Nếu như phiên hôm qua (16/8), thị trường thăng hoa với hơn 266 mã tăng điểm, nhóm trụ ngân hàng, chứng khoán, thép và nhiều nhóm ngành khác như dệt may, bất động sản,... kéo thị trương tăng điểm với thanh khoản bùng nổ thì hôm nay, hình ảnh ngược lại đã diễn ra.
Sau tín hiệu đảo chiều ngắn hạn tăng dần lên ở cuối phiên sáng, thì áp lực bán đã mạnh dần lên trong phiên chiều, khiến ngay cả các trụ đỡ mạnh trong phiên sáng cũng chịu ảnh hưởng, thu hẹp đà tăng, trong khi số mã giảm đã lấn át và không ít tìm đến các mức giá thấp hơn đã đẩy VN-Index lùi về dưới 1.360 điểm.
Điểm tích cực ghi nhận ở nhóm thép khi vẫn giữ được độ nóng, bên cạnh một số mã dầu khí dường như chuẩn bị bước vào nhịp tăng sau đợt tích lũy rất dài.
Mặc dù sau khi thủng mốc này, lực cầu nhập cuộc giúp chỉ số bật khá mạnh trở lại lên trên 1.366 điểm, nhưng phiên ATC với lực bán dứt khoát đã thêm một lần khiến chỉ số này quay đầu điều chỉnh.
Thực ra, việc giảm điểm với thanh khoản khá sau một phiên tăng mạnh cũng không có gì đáng lo ngại. Câu chuyện của thị trường vẫn là chuyện được đề cập trong nhiều bản tin trước đó là dòng tiền vận động rất nhanh, không hề dễ dự đoán trong đợt phục hồi này của thị trường. Nhà đầu tư theo trường phái T+ hoặc nhảy sóng sẽ khó khăn hơn trong xác định điểm mua, nhưng điều tích cực khi dòng tiền vận động nhanh là cơ hội mở ra khá rộng cho nhiều nhóm ngành, thu hút thêm được nhiều dòng tiền mới.
Nhịp phục hồi vẫn đang tiếp tục. Điều đáng mừng là một số mã trụ vẫn đang được định giá khá tốt, nếu đà tăng giá tiếp tục thì việc chỉ số quay lại đỉnh cũ không phải là việc khó!
Nhiều công ty chứng khoán định giá mục tiêu MSN từ 154.000 – 172.000 đồng/cổ phiếu
Đóng cửa, sàn HOSE có 148 mã tăng và 232 mã giảm, VN-Index giảm 7,87 điểm (-0,57%), xuống 1.363,09 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 768,6 triệu đơn vị, giá trị 25.774,3 tỷ đồng, giảm 7% về khối lượng và 6% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 36,2 triệu đơn vị, giá trị 1.295,5 tỷ đồng.
Nếu như trong phiên sáng, VIC, HPG và VCB là bộ ba tích cực nhất hỗ trợ cho chỉ số, thì sang đến phiên chiều, VIC và VCB đã dần đánh mất sức mạnh và chỉ còn đóng góp tổng cộng 1 điểm tích cực cho VN-Index, may mắn HPG vẫn còn giữ được mức tăng khá 1,9%.
Cụ thể, HPG +1,9% lên 50.400 đồng, VIC +0,6% lên 98.900 đồng, VCB +0,4% lên 101.000 đồng.
Các bluechip khác tăng điểm chỉ còn PNJ +1,1%, GVR +0,8%, TPB +0,7% và MBB +0,6%.
Ở chiều ngược lại, VHM là tác nhân chính kéo lùi chỉ số, khi riêng mình ‘đóng góp’ giảm 5 điểm trong gần 8 điểm mất đi của VN-Index, với mức giảm lớn nhất nhóm VN30 khi mất 4,3% xuống 111.000 đồng.
Ngoài VHM, gây sức ép còn đến từ SAB -4% xuống 145.500 đồng, GAS -1,9% xuống 92.400 đồng, VRE -1,6% xuống 28.050 đồng, CTG -1,4% xuống 34.600 đồng. Các mã POW, PLX, BVH, KDH, SSI, TCB… mất trên dưới 1%, trong khi VJC và HDB tìm về tham chiếu.
Tương tự phiên sáng, thanh khoản HPG vẫn bỏ xa phần còn lại với hơn 45,4 triệu đơn vị khớp lệnh, VHM khớp gần 20 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu tài chính, ngân hàng như STB khớp 20,3 triệu đơn vị, SSI khớp 12,98 triệu đơn vị, nhóm ACB, VPB, CTG, TCB, MBB khớp từ 8,74 triệu đến 18,4 triệu đơn vị.
