm và cũng lớn nhất thị trường với hơn 47,5 triệu đơn vị, HPG +2,2% lên 56.300 đồng.
Nhích lên nhưng chỉ hơn 1% có TCH, HDB, PNJ, trong khi TCB, KDH, VIC, VPB, VHM tăng nhẹ.
Giảm sâu nhất là PDR và PLX, khi cùng mất 2,7% xuống 72.200 đồng và 48.600 đồng. VRE -1,8% xuống 30.600 đồng, SBT -1,5% xuống 20.250 đồng, BVH -0,9%, REE -0,6%, BID -0,4%, FPT -0,4%...
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cặp đôi HQC và ROS vẫn nằm sàn với lệnh dư bán chất đống.
Theo đó, ROS -7% xuống 6.670 đồng, khớp 46,9 triệu đơn vị, dư bán giá sàn hơn 9,1 triệu đơn vị, HQC -6,9% xuống 3.800 đồng, khớp 26,6 triệu đơn vị, dư bán giá sàn hơn 12 triệu đơn vị.
Cặp đôi khác là AMD và HAI may mắn hơn đôi chút, khi thoát mức giá sàn, mặc dù vậy, kết phiên vẫn giảm mạnh 6,7% cả hai mã, khớp trên dưới 10 triệu đơn vị. cổ phiếu liên quan là FLC -5,6% xuống 11.050 đồng, khớp 20,6 triệu đơn vị.
Ngược lại, DLG, TSC và TTF trở thành điểm sáng, khi đều tăng kịch trần, trong đó, DLG khớp được hơn 12 triệu đơn vị, TSC và TTF khớp được hơn 5 triệu đơn vị mỗi mã.
Các cổ phiếu tăng tốt với thanh khoản cao còn có HSG +4% lên 31.400 đồng, AAA +4,4% lên 16.700 đồng, DCM +4,2% lên 16.150 đồng, CKG +4,1% lên 15.400 đồng…
Một số mã biến động mạnh gần đây như YEG, giảm sàn trở lại xuống 24.900 đồng, sau bốn phiên trước đó tăng trần. RIC tiếp tục giảm sâu -3,2% xuống 18.200 đồng, ghi nhận phiên thứ 5 liên tiếp mất điểm, trong đó có 3 phiên giảm sàn.
Trên sàn HNX, biên độ giảm của HNX-Index được thu hẹp đáng kể và kết phiên đã leo về gần sát tham chiếu nhờ một số mã lớn nhích lên.
Theo đó, SHB, NVB, THD, CEO đều nhích lên, dù chỉ trên dưới 1%. Đáng kể chỉ còn TVC +2,2% lên 14.000 đồng, IDC +1,5% lên 33.300 đồng, PAN +3,6% lên 25.900 đồng, S99 +3% lên 24.100 đồng…
Ở chiều ngược lại, các mã giảm là SHS, IDJ, TNG, MBS, BVS, nhưng mức giảm cũng chỉ ở mức thấp.
Các cổ phiếu nhỏ ITQ, ACM và KVC giữ sắc tím, trong khi KLF thoát mức giá sàn, nhưng vẫn mất tới 8,2% xuống 5.600 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn HNX với hơn 18,1 triệu đơn vị.
Đóng cửa, sàn HNX có 56 mã tăng và 70 mã giảm, HNX-Index giảm 0,12 điểm (-0,04%), xuống 280,56 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 100,3 triệu đơn vị, giá trị 1.673,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2 triệu đơn vị, giá trị 42 tỷ đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index tiếp nối giao dịch giằng co như phiên sáng cho đến khi đóng cửa.
Các cổ phiếu thanh khoản tốt vẫn chìm trong sắc đỏ như BSR, KSH, VHG, KHB, SBS, ABB, OIL, AAS, BVB, VGT, DRI, TVN, G36…
Trong đó, BSR dẫn đầu thanh khoản và bỏ xa phần còn lại với hơn 11,1 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 7,3% xuống 14.000 đồng.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,01 điểm (-0,01%), xuống 79,41 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 38 triệu đơn vị, giá trị 477,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,74 triệu đơn vị, giá trị 35,7 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả bốn hợp đồng đều kết phiên tăng điểm, trong đó, VN30F2105 tăng 11 điểm (+0,88%), lên 1.265 điểm, tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 253.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 29.100 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, giao dịch sôi động nhất tại CMBB2010 với hơn 5,41 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng mã này lại giảm 4,1% xuống 13.500 đồng/cq.
Theo sau là CHPG2022 với 2,88 triệu đơn vị khớp lệnh và mã này tăng 1,9% lên 14.470 đồng/cq.