Các nhóm cổ phiếu trụ cột vẫn làm tốt nhiệm vụ hỗ trợ thị trường khi thay thế nhau dẫn dắt đà tăng cho các chỉ số. Trong phiên giao dịch sáng nay, trong khi sóng chứng khoán, thép nhanh chóng bị dập tắt, thì sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tiếp sức giúp thị trường tiếp tục tiến bước. Chỉ số VN-Index tạm dừng phiên giao dịch sáng ở vùng giá cao nhất trong phiên, vượt xa mốc 1.270 điểm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, dòng tiền vẫn tỏ ra thăm dò khiến thị trường cầm chừng. Sau khoảng hơn 40 phút mở cửa, áp lực bán có dấu hiệu gia tăng khiến VN-Index lùi về dưới ngưỡng 1.270 điểm.
Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng nhanh chóng lấy lại phong độ, giúp VN-Index bật ngược trở lại và đóng cửa ở mức giá cao nhất ngày.
Dù thị trường kết thúc phiên với mức tăng khá tốt xấp xỉ 12 điểm, nhưng thanh khoản thị trường chưa có sự tăng đột biến mà khá cầm chừng, chỉ vượt nhẹ mức 15.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn khá thận trọng và để VN-Index sớm hướng lên vùng kháng cự mạnh 1.290 – 1.300 điểm thì thị trường cần nhận được sự tham gia tích cực của dòng tiền.
Chốt phiên, sàn HOSE có 278 mã tăng và 164 mã giảm, VN-Index tăng 11,87 điểm (+0,94%) lên 1.274,2 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 634,2 triệu đơn vị, giá trị 15.508,55 tỷ đồng, tăng 17% về khối lượng và 18,78% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 12/8. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 48,62 triệu đơn vị, giá trị 1.545,86 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, dòng bank là điểm tựa chính của thị trường khi sắc xanh bao phủ toàn ngành. Trong đó, cổ phiếu SHB tiếp tục là điểm nhấn khi đóng cửa tăng kịch trần lên mức giá 15.900 đồng/CP, với thanh khoản bùng nổ khi có tới hơn 46,25 triệu đơn vị khớp lệnh, cùng lượng dư mua trần hơn 0,8 triệu đơn vị.
Các mã khác trong ngành cũng ghi nhận mức tăng tốt như BID tăng 4,6% lên mức 41.000 đồng/CP, CTG tăng 2,8% lên mức giá cao nhất ngày 29.450 đồng/CP, VPB, VIB, MBB đều tăng hơn 1%.
Cổ phiếu HDB nhận thêm sự hỗ trợ tích cực từ cầu ngoại cũng đã đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày khi tăng 3,5% lên 26.300 đồng/CP, cùng thanh khoản sôi động khi có hơn 4,82 triệu đơn vị khớp lệnh và khối ngoại mua ròng gần 2,5 triệu đơn vị.
Ngoài dòng bank, một số mã bluechip cũng tăng tích cực, đã tiếp sức tốt cho thị trường như MWG tăng 3,2% lên mức giá cao nhất ngày 65.000 đồng/CP, FPT tăng 2,8% lên 88.900 đồng/CP, SAB tăng 2,2% lên 186.000 đồng/CP, MSN tăng 1,2% lên 108.500 đồng/CP.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán và thép vẫn diễn biến lình xình quanh vùng giá tham chiếu.
Ở nhóm thép, HPG nhích nhẹ 0,2%, trong khi HSG giảm 0,7%, còn NKG đứng giá tham chiếu. Trong đó, HPG vẫn giao dịch sôi động nhất ngành khi chỉ đứng sau SHB về thanh khoản, với hơn 31,51 triệu đơn vị khớp lệnh, còn HSG và NLG đều khớp hơn 10 triệu đơn vị.
Trong nhóm chứng khoán, các mã như VND, SSI, HCM điều chỉnh nhẹ, VCI bị bán mạnh về cuối phiên và đảo chiều giảm sâu sau cú bật mạnh cuối tuần trước, khi kết phiên giảm 3,1% xuống 46.400 đồng/CP.
