Đa dạng nhu cầu
“Cổ phiếu chân sóng”, “Bigboy đầu tư chứng khoán”, “Cổ phiếu trà đá lợi nhuận phi thường”, “Chứng khoán tăng trưởng 2021”, “Cộng đồng tích sản cổ phiếu”… là một số trong rất nhiều room chat của cộng đồng nhà đầu tư chứng khoán. Các tên gọi đã thể hiện trường phái đầu tư của những người lập room, nhằm thu hút nhóm khách hàng quan tâm.
Điều đó cho thấy sự đa dạng trong nhu cầu đầu tư. Tùy theo khẩu vị, giá trị tài khoản, kỳ vọng lợi nhuận và khả năng chịu rủi ro mà nhà đầu tư lựa chọn một nhóm chat hoặc tham khảo tất cả.
Rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đã chấp nhận đóng phí 1 triệu đồng để vào nhóm chat của môi giới tên Trang thuộc Công ty Chứng khoán VNDirect (VNDS) để nhận được tư vấn thông tin về các cổ phiếu giá rẻ dạng trà đá nhưng mang về tỷ suất lợi nhuận từ 15 – 30% trong quý I vừa qua.
Sự xuất hiện của các nhóm, hay còn được gọi là “room chứng khoán” trên mạng xã hội như Facebook, Zalo hay Telegram… đang mọc lên ngày càng nhiều. Tiêu chí của các nhóm này được đặt ra luôn là giảm thiểu rủi ro và gia tăng hiệu quả trong quá trình đầu tư. Theo tìm hiểu của người viết, các room này được chia thành hai loại phổ biến.
Thứ nhất, nhóm đầu tư vào giá trị nội tại doanh nghiệp. Các nhóm này thường được đội ngũ môi giới chuyên nghiệp, có thâm niên trong nghề mở ra nhằm tư vấn tốt hơn cho các khách hàng của mình, phân tích, định hướng đầu tư dựa trên giá trị cốt lõi dài hạn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, số lượng nhóm này hiện nay lại rất ít và không dành cho mọi đối tượng tham gia.
Thứ hai, nhóm đầu cơ lướt sóng thị trường. Đúng như cái tên của nó, những người tham gia nhóm này thường có mục tiêu mua bán ngắn hạn để hưởng chênh lệch giá. Tham gia vào một vài room chứng khoán trên Zalo, người viết ghi nhận được sự bàn luận sôi nổi mỗi ngày của cả môi giới và nhà đầu tư.
Các hoạt động như phân tích doanh nghiệp, đưa ra kịch bản thị trường vô cùng chuyên nghiệp, điều mà nhà đầu tư thường chỉ nhìn thấy từ các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm, đều xuất hiện trong các nhóm này.
Tuy nhiên, người đứng sau room đầu cơ đa phần lại là một hoặc một nhóm môi giới trẻ tuổi đang làm việc tại các công ty chứng khoán. Họ có thể thu hút số lượng người tham gia đông đảo, từ vài chục, vài trăm đến hàng nghìn thành viên, hầu hết đều là những nhà đầu tư mới.
Chị N.N.Tú, một nhà đầu tư F0 chia sẻ rằng: “Trước khi quyết định mở tài khoản đầu tư, tôi đã tham khảo từ bạn bè và các nhóm chứng khoán. Tôi được thêm vào 2 nhóm Zalo cho người mới bắt đầu. Thường sẽ có bạn trưởng nhóm phân tích thị trường mỗi phiên và chỉ cho các thành viên biết các mã đang “hot”. Do chưa có nhiều kinh nghiệm, lời khuyên từ các môi giới và thành viên trong nhóm cũng có giá trị, bởi các mã tôi đổ tiền đều đang có lãi”.
Dẫu vậy, một môi giới cũng khẳng định thẳng thắn những mã tốt và những tín hiệu tốt hơn sẽ có trong nhóm kín khác được gọi là “room VIP”. Nhà đầu tư muốn tham gia room VIP sẽ phải mất phí, hình thức này giúp phân loại nhà đầu tư tiềm năng. Người chịu chi phí sẽ được đưa vào một nhóm khác chất lượng hơn để được “phím hàng” sớm nhất.
Còn với nhóm miễn phí, mục đích của môi giới chỉ là gom được càng nhiều người tham gia lấy tương tác càng tốt, sau quá trình sàng lọc sẽ tìm được những tay chơi VIP khác. Mặt khác, các thông tin “phím hàng” sẽ được đưa vào group lớn để tạo hiệu ứng lan tỏa sau khi room VIP đã “no hàng”.
Thông thường, một group chứng khoán có khoảng vài trăm thành viên. Những nhóm lớn hơn có thể lên đến hàng nghìn thành viên. Trên facebook, có những cộng đồng mà ở đó các tài khoản được “phím hàng”, tư vấn đầu tư thoải mái cho thành viên.
Đặc quyền khách VIP
Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, các khách hàng được coi là VIP được chăm sóc tốt hơn, cập nhật thông tin liên tục, thiết kế danh mục tốt. Với những khách hàng có giá trị tài khoản lớn hẳn, không lướt sóng thường xuyên - thì cần danh mục hàng quý, có đánh giá vì sao khuyến nghị, theo dõi biến động cổ phiếu trong danh sách cho họ...
Khi khách hàng có nhu cầu mua số lượng lớn cổ phiếu, chẳng hạn cổ phiếu sắp IPO, môi giới sẽ liên hệ để có giá chiết khấu. Với cổ phiếu trên sàn hoặc có các cổ phiếu thanh khoản thấp, khách không mua nhiều được cần môi giới liên hệ gom mua.
Phổ biến nhất là các ưu đãi tài chính. Khách hàng giao dịch thường có mức phí ưu đãi, lãi suất thấp, thậm chí, một số công ty có dịch vụ như T0 cụ thể là khách hàng có thể mua hết hạn mức margin trong tài khoản, ngay cả khi chưa đủ tiền theo tỷ trọng.
Tiền sẽ được chuyển vào sau giờ giao dịch hoặc vào ngày T1. Ưu đãi này được áp dụng với khách hàng có lịch sử tín dụng tốt và có tài sản lớn.
Đáng nói là, ngay cả khách hàng lớn cũng thường dành một phần vốn cho hoạt động giao dịch hàng ngày với các cổ phiếu “hot” có sóng. Chính vì thế, có những room quy tụ nhà đầu tư giao dịch lớn, thì các thông tin tư vấn có thể tác động làm tăng/giảm giá chứng khoán trong ngắn hạn hoặc là tức thời.
Một số khách được hưởng ưu đãi dành cho khách chuyên trading. Chẳng hạn như, khách thấy cơ hội tốt, sử dụng hạn mức 5 tỷ đồng để mua chứng khoán. Nếu khớp lệnh, khách nộp vào tài khoản 1 tỷ đồng và khi cổ phiếu về tài khoản T+3, khách hàng bán luôn, thu lợi nhuận còn vốn trả cho công ty kèm lãi. Với những tài khoản dạng này thì phí giao dịch cao cũng không quan trọng.
Bài học chưa học
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khóan Maybank KimEng Việt Nam đánh giá, số lượng nhà đầu tư mở tài khoản, chủ yếu là các nhà đầu tư mới (F0) trong tháng 3 tiếp tục phá kỷ lục lịch sử từ cuối năm ngoái trở lại đây, tháng sau cao hơn tháng trước cho thấy dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán vẫn rất mạnh.
Không ít F0 nhẹ dạ nghe theo lời tư vấn của môi giới và “chuyên gia mạng” trong các room mà không có trang bị kiến thức và lường trước rủi ro.
Theo ông Khánh, các nhà đầu tư F0 giai đoạn nào cũng giống nhau ở chỗ không tìm hiểu kỹ, dẫn đến khi thị trường đảo chiều, nhà đầu tư không ứng biến được do không có kinh nghiệm. Tuy nhiên, khi thị trường đang tốt, ai đánh cũng thắng. Hiện trạng cứ chơi là thắng của nhà đầu tư cũng không thể kéo dài.
Nhiều người “sốt ruột” bước vào chứng khoán, vội vã xuống tiền khi chưa có kinh nghiệm thực tế sẽ dễ dàng đưa mình vào rủi ro của thị trường. Không ít F0 nhẹ dạ nghe theo lời tư vấn của môi giới và “chuyên gia mạng” trong các room mà không có trang bị kiến thức và lường trước rủi ro.
Mỗi ngày, vài mã “hot” luôn là phần được các nhà đầu tư mới chờ đợi trong room. Tuy nhiên, miếng ngon không “miễn phí”. Thông tin doanh nghiệp được mổ xẻ tràn lan trong các nhóm, nhưng nếu mã nào đánh cũng trúng thì môi giới có cần tốn công sức mở thêm room VIP và thu tiền?
