Thị trường tích luỹ đi lên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Yên tâm đầu tư là quan điểm được nhìn nhận nhiều hơn trong cả giới đầu tư và giới phân tích ở thời điểm này.
Cổ phiếu ngân hàng có thể giảm sức hấp dẫn vì nguy cơ nợ xấu tăng và lãi suất cho vay giảm. Ảnh: Dũng Minh. Cổ phiếu ngân hàng có thể giảm sức hấp dẫn vì nguy cơ nợ xấu tăng và lãi suất cho vay giảm. Ảnh: Dũng Minh.

Có thêm lý do để kỳ vọng

Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ đầu tư SGI cho rằng, lạm phát với từng loại hàng hóa có thể tăng bởi những lý do ngắn hạn, nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tổng thể và lạm phát lõi sẽ tiếp tục thấp vì những lý do mang tính cơ cấu, không chỉ ở Việt Nam mà mang tính toàn cầu.

Lạm phát sẽ không phải là mối lo của cơ quan điều hành chính sách trong thập niên 2021 - 2030. Điều cần tập trung làm tốt là nâng cao hiệu quả và đẩy mạnh đầu tư công vào hạ tầng, công nghệ, cải thiện môi trường đầu tư. Làm tốt điều này sẽ giúp khối doanh nghiệp tư nhân bùng nổ, cải thiện năng suất, bù đắp cho áp lực suy giảm quy mô lao động.

Nhìn ngắn hạn hơn, trên khía cạnh vĩ mô, lạm phát trong năm 2021 dự kiến sẽ ở mức thấp hơn so với mục tiêu của Chính phủ là 4%, tạo không gian cho chính sách tiền tệ có thể duy trì việc nới lỏng.

Khả năng đẩy mạnh đầu tư công trong những tháng cuối năm 2021 với kỳ vọng giải ngân trong quý III tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm 2020 sẽ tạo ra sự hỗ trợ cần thiết cho tăng trưởng kinh tế. Đi cùng với đó, xuất khẩu sẽ bước vào mùa cao điểm, giúp cải thiện dần cán cân thương mại.

Tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết trong quý III/2021 có thể chậm lại so với nửa đầu năm, bao gồm nhóm ngân hàng, nhưng triển vọng dài hạn vẫn tích cực.

Trong khi đó, yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán không chỉ nằm ở nội lực của các nhà đầu tư nội. Dự báo, dòng tiền từ khối ngoại sẽ giữ được xung lực trong tháng 8 để hỗ trợ thị trường, bởi kênh chứng khoán được nhìn nhận duy trì sức hấp dẫn.

Trong tháng 7, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trở lại lần đầu tiên kể từ tháng 1/2020 với tổng giá trị 3.602 tỷ đồng, chủ yếu nhờ Quỹ Fubon ETF khi quỹ này hút ròng 3.953 tỷ đồng.

Tâm lý thị trường tốt hơn nhờ khả năng tăng tốc tiêm chủng nhằm phòng ngừa Covid-19 tại hai đầu tàu kinh tế là TP.HCM và Hà Nội.

Hiện tại, biện pháp tăng thời gian giãn cách và thắt chặt cách ly đã cho thấy hiệu quả ban đầu, khi số ca nhiễm Covid-19 hằng ngày có xu hướng giảm kể từ mức cao nhất vào ngày 27/7 với 10.774 ca.

Khi dịch bệnh dần được kiểm soát, tâm lý nhà đầu tư cũng ổn định hơn và kỳ vọng nhiều vào các hoạt động kinh tế sẽ được đẩy mạnh trong quý cuối năm. Thị trường chứng khoán sẽ phản ứng tích cực với triển vọng này và đi trước một nhịp.

Ngoài ra, theo ước tính của Bloomberg, định giá của thị trường sau khi có nhịp điều chỉnh khá mạnh trong tháng 7 đã trở về mức hấp dẫn hơn, với P/E dự phóng năm 2022 là 12,96 lần và tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) năm 2022 là 16,16%. Mức tăng trưởng và định giá này tương đối hấp dẫn nếu so với các thị trường chứng khoán khác.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI nhận định, VN-Index có khả năng quay lại đỉnh cũ 1.420 điểm trong tháng 8.

Tuy nhiên, với các thách thức liên quan đến tình hình dịch bệnh và khả năng tăng trưởng lợi nhuận chậm lại trong quý III/2021, quá trình phục hồi của thị trường có thể gặp khó khăn. Do đó, nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ nên tích lũy cổ phiếu có chọn lọc tại các nhịp điều chỉnh để chủ động phòng ngừa rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận trong ngắn hạn lẫn trung và dài hạn.

Ứng biến

Sau 9 phiên tăng liên tiếp, thị trường đã có phiên giảm điểm nhẹ, sau đó lình xình trong suốt tuần qua. Điểm tích cực là khối lượng giao dịch duy trì ở mức khá cao. Người mua kỳ vọng giá sẽ cao hơn, còn người bán thì thỏa mãn với những gì đạt được.