Cổ phiếu VIX dù không còn nóng như phiên trước nhưng vẫn giữ sắc xanh cùng giao dịch sôi động. Kết phiên, VIX tăng 1,8% lên mức 13.900 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt hơn 11,1 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, tâm điểm đáng chú ý là DBC. Đóng cửa, DBC tăng 6,9% lên mức giá trần 28.600 đồng/CP với thanh khoản đột biến, lên tới hơn 13,8 triệu đơn vị.
Cặp HAG và HNG cũng kết phiên đều tăng hơn 3% và thanh khoản đều thuộc top 10 với khối lượng khớp lệnh tương ứng đạt 26,72 triệu đơn vị và 12,96 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng ở phiên giao dịch chiều khiến thị trường rung lắc và may mắn đóng cửa tăng nhẹ.
Chốt phiên, sàn HNX có 87 mã tăng và 91 mã giảm, HNX-Index tăng 0,55 điểm (+0,18%) lên 303,97 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 77,79 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.602 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3,3 triệu đơn vị, giá trị 47,68 tỷ đồng.
Cổ phiếu chứng khoán SHS mặc dù mở cửa trong sắc tím nhưng áp lực bán gia tăng khiến mã này dần thu hẹp độ cao. Trong phiên chiều, SHS tiếp tục mất giá và đóng cửa chỉ còn tăng nhẹ 0,7%, đứng ở mức giá thấp nhất ngày 14.900 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh vẫn dẫn đầu thị trường, đạt hơn 16,91 triệu đơn vị.
Trong khi đó, một số mã chứng khoán khác như MBS, APS, EVS kết phiên giảm điểm, ART và VIG lùi về mốc tham chiếu.
Một số mã đáng chú ý như HUT đảo chiều giảm 1,3% xuống mức giá thấp nhất ngày 29.300 đồng/CP, CEO cũng giảm nhẹ 0,6%, trong khi IDC giữ sắc xanh nhưng chỉ tăng 0,2%...
Cổ phiếu đáng chú ý là HTP bất ngờ tăng vọt về cuối phiên và đóng cửa tăng 9,5% lên sát mức giá trần 40.300 đồng/CP, với thanh khoản đạt xấp xỉ 2,55 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, sau nhịp điều chỉnh cuối phiên sáng, thị trường duy trì trạng thái đi ngang dưới mốc tham chiếu trong suốt phiên chiều.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,2 điểm (-0,22%) xuống 92,64 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 33,2 triệu đơn vị, giá trị 635,16 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,39 triệu đơn vị, giá trị 44,57 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường khi có hơn 6,84 triệu đơn vị giao dịch thành công và mã này vẫn diễn biến rung lắc nhẹ, kết phiên đứng ở mức giá tham chiếu 25.500 đồng/CP.
Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là VGI khớp hơn 2,67 triệu đơn vị và kết phiên tăng 6,1% lên mức 34.600 đồng/CP.
Cổ phiếu ngân hàng trên UPCoM cũng giao dịch khởi sắc với ABB tăng 2,6% lên 12.000 đồng/CP, BVB tăng 1,4% lên 14.100 đồng/CP, VAB tăng 1,9% lên 10.500 đồng/CP, NAB tăng 2,1% lên 14.900 đồng/CP…
Trên thị trường phái sinh, cả 4hợp đồng tương lai đều tăng điểm, trong đó VN30F2208 đáo hạn gần nhất vào ngày 18/8 đóng cửa tăng 12,9 điểm (+1%) lên mức 1.293 điểm, khớp lệnh gần 183.150 đơn vị, khối lượng mở gần 48.510 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, các mã khớp lệnh cao nhất là CHPG2215 với 1,73 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,4% lên 700 đồng/cq, CMSN2203 khớp 1,53 triệu đơn vị, đóng cửa tăng đứng ở mức giá tham chiếu 10 đồng/cq.