Trên bảng chính, mặc dù sự phân hóa mạnh diễn ra, nhưng nhóm cổ phiếu vẫn giữ được sức hút nhất vẫn là thép, với HSG +4,5% lên 39.800 đồng, NKG +5,1% lên 41.500 đồng, TLH +4,1% lên 17.900 đồng, VIS +4,3% lên 18.000 đồng và POM còn tăng kịch trần +6,7% lên 15.900 đồng. Trong đó, HSG khớp lệnh được hơn 21,9 triệu đơn vị, NKG khớp hơn 14,2 triệu đơn vị.
Một loạt các cổ phiếu vừa và nhỏ ở nhiều nhóm như bất động sản, y tế, dược phẩm, viễn thông hoạt động tốt nhất là HMC, EVE, TGG, JVC, PHC, OGC, SGT, APG, DQC, TVS, DBT, khi đều đã tăng hết biên độ, với điểm JVC là điểm nhấn khi khớp gần 4 triệu đơn vị, PHC khớp 1,58 triệu đơn vị, SGT khớp hơn 1,29 triệu đơn vị.
Ngoài ra đáng kể là LPB, khi phiên này thanh khoản chỉ đứng sau HPG trên sàn với hơn 24 triệu đơn vị khớp lệnh và tăng mạnh 4% lên 26.200 đồng.
Ở chiều ngược lại nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ vẫn chịu áp lực bán duy trì từ đầu phiên với DIG, SCR, HBC, IJC, NLG, FCN, CII, LDG, NTL, VGC, DRH, đều giảm sâu, mất từ hơn 2% đến hơn 5%.
Nhóm cổ phiếu vận tải, logicstic cũng chỉ còn VOS giữ được mức tăng khá +4,3% lên 14.650 đồng, còn lại cũng đã hạ độ cao và giảm điểm, với HAH mất -5% xuống 54.800 đồng, VNL -5,9% xuống 23.050 đồng, STG -4% xuống 26.700 đồng, VSC -2,8% xuống 70.000 đồng.
Trên sàn HNX, tương tự sàn HOSE, khi rung lắc, giằng co dưới tham chiếu trong biên độ hẹp trở thành diễn biến chính của HNX-Index trong suốt phiên chiều.
Giao dịch khởi sắc vẫn thuộc về AMV, khi duy trì được mức giá trần 10.400 đồng cho đến khi đóng cửa, bên cạnh đó là PVS khi nới rộng đà tăng +2,7% lên 26.800 đồng.
Hai cổ phiếu chứng khoán APS và TVB cũng là điểm sáng hiếm hoi, lần lượt tăng 4,5% và 3,5% lên 14.000 đồng và 20.900 đồng.
Trong khi một vài sắc xanh le lói khác tại SHB +0,7%, TNG +1,1%, THD +0,2%, VCS +0,7%, BAB +0,4%...
Ngược lại, PAN nằm trong số các cổ phiếu lớn giảm sâu nhất, mất 5% xuống 30.700 đồng, SHS -2,2% xuống 52.200 đồng, IDJ -3,7% xuống 18.400 đồng, DXS -2,4% xuống 28.400 đồng, PLC -3,3% xuống 35.000 đồng…
Đóng cửa, sàn HNX có 88 mã tăng và 120 mã giảm, HNX-Index giảm 0,42 điểm (-0,12%), xuống 343,11 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 167,1 triệu đơn vị, giá trị 4.573,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,57 triệu đơn vị, giá trị 218,3 tỷ đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng chỉ biến động nhẹ quanh tham chiếu, nhưng may mắn hơn hai chỉ số chính, khi kịp nhích lên vào phút cuối và đóng cửa tăng nhẹ.
Giao dịch tại các mã có thanh khoản cao nhất hầu như ít thay đổi, ngoại trừ BSR nới đà tăng +2,6% lên 19.600 đồng, khớp hơn 10,4 triệu đơn vị.
Hai mã tiếp theo là VGT và HHV đều giảm, trong đó, VGT mất 3,8% xuống 20.000 đồng, khớp hơn 7,7 triệu đơn vị.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,16 điểm (+0,17%), lên 94,2 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 78,2 triệu đơn vị, giá trị 1.547,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,24 triệu đơn vị, giá trị 81,6 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, ngoài VN30F2203 tăng nhẹ, thì ba hợp đồng tương lai còn lại đều giảm, trong đó, VN30F2108 đáo hạn gần nhất giảm 10 điểm (-0,87%), xuống 1.493 điểm, khớp lệnh hơn 211.500 đơn vị, khối lượng mở hơn 34.880 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng bao phủ phần lớn, với CNVL2102 phiên này có giao dịch sôi động nhất với hơn 629.000 đơn vị khớp lệnh, giảm 4,8% xuống 1.800 đồng/cq.