Giao dịch chứng khoán phiên sáng 27/4: ROS, HQC bị xả mạnh, VN-Index dậm chân tại chỗ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán tháo trong phiên hôm qua dường như đã có tác động về mặt tâm lý nhất định đến nhà đầu tư trong phiên sáng nay, khi nhiều người đã tỏ ra thận trọng và không ít đã đứng ngoài quan sát khiến VN-Index gặp khó ngay từ sớm.
Giao dịch chứng khoán phiên sáng 27/4: ROS, HQC bị xả mạnh, VN-Index dậm chân tại chỗ

Trong phiên hôm qua, áp lực bán mạnh dần lên từ khi mở cửa đã khiến thị trường chìm trong sắc đỏ và VN-Index thủng 1.230 điểm. Tâm lý bán tháo mạnh đã diễn ra ồ ạt sau giờ nghỉ trưa và chỉ khi thủng 1.215 điểm, lực cầu bắt đáy đã nhập cuộc. Tuy nhiên, niềm vui đã nhanh chóng bị dập tắt bởi lực bán chờ trực đã nhanh chóng khiến VN-Index giảm sâu thêm và bốc hơi gần 33 điểm khi đóng cửa.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 27/4, không còn cảnh sau mỗi phiên lao dốc lực cầu mạnh mẽ nhanh chóng trở lại thúc đẩy chỉ số tăng mạnh như thời gian gần đây, mà thay vào đó là sự dao động quanh mốc tham chiếu, thanh khoản tăng rất chậm phản ánh tình trạng không ít nhà đầu tư đã đứng ngoài quan sát chờ đợi.

Sự thận trọng là dễ lý giải vì về mặt kỹ thuật, VN-Index phiên hôm đã xác nhận chuỗi tăng ngắn hạn bị bẻ gẫy, việc có thêm những phiên tích lũy hoặc thậm chí giảm thêm điểm với VN-Index là cần thiết, trong trường hợp không có thông tin tích cực hoặc tiêu cực. Về mặt tâm lý thị trường, hàng loạt cảnh báo của các chuyên gia, công ty chứng khoán đã "hù" khi đưa ra khuyến nghị bán bớt danh mục, đứng ngoài quan sát,...

Bên cạnh đó, việc giải chấp margin vẫn là ẩn số khi nhiều mã đã về gần ngưỡng giải chấp vì giảm liên tục hơn 1 tuần qua.

Tất nhiên, khi mà thị trường ảm đạm thì không phải tất cả nhà đầu tư đều hành động giống nhau. "Tham lam khi thị trường sợ hãi" có thể là phần thưởng ngọt ngào ngay sau kỳ nghỉ lễ tới.

Về diễn biến giao dịch, dù ở thời điểm chỉ số về mức giá xanh nhưng số mã giảm vẫn chiếm ưu thế. Nhóm trụ cột đa phần chững lại tăng giảm với biên độ hẹp, trừ NVL, khi đã chạm gần mức giá trần với mức tăng 6,6%.

Nhóm cổ phiếu thị trường đáng chú ý là cặp đôi HQC và ROS, khi nhà đầu tư tiếp tục bán tháo và cả hai đều lùi về mức giá sàn. Thanh khoản ROS tăng vọt với hơn 35 triệu đơn vị khớp lệnh chỉ sau hơn 1 giờ giao dịch, HQC chiếm vị trí thứ hai với hơn 11 triệu đơn vị.

Phần còn lại có thanh khoản cao giao dịch tích cực hơn, với HSG, ITA, DLG, TSC, DXG đều đang có sắc xanh khá vững, trong đó DLG có thời điểm đã chạm mức giá trần tại 3.430 đồng.

Nhà đầu tư vẫn tiếp tục đứng ngoài khiến thanh khoản thị trường sụt giảm, lực bán có phần thắng thế trên bảng điện tử, nhưng may mắn chỉ số VN-Index không giảm mạnh do các trụ cột chỉ biến động nhẹ.

Chốt phiên sáng, VN-Index gần như không đổi, đứng tại mức 1.215,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 357,7 triệu đơn vị, giá trị 8.088,3 tỷ đồng, giảm 20% về khối lượng và 28% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 16,5 triệu đơn vị, giá trị 408,3 tỷ đồng.