Hiện tại, nhiều nhà đầu tư không còn quá quan tâm tới chỉ số, mà tập trung vào việc lựa chọn cổ phiếu để đầu tư.

Luật sư Lê Quang Vinh, người có nhiều kinh nghiệm đầu tư trên thị trường chứng khoán nhìn nhận, trong giai đoạn dịch Covid-19, cổ phiếu của các doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng, nhất là thuộc ngành nghề thiết yếu, trong khi định giá cổ phiếu chưa cao sẽ thu hút dòng tiền.

“Hoạt động của doanh nghiệp luôn là thông tin chúng tôi cập nhật, trao đổi với các nhà đầu tư. Thời điểm dịch Covid-19, đâu phải mọi doanh nghiệp đều tê liệt. Doanh nghiệp thép, tôn mạ vẫn đang xuất khẩu tốt sang châu Âu. Doanh nghiệp dệt may phía Bắc vẫn sản xuất và xuất khẩu. Doanh nghiệp cảng biển thì cước vận chuyển vẫn trong xu hướng tăng…”, ông Vinh chia sẻ.

Đáng chú ý, định giá thị trường hiện nay hấp dẫn hơn trước, bởi hầu hết doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý II và bán niên 2021 với đa số doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng. Theo đó, P/E giảm về vùng 15 lần, trong khi giai đoạn “nước rút” trước đó lên tới 19 lần.

Một câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư hay đặt ra là thị trường tăng nhưng tại sao cổ phiếu của tôi lại không tăng, hoặc tăng ít? Câu trả lời có lẽ là do nhà đầu tư mua sai thời điểm (mua khi giá cao), hoặc quá cứng nhắc trong việc chọn cổ phiếu, tức cổ phiếu đó tuy hấp dẫn nhưng dòng tiền lại đang quan tâm đến các cổ phiếu khác, hoặc không theo dõi sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Trong đợt thị trường tăng 9 phiên liên tiếp từ ngày 26/7 đến ngày 5/8, cổ phiếu ngân hàng có mức tăng thấp so với một số nhóm ngành khác. Đơn cử, giá cổ phiếu CTG của VietinBank chỉ tăng 8% sau khi có đợt giảm 24%.

Được biết, lợi nhuận ngân hàng này trong quý II/2021 giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Về triển vọng quý III, trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, nợ xấu ngân hàng có nguy cơ tăng, dẫn tới áp lực trích lập dự phòng, qua đó ảnh hưởng đến lợi nhuận, nhất là khi lãi suất cho vay đã được cắt giảm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp.

Theo tính toán của VietinBank, tổng số tiền lãi và phí hỗ trợ khách hàng trong 6 tháng cuối năm 2021 dự kiến hơn 2.000 tỷ đồng, cả năm là trên 6.000 tỷ đồng.

Trước những thách thức của ngành ngân hàng, nhà đầu tư được khuyến nghị chọn lựa cổ phiếu kỹ càng hơn, tập trung vào nhà băng có khả năng tiếp tục tăng trưởng tốt trong những quý tới, lợi nhuận đến từ các hoạt động cốt lõi, chứ không phải do giảm trích lập dự phòng hoặc ghi nhận lợi nhuận đột biến từ phí trả trước theo các hợp đồng bán bảo hiểm độc quyền với doanh nghiệp bảo hiểm.

Thậm chí, nhà đầu tư nên tạm thời cơ cấu danh mục sang các nhóm cổ phiếu khác, bởi mỗi thời điểm mỗi khác, cổ phiếu dẫn dắt ở giai đoạn trước không có nghĩa vẫn sẽ dẫn dắt ở giai đoạn này.

Một số nhóm cổ phiếu đáng quan tâm là thép, nhu yếu phẩm, công nghệ, dầu khí, bất động sản…

Những nhóm cổ phiếu tiềm năng mà nhà đầu tư có thể xem xét là cảng biển (giá cước vận tải tăng), phân bón (mặt hàng thiết yếu và giá urê ở mức cao), thép (giá và nhu cầu tại châu Âu đang tăng), nhu yếu phẩm (dịch Covid-19 khiến nhu cầu tăng cao), công nghệ (chuyển đổi số tăng trưởng bền vững), dầu khí (giá dầu trên mốc 70 USD/thùng), bất động sản (lợi nhuận tập trung vào 2 quý cuối năm)…

Nhưng dù thị trường có tốt như thế nào thì nhà đầu tư vẫn phải luôn trong tư thế đặt quản trị rủi ro lên hàng đầu, vì yếu tố Covid-19 có thể gây ra những đợt đảo chiều bất ngờ.

Nhà đầu tư nước ngoài giờ đây cũng xoay chuyển rất nhanh, tuần qua họ đã bán ròng hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó có Quỹ Fubon ETF, vốn giải ngân mạnh trong tuần 2 - 3 tháng 7 khi thị trường giảm sâu.

Trần Vũ Cường

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,206.93 1.32 0.11% 95,708 tỷ
HNX 227.23 -0.64 -0.28% 828 tỷ
UPCOM 88.13 -0.24 -0.28% 326 tỷ