Trong vài room mà người viết tham gia, khẩu vị của nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng theo ý chí của môi giới. Với các room đầu cơ ngắn hạn, môi giới thường hướng nhà đầu tư đến các mã có “biến” và game mới đang thu hút thị trường.
Rất nhiều nhà đầu tư không ngần ngại khoe lãi của mình cho các thành viên cùng nhóm và làm nóng thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế, cũng có một bộ phận F0 đã trở thành cổ đông “bất đắc dĩ” của nhiều doanh nghiệp khi nghe được những thông tin này.
Anh P.V.Cường, một nhà đầu tư thâm niên đánh giá chỉ có những người mang tâm lý chơi theo phong trào, không phải đầu tư dài hạn mới nghe theo những lời mách nước này. “Nếu cứ nghe theo môi giới và tin hành lang là thắng, vậy thì cả xã hội ai cũng sẽ đi đầu tư chứng khoán, rồi đến một ngày thị trường cũng sập”, anh Cường nói.
Dưới góc nhìn của một chuyên viên tư vấn chứng khoán với tuổi nghề chục năm, anh V.Hùng đã thẳng thắn chia sẻ với người viết rằng, đừng dại dột nghe theo những lời cam kết “đãi môi” của môi giới mà không có căn cứ rõ ràng, đặc biệt là những lời cam kết trên mạng.
Để sau những phiên thị trường lao dốc, thứ mà nhà đầu tư nhận được chỉ là lời ngụy biện "do khó khăn chung của thị trường" một cách thản nhiên và thiếu trách nhiệm. “Đường dài mới biết ngựa hay”, khi thị trường biến động, nhà đầu tư mới nhận ra đâu là môi giới “có tâm” và chuyên nghiệp.
Anh Hùng cũng cho rằng, bản chất các room chứng khoán không xấu, tuy nhiên, nhà đầu tư cần tự nâng cấp kiến thức để chủ động chọn lọc được những thông tin hữu ích. Thực chiến bằng thời gian và chấp nhận rủi ro ban đầu như là chi phí học đầu tư để tin vào kinh nghiệm của chính mình hơn là những lời hứa hẹn.
Trong khi đó, ông Phan Dũng Khánh cho rằng, các nhà đầu tư hiện nay được tiếp cận thông tin nhiều hơn, nhưng chính nhà đầu tư cũng tự ôm rủi ro vào mình, không phân biệt được thông tin nào là chuẩn, thông tin nào là giả. Do đó, nhà đầu tư cần tỉnh táo chọn lọc thông tin trong room để tránh rủi ro khi đầu tư.
Nhà đầu tư Nguyễn Hữu Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội)
Tôi tham gia đầu tư chứng khoán từ giữa năm 2020 đến nay và nhận thấy cơ hội sinh lời ở thị trường này. Tôi dành một khoản tiền bước vào đầu tư với chiến lược rất rõ ràng. Thứ nhất, chọn cổ phiếu có sóng tăng trưởng trong 5 năm. Thứ hai, doanh nghiệp có năng lực tài chính, năng lực kinh doanh tốt. Thứ ba, chọn mua ở thời điểm cổ phiếu bị điều chỉnh giảm giá.
Hiện tại, danh mục đầu tư của tôi chủ yếu là các cổ phiếu nhóm ngành công nghệ, hàng không… - những ngành tôi đánh giá có tiềm năng tăng trưởng lớn trong thời gian tới và xác định nắm giữ dài hạn.
Nhà đầu tư D. Nguyen (Hà Nội)
Tuy chỉ tham gia thị trường được 2 tháng, tôi đã đổi môi giới tư vấn bốn, năm lần. Đổi môi giới quản lý nhiều lần và mở tài khoản ở 2 công ty chứng khoán nên tôi được góp mặt trong rất nhiều room tư vấn.
Không có room với môi giới thì khó chọn mã lắm. Nhưng phải vào được room VIP, chứ room thường toàn cổ phiếu dởm.
Tôi và bạn bè mỗi người chọn một môi giới tư vấn khác nhau, như vậy sẽ được ở room VIP khác nhau. Sau đó, tôi và đồng đội sẽ chia sẻ và chọn lọc thông tin từ các room để quyết định xuống tiền.