Các cổ phiếu bluechip biến động đáng kể nhất là NVL, khi tăng vọt 5,5% lên 120.400 đồng, khớp gần 1,3 triệu đơn vị.

Tăng điểm khác chỉ có MSN là nhích hơn 1% lên 96.000 đồng, các mã còn lại như KDH, POW, TCB, HPG, VIC, VHM, SSI, VCB, BID, STB nhích nhẹ.

Ở chiều ngược lại, giảm mạnh nhất là PNJ -2,4% xuống 92.700 đồng, VPB -2,1% xuống 51.900 đồng, PDR -1,6% xuống 73.000 đồng, PLX -1,5% xuống 49.200 đồng, các cổ phiếu VJC, BVH, VNM, VRE, CTG, FPT giảm nhẹ.

Bốn cổ phiếu về giá tham chiếu là TPB, TCH, MWG và MBB.

Thanh khoản STB dẫn đầu với hơn 16,1 triệu đơn vị, HPG khớp hơn 13,6 triệu đơn vị, VPB khớp hơn 8,4 triệu đơn vị, nhóm SSI, VRE, CTG, TCB, POW và MBB khớp từ 3,37 triệu đến 5,37 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, ROS và HQC bị bán tháo và đều lùi về mức giá sàn tại 6.670 đồng và 3.800 đồng, thanh khoản cao nhất nhì HOSE với lần lượt 45 triệu và 25,5 triệu đơn vị khớp lệnh, cùng trắng bên mua.

Hai cổ phiếu liên quan đến FLC có thời điểm cũng về mức giá sàn là HAI và AMD. Cổ phiếu AMD được kéo mạnh và kết phiên chỉ còn -2,2% xuống 7.100 đồng, khớp 7,59 triệu đơn vị, còn HAI vẫn nằm sàn -6,9% xuống 5.020 đồng, khớp 5,12 triệu đơn vị, trong khi FLC -1,7% xuống 11.500 đồng, khớp 11,88 triệu đơn vị.

Điểm sáng nhất tại TSC, khi tăng kịch trần +7% lên 9.520 đồng, khớp 4,37 triệu đơn vị, tương tự là PSH +7% lên 21.400 đồng, khớp 0,72 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu tăng tốt còn có DLG +5,6%, HSG +4%, AAA +4,7%, DCM +5,2%, với DLG khớp lệnh cao nhất với hơn 8,55 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sớm giảm điểm ngay khi mở cửa và tiếp tục giao dịch dưới tham chiếu khi sắc đỏ chiếm phần lớn trên bảng.

Theo đó, SHB -1,1% xuống 26.800 đồng, PVI -3% xuống 32.200 đồng, TNG -1,4% xuống 21.400 đồng, các cổ phiếu VND, NVB, MBS, NDN, IDJ, BVS, AMV cũng chìm trong sắc đỏ.

Nhích lên có PVS, THD, VCS, TNG nhưng biên độ tăng không cao, trong khi CEO, TVC, PAN, SHS đứng tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu nhỏ phân hóa mạnh với KLF giảm sàn, ART -3,3% thì ITQ và ACM tăng kịch trần.

Thanh khoản KLF phiên này cao nhất sàn với hơn 10,55 triệu đơn vị khớp lệnh, ART theo sau với 5,5 triệu đơn vị, SHB khớp 4,03 triệu đơn vị, PVS khớp 3,54 triệu đơn vị…

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 47 mã tăng và 112 mã giảm, HNX-Index giảm 1,48 điểm (-0,53%), xuống 279,21 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 59,6 triệu đơn vị, giá trị 966 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,43 triệu đơn vị, giá trị 9,2 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index sau nhịp tăng mạnh đầu phiên đã chững lại sau đó và gần như chỉ dao động quanh tham chiếu với biên độ hẹp cho đến khi kết phiên.

Hơn 20 mã thanh khoản cao nhất thì chỉ còn PAS và SSN tăng, còn lại toàn bộ đều giảm với không ít các mã quen thuộc như BSR, VHG, KSH, KHB, ABB, SBS, DDV, AAS, BVB, VGT, DRI…

Trong đó, BSR -4,6% xuống 14.400 đồng, khớp lệnh cao nhất với hơn 5,5 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index gần như không đổi với giá tham chiếu tại 79,42 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 20,9 triệu đơn vị, giá trị 272,2 tỷ đồng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục