“Thấp thoáng bóng dáng đầu cơ”
Sau khi tạo đáy ngắn hạn ở vùng 1.215 điểm vào trung tuần tháng 7/2021, chỉ số VN-Index đã duy trì được đà hồi phục khá tích cực, lấy lại phần nào những gì đã mất.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM nhận định, trong nhịp hồi này, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển khỏi những ngành dẫn sóng trước đó là ngân hàng, thép sang các nhóm ngành khác, nổi bật là bán lẻ, bất động sản, dầu khí, chứng khoán, hóa chất, cảng biển…
Nhiều trong số ngành này mang “thế thủ”, do đó, sự luân chuyển này để dẫn dắt đà tăng vẫn mang yếu tố dè chừng nhất định.
Trong khi đó, ở một góc nhìn khác, cổ phiếu smallcap lại đang hút dòng tiền, dòng tiền thể hiện tính đầu cơ nhiều hơn, đánh vào các ngách nhỏ. Biểu hiện dễ thấy là chỉ số VNSmallcap đã vượt đỉnh, trong khi VN30 hay VNMidcap vẫn còn cách khá xa.
Quan sát diễn biến thị trường trong gần 3 tuần qua, ông Nguyễn Văn Dũng, một nhà đầu tư kỳ cựu nhận xét, nhiều ngành dẫn dắt nhịp tăng đã "nóng", chạy trước lợi nhuận, nổi bật là nhóm bất động sản.
Ngành này đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và dự báo ít nhất phải cuối năm nay mới khởi sắc, nhưng một số cổ phiếu bất động sản đã tăng chóng mặt trong một thời gian ngắn, vượt qua đỉnh lịch sử khiến lãnh đạo doanh nghiệp ngỡ ngàng.
Trên nhiều diễn đàn đầu tư, nhiều người vẫn không ngừng “hô hào” mua vào cổ phiếu bất động sản, cảng biển…, trong khi lợi nhuận quý II và dự báo quý III của nhiều doanh nghiệp chưa thực sự khả quan.
“Nhà đầu tư đang trả giá cho thì tương lai cho nhiều nhóm cổ phiếu. Tương lai thì có thể mức giá này không cao, nhưng hiện tại thì vẫn còn rủi ro”, ông Dũng nêu quan điểm.
Ông Dũng ước tính, với khung lợi nhuận năm nay, P/E các công ty chứng khoán lớn khoảng 15 - 20 lần, trong khi P/B thì ở mức 2,5 - 3 lần.
So với giai đoạn thị trường tạo đáy vào tháng 3/2020, các cổ phiếu như SSI, VND, SHS… đã ghi nhận mức tăng giá 4 - 5 lần, thậm chí cổ phiếu SHS còn tăng xấp xỉ 7 lần. Triển vọng của nhóm bất động sản hay chứng khoán vẫn còn, song ở thời điểm hiện tại, theo ông Dũng, nhóm chứng khoán đã ở sóng thứ 5 và không rõ khi nào sóng này sẽ kết thúc.
“Nếu chỉ bàn đến đầu tư trong ngắn hạn thì vùng này nhiều nhóm cổ phiếu đã xuất hiện rủi ro. Nhà đầu tư lướt sóng vùng này phải luôn có sẵn cổ phiếu trong tài khoản để khi có biến là phải hành động nhanh, bởi đang giao dịch trong sóng hồi nên cần có sự cảnh giác cao hơn”, nhà đầu tư này nhận định.
Còn cơ hội cho đầu tư trung dài hạn
Trên thị trường luôn song hành hai trường phái đầu tư, có nhiều nhà đầu tư ưa thích ngắn hạn (trường phái T+), nhưng cũng có nhiều nhà đầu tư ưa cầm dài hạn. Các quỹ đầu tư thường đi theo chiến lược đầu tư dài hạn, nhưng nhà đầu tư cá nhân không thể rập khuôn theo, xuất phát từ sự khác biệt về quy mô vốn và thời gian có thể nắm giữ cổ phiếu.
