Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Cơ hội đến với nhóm cổ phiếu thép?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu thép có thể tiếp tục hồi phục bởi mức định giá thấp, nhưng mức tăng trưởng sẽ không còn nóng trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh và tăng trưởng doanh thu trong quý II/2022 đã chậm lại.
Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Cơ hội đến với nhóm cổ phiếu thép?

Thị trường đã duy trì được 5 tuần tăng liên tiếp, giúp chỉ số VN-Index ghi nhận hồi phục hơn 10% kể từ đáy ngắn hạn trong vòng 1 tháng qua. Áp lực chốt lời đối với các nhóm cổ phiếu có mức tăng cao hơn thị trường có tác động nhiều đến xu hướng thị trường trong tuần tới? Đâu là góc nhìn của ông/bà?

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Chỉ số VN-Index đã tăng 5 tuần liền và hồi lại hơn 10% nhưng các cổ phiếu có thể hồi 20 – 30%, do vậy áp lực chốt lời sẽ thường xuyên diễn ra cũng như thị trường có những nhịp rung lắc hoặc điều chỉnh là hoàn toàn bình thường.

Ở thời điểm hiện tại, các thông tin vĩ mô trong nước cũng như báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2022 đã hết, trong khi đó chứng khoán thế giới cũng đã cởi bỏ được gánh nặng từ nhân tố lạm phát nên về cơ bản thị trường đã qua giai đoạn khó khăn nhất.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, thị trường có thể sẽ chịu áp lực điều chỉnh gia tăng trong tuần giao dịch tới khi chỉ số VN-Index đang đối mặt với vùng kháng cự mạnh 1.260 – 1.285 điểm. Tuy nhiên, xu hướng tăng ngắn hạn của thị trường vẫn duy trì cho nên đây được xem là các nhịp điều chỉnh kỹ thuật sau chuỗi tăng của thị trường và mức hỗ trợ của chỉ số VN-Index cho nhịp điều chỉnh là 1.229 điểm.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Quan điểm kỹ thuật: Với việc quay trở lại lên phía trên đường MA5, tín hiệu cảnh báo suy yếu của đà tăng đối với VN-Index, VN30, HNX-Index đã tạm thời được loại bỏ. Không những thế, việc đóng cửa ở mức cao nhất 2 tháng đã góp phần củng cố xu hướng đối với chỉ số VN-Index.

Dự báo trong những phiên giao dịch tới, thị trường có thể sẽ có những nỗ lực tăng giá để chỉ số VN-Index hướng lên vùng kháng cự tại 1.290-1.300 điểm, tạo bởi vùng đỉnh tháng 6 và đường MA100 ngày nếu thanh khoản của 2 sàn được cải thiện trở lại ít nhất lên mức bình quân 5 phiên gần nhất.

Tuy nhiên, nếu đà tăng của VN-Index không đi kèm với sự gia tăng của thanh khoản thì nhiều khả năng các cổ phiếu dẫn dắt của hai sàn sẽ thực hiện nhiệm vụ kéo chỉ số lên tới vùng kháng cự mạnh.

Tuy nhiên nhà đầu tư cũng nên chú ý ngày 18/8 sẽ là ngày chốt giao dịch hợp đồng tương lai VN30 tháng 8/2022, thị trường sẽ có những biến động mạnh và bất thường.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

TTCK đang có chuỗi phiên tăng điểm tích cực tốt nhất kể từ đầu quý II/2022. Nhiều cổ phiếu tài chính, năng lượng, bất động sản khu công nghiệp, xây dựng xây lắp... có mức tăng giá khá tốt phản ánh tâm lý nhà đầu tư được cải thiện, diễn biến kinh tế vĩ mô cũng có những thông tin hỗ trợ và VN-Index đang tạm thời xuất hiện những phiên tăng/giảm đan xen trước khu vực kháng cự quan trọng 1.260 (+/- 5 điểm).

Xu hướng thị trường trong tuần tới vẫn có có xu hướng tăng cho dù việc áp lực điều chỉnh rung lắc bất ngờ ở một số phiên đầu tuần cũng có thể diễn ra.

So với vùng đáy, chỉ số VN-Index đã có sóng hồi trở lại, thanh khoản cũng phần nào cải thiện. Dòng tiền đã quay trở lại nhưng dường như vẫn chủ yếu tập trung nhiều ở nhóm cổ phiếu đầu cơ. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về khả năng giữ nhiệt của thị trường cũng như độ "bền vững" của dòng tiền ở thời điểm này?

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Thanh khoản toàn thị trường kể từ đầu tháng 8 đến nay đã tiệm cận mức 19.000 tỷ đồng, cao nhất 4 tháng, qua đó xác nhận thanh khoản đã chạm đáy trong tháng 7 vừa qua khi chỉ đạt 13.782 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đà leo dốc của thị trường vẫn tiếp diễn khi đã có 5 tuần tăng liên tiếp nên kể cả trong trường hợp thị trường có gặp áp lực điều chỉnh thì dòng tiền vẫn được duy trì như ở thời điểm hiện tại, thậm chí có thể tăng thêm vì nhiều cổ phiếu vẫn có khả năng tăng tiếp khi dòng tiền đang hoạt động mạnh.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam

Trong tuần qua, dòng tiền có khuynh hướng dịch chuyển vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, điều này cũng thể hiện dòng tiền suy yếu trong những phiên giao dịch gần đây. Tuy nhiên, về cơ bản, dòng tiền ngắn hạn đã cải thiện hơn so với giai đoạn trước và dòng tiền cũng lan tỏa đều giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng thu hút dòng tiền trở lại như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán và thép.

Điểm tích cực trong giai đoạn này là xu hướng trung hạn của TTCK Mỹ đã xác nhận xu hướng tăng, điều này sẽ tác động lên tâm lý tích cực của nhà đầu tư và từ đó dòng tiền ngắn hạn của thị trường cũng sẽ bền vững hơn.

Ngoài ra, sự trở lại dẫn dắt từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng khi nhóm này ghi nhận kết quả kinh doanh quý II tăng trưởng tích cực, điều này sẽ tạo ra xu hướng tăng bền vững và từ đó giữ chân được dòng tiền.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Xu hướng dòng tiền: Nếu thanh khoản cải thiện, dòng tiền đầu cơ có xu hướng nhập cuộc và sẽ lan toả ở nhiều phân khúc vốn hoá, tập trung vào: tài chính, bất động sản thương mại, hạ tầng, khu công nghiệp và vật liệu. Nhóm cổ phiếu dẫn dắt tuần trước như chứng khoán có xu hướng chốt lời.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

TTCK phục hồi với dòng tiền không chỉ tập trung vào các cổ phiếu đầu cơ mà còn cả các nhóm cổ phiếu VN30, cổ phiếu vốn hóa lớn tài chính, ngân hàng, tiện ích, năng lượng.... Dòng tiền lan tỏa từ các cổ phiếu vốn hóa lớn đến các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ phản ánh niềm tin nhà đầu tư được cải thiện, sự ổn định của dòng tiền tham gia...

Vận động của thị trường trong 1 tháng gần đây cho thấy dòng tiền có xu hướng chuyển dịch vào các ngành và nhóm cổ phiếu đã giảm sâu như tài chính, xây dựng và vật liệu xây dựng cũng như vào nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh cải thiện tốt. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu thép cũng có phiên hồi phục mạnh từ phiên cuối tuần với điểm nhấn là HSG tăng trần. Các cổ phiếu khác như HPG, NKG, TLH, POM, SMC đều tăng 2-3%. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về cơ hội nhóm cổ phiếu thép?

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Ông Ngô Quốc Hưng

Ông Ngô Quốc Hưng

Dòng tiền vào nhóm cổ phiếu này khá tích cực trong 4 tuần gần đây, mức độ tập trung vốn đã tăng từ mức 11,5% lên 16% trong tuần vừa qua và đứng ở vị trí thứ 3 chỉ sau nhóm cổ phiếu chứng khoán và bất động sản, trên nhóm ngân hàng.