Vậy nên, không có chuyện đúng, sai ở cách đầu tư, quan trọng là phải chọn đúng mã cổ phiếu và đúng thời điểm. Chính nhờ có nhà đầu tư ưa thích lướt sóng mà thị trường chứng khoán có sự sôi động, giao dịch liên tục.
Việc tích lũy dần các cổ phiếu trong các nhịp điều chỉnh vẫn phù hợp với kỳ đầu tư từ 6 - 18 tháng.
Tuy vậy, việc bám vào dòng tiền để đầu tư ngắn hạn đòi hỏi sự nhanh nhạy của nhà đầu tư và rủi ro cao hơn.
Khi hầu hết các cổ phiếu đã tăng mạnh so với giai đoạn trước, ông Võ Thế Vinh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam - GTJA (Vietnam) cho rằng, vẫn còn cơ hội cho việc đầu tư trung và dài hạn.
Việc tích lũy các cổ phiếu tốt trong các nhịp điều chỉnh vẫn phù hợp với kỳ đầu tư từ 6 - 18 tháng.
Theo ông Vinh, rất khó để nhận định thời điểm kết thúc đại dịch khi mà nhiều biến chủng Covid-19 mới tiếp tục xuất hiện trên thế giới, nhưng khi tỷ lệ tiêm chủng được tăng lên, kỳ vọng các hoạt động sản xuất - kinh doanh sẽ dần được nới lỏng trở lại.
Các khu vực liên quan tới hoạt động tiêu dùng (sản xuất hàng tiêu dùng và bán lẻ), nhóm doanh nghiệp xuất khẩu và các nhóm phụ trợ như logistics, nhóm tài chính gồm ngân hàng - chứng khoán và nhóm bất động sản cần chờ đợi vùng giá hợp lý, nhưng các mã đầu ngành vẫn nên nằm trong danh sách theo dõi của nhà đầu tư.
Ở thời điểm hiện tại, việc kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 sẽ là yếu tố tiên quyết giúp thị trường bình ổn và thu hút dòng tiền quay trở lại. Khi dịch bệnh được kiềm chế, các doanh nghiệp sẽ dần quay trở lại hoạt động một bình thường và tạo nên kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh trong những tháng cuối năm.
Ông Bùi Văn Huy cũng cho rằng, chiến lược đầu tư dài hạn luôn là chiến lược tốt, tuy nhiên, trong đầu tư dài hạn, phải có “biên an toàn”, nghĩa là an toàn thì giá cổ phiếu phải rẻ hơn 20 - 25% định giá.
“Đối với nhà đầu tư dài hạn, vùng an toàn phải là vùng giá thấp hơn, do đó, khi VN-Index điều chỉnh sâu hơn ở mức 1.250 điểm thì có thể áp dụng” ông Huy nêu quan điểm cá nhân.
Bên cạnh đó, nhiều yếu tố khác đóng vai trò tác động lớn hơn cho xu hướng của chỉ số như việc dòng tiền mới có được tiếp tục bơm vào thị trường không, hay ảnh hưởng từ diễn biến của chứng khoán thế giới.
Ngoài ra, sự kỳ vọng sinh lời của giới đầu cơ vào kênh chứng khoán khi mà nền kinh tế còn được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn ít nhất là hết năm nay là yếu tố đáng lưu tâm.
Trong ba tuần giao dịch vừa qua, các nhà đầu tư cũng phần nào tin tưởng về khả năng hồi phục của thị trường sau khi VN-Index điều chỉnh mạnh. Khác với những lần trước, công “gánh team” thuộc về nhóm VN30, thì nay đợt hồi phục này có sự “chung tay” của rất nhiều nhóm cổ phiếu.
Như chia sẻ của ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phát triển năng lực Đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS, thay vì cố gắng dự báo thị trường sẽ đi về đâu, nhà đầu tư nên tiến hành chiến lược sàng lọc các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn đầu tư giá trị.
Bởi lẽ, cùng với những gói kích thích kinh tế của Chính phủ, những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh sẽ là những doanh nghiệp bật dậy mạnh mẽ nhất khi dịch bệnh được kiểm soát thành công.