Bên cạnh đó, về xu hướng giá, nhóm cổ phiếu này cũng đã hồi phục bình quân 19% kể từ đáy dù vẫn còn cách đỉnh 28%, và tuần vừa qua, nhóm cổ phiếu này cũng có mức tăng mạnh 3,76%, đứng thứ 3 thị trường chỉ sau nhóm Thủy sản và Dầu khí. Do vậy, xét về tín hiệu dòng tiền cũng như xu hướng giá, tôi đánh giá tích cực về nhóm cổ phiếu này.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, nhóm cổ phiếu thép chưa thể thoát khỏi giai đoạn tiêu cực và mới chỉ là nhịp hồi sau giai đoạn giảm kéo dài.

Mặc dù định giá thấp, nhưng nhóm thép đã không còn giai đoạn tăng trưởng nóng trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh và tăng trưởng doanh thu trong quý II đã chậm lại.

Ngoài ra, dòng tiền vào nhóm thép vẫn còn yếu so với diễn biến của thị trường chung cho nên tôi chưa kỳ vọng sẽ có một nhịp sóng tăng kéo dài ở nhóm này, mà chủ yếu vẫn là sóng hồi cho các nhà đầu tư ngắn hạn có cơ hội cơ cấu giảm thiệt hại từ nhóm này.

Về dài hạn, nhóm này cần chờ thêm tín hiệu từ các dấu hiệu hạ nhiệt từ giá nguyên liệu đầu vào và sự hồi phục của thanh khoản thị trường bất động sản.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Nhóm cổ phiếu ngành thép đã giảm sâu trong thời gian qua và đã vào vùng quá bán nên sẽ có cơ hội hồi phục tốt hơn.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh đầu tư công cũng là cơ hội của ngành thép.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

Nhóm cổ phiếu thép đã có giai đoạn tăng giá rất ấn tượng 2020 - 2021 và đã có giai đoạn điều chỉnh giảm sâu giai đoạn quý III/2021 đến quý II/2022. Đà tăng giá của nhóm Thép giai đoạn trước đi kèm với số liệu kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trước khi tình hình kinh doanh đã có dấu hiệu giảm nhiệt và đà tăng trưởng bị thách thức bởi lạm phát, sự tăng giá mạnh của các nguyên vật liệu đầu vào và điều đó ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.

Giai đoạn hiện tại, nhóm cổ phiếu thép dường như đã tạo đáy điều chỉnh và đã phục hồi từ vùng đáy lên với thanh khoản tăng khá mạnh điển hình là các cổ phiếu HPG, NKG, HSG...

Ít nhất nhóm cổ phiếu thép đang có dấu hiệu có thể giao dịch ngắn hạn trong khi việc đầu tư với tầm nhìn 6 - 9 tháng hoặc hơn cũng hợp lý với nhóm cổ phiếu cơ bản này.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cũng là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. Điều này đã được nêu rõ trong Báo cáo tóm tắt tình hình phân bổ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của Bộ kế hoạch Đầu tư. Dù đã được đề cập nhiều trong thời gian qua, nhưng ông/bà nhìn nhận đâu là nhóm ngành/doanh nghiệp tiếp tục hưởng lợi từ thông tin này?

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Nhóm cổ phiếu được cho là hưởng lợi từ việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cũng đã phục hồi 21% kể từ đáy dù vẫn còn cách đỉnh cũ 32%. Cá nhân tôi đánh giá không cao triển vọng của nhóm cổ phiếu này trong bối cảnh “bão giá” vật liệu và các điều kiện tài chính có xu hướng co hẹp để kiềm chế lạm phát.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, nhóm hưởng lợi trực tiếp là xây dựng và hạ tầng, vật liệu xây dựng. Đồng thời, nhóm bất động sản cũng được hưởng lợi gián tiếp nhờ vào việc thu hút làn sóng FDI và cải thiện thanh khoản của thị trường bất động sản.

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

Từ những dự báo triển vọng tăng trưởng GDP, số liệu kinh tế vĩ mô được đánh giá khả quan thì nhóm cổ phiếu tài chính, xây dựng và vật liệu, năng lượng, bất động sản khu công nghiệp, hóa chất... là nhóm cổ phiếu vẫn có những cơ hội, hưởng lợi từ việc đẩy mạnh hoạt động đầu tư công giai đoạn cuối năm cũng như sự khởi sắc tích cực của nền kinh tế giai đoạn hậu covid - 19.

Tâm lý nhà đầu tư có phần ổn định hơn nhưng vẫn băn khoăn liệu sóng hồi có tiếp tục duy trì hay đứt quãng để đưa ra quyết định. Vậy đâu là chiến lược phù hợp, theo các ông/bà?

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Nhiều cổ phiếu vẫn đang có cơ hội tăng, dòng tiền vẫn hoạt động mạnh nhưng biên lợi nhuận sẽ không “dày” nhưng ở các tuần trước đó. Do vậy, chốt dần ở các cổ phiếu đã tăng mạnh và cơ cấu danh nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều có thể là chiến lược để đón đầu sự luân chuyển của dòng tiền trong các tuần sắp tới.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, trong ngắn hạn, thị trường vẫn duy trì xu hướng tăng, nhưng chỉ số VN-Index đang phải đối mặt với vùng kháng cự mạnh, nên các nhà đầu tư không nên mua đuổi nếu chỉ số VN-Index tăng vào vùng kháng cự 1.260 – 1.285 điểm. Đồng thời, các nhà đầu tư chỉ nên xem xét mua tích lũy tại các nhịp điều chỉnh về mức hỗ trợ 1.229 điểm của chỉ số VN-Index.

Cơ bản, tôi cho rằng, các nhà đầu tư nên ưu tiên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Vùng 1.290-1.300 là vùng kháng cự mạnh, do vậy nếu không vượt qua được, thị trường sẽ có nhịp điều chỉnh lui về vùng 1.230 và thị trường đang trong giai đoạn xu thế chưa rõ ràng, do vậy, cần xác định được vị thế tài khoản và khẩu vị đầu tư để đưa ra quyết định đúng.

Đối với nhà đầu tư lướt sóng: Nếu đã có sẵn cổ phiếu thì theo dõi sát dòng tiền ra nhóm ngành nào để có thể chốt lời dứt khoát. Trường hợp chưa có sẵn cổ phiếu thì chọn cổ phiếu có dòng tiền mạnh vào nhóm ngành, cổ phiếu đã giảm đủ sâu chưa để vào nhưng tránh mua đuổi.

Đối với nhà đầu tư không lướt sóng, chưa giải ngân nhiều thì hãy chờ những nhịp điều chỉnh để vào. Nếu đã lỡ mất cơ hội thì bỏ qua, không Fomo.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

VN-Index tạm thời tăng và điều chỉnh quanh mốc 1.260 - 1.265 điểm và vẫn hướng lên khu vực 1.280 - 1.300 điểm trong 1, 2 tuần cuối tháng 8. Nhà đầu tư hoàn toàn có thể tìm thấy nhiều cơ hội giao dịch ngắn hạn hợp lý ở các cổ phiếu đã điều chỉnh sâu giai đoạn vừa qua, cổ phiếu có những diễn biến giao dịch tích cực.

Ngoài ra, với một số bộ phận nhà đầu tư tăng trưởng hoặc thuần túy theo đuổi phương pháp đầu tư giá trị thì việc mua gom tích lũy cổ phiếu có mức giá chiết khấu hấp dẫn, nhiều cổ phiếu triển vọng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận tốt giai đoạn tới.

Chiến lược đầu tư linh hoạt đó là vừa có thể giao dịch ngắn ở 2 - 3 mã với việc chọn lựa những nhóm cổ phiếu ăn khách hoặc vẫn có thể mua gom tích lũy vài mã cổ phiếu với tầm nhìn dài cũng không phải là lựa chọn tồi. Giai đoạn hiện tại phù hợp với không chỉ các các nhà đầu tư mà còn cả với các nhà đầu tư với kết quả kinh doanh khởi sắc.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