Trên đồ thị chỉ số VN-Index, trong nhịp tăng vượt đỉnh 1.420 điểm từ 28/10 tới nay có tới 6/13 phiên mang nến màu đỏ. Trong thị trường tăng có những nhịp điều chỉnh, điều đó là bình thường, tuy nhiên trong lần tăng này, các phiên "nến đỏ" đều có giá trị giao dịch rất cao, thậm chí phiên 3/11 còn lập kỷ lục thanh khoản mọi thời đại, trong phiên 11/11, riêng phiên sáng cũng lập kỷ lục giá trị giao dịch của một phiên giao dịch buổi sáng.
Những tín hiệu trên nói lên điều gì?
Lực mua đang quá tốt và lực bán cũng tăng lên rất mạnh. Nhờ lực mua, thị trường chưa có những phiên VN-Index giảm vài chục điểm như đã từng xảy ra, hay còn gọi là các phiên phân phối. Nhà đầu tư mới đã giúp cho thị trường "cân tất cả" từ khối ngoại bán ròng, các công ty chứng khoán tăng tỷ lệ ký quỹ (giảm cho vay), tới việc các nhà đầu tư mua sớm chốt lời mạnh.
Chỉ số không chỉ giữ vững qua từng phiên mà hình ảnh lịch sử 2010 đang trở lại, hình ảnh của "thượng vàng, hạ cám" đều tăng trần trừ cổ phiếu vốn hóa lớn, hình ảnh của "càng lỗ càng tăng", của "cổ phiếu tốt là cổ phiếu có lái", "cổ phiếu xấu là cổ phiếu không tăng",...
Với những nhà đầu tư đã từng qua giai đoạn cách đây 11 năm thì mua vào lúc này thì quả thật quá "đau tim", thị trường tăng trên nền tảng cổ phiếu nhỏ hơn là những cổ phiếu cơ bản luôn báo hiệu một ngày (không biết ngày nào) sẽ có một cú rũ không hề nhẹ. Và mình, liệu có phải là người cuối cùng nhận "cục than hồng". Nhưng nếu không mua vào thì những câu hỏi vang vọng trong lòng rằng, liệu mình có bỏ lỡ giai đoạn sinh lời tốt nhất!
Vẻ đẹp của thị trường chứng khoán là như vậy, khi mà UpCom, thị trường còn chưa được gọi là "sàn giao dịch" đang cuốn hút hơn bao giờ hết, lấn át cả 'sàn xịn" HOSE hay HNX, thì ai cũng biết rủi ro đang tăng nhưng chẳng ai biết "bong bóng" vỡ khi nào!
Khi chưa vỡ, cứ vui với mỗi ngày tài khoản tăng vài phần trăm, và nếu chọn may thì thậm chí là 15%, một mức sinh lời "vi phạm mọi quy định nếu trong lĩnh vực tín dụng"
Phiên ngày hôm nay (15/11) cũng trong kịch bản tương tự, lực mua rất lớn và lực bán cũng không ít. Phiên sáng, tiền tăng, điểm số tăng, mọi dấu hiệu khá bình thường. Phiên chiều, giống như cái cách mà thị trường đã diễn ra liên tục các phiên buổi chiều gần đây đó là lực bán tăng đột ngột giữa phiên, VN-Index giảm sâu, sau đó mọi chuyện... chẳng có gì xảy ra. Chốt phiên, VN-Index xanh nhẹ và màu tím lan tràn bảng điện.
Thanh khoản ngày hôm nay lại gọi tên con số 2 tỷ USD, riêng sàn HOSE tiếp tục vượt mốc 30.000 tỷ đồng với hơn 1,14 tỷ cổ phiếu sang tay. Trong điều kiện thị trường hiện tại, các phân tích cơ bản, thậm chí là phân tích kỹ thuật đều tỏ ra vô hiệu. Khi mà chỉ số liên tục tăng với thanh khoản ở mức kỷ lục thì dù RSI, ADX, MACD,... rơi vào vùng quá mua kéo dài thì cũng chẳng có ý nghĩa cảnh báo.
Ngày vui vẫn kéo dài, hôm nay là ngày đầu tuần! Cục than vẫn đượm, vẫn tiếp tục trao tay.
Chốt phiên, chỉ số VN-Index tăng 3,2 điểm (+0,22%) lên 1.476,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.174 triệu đơn vị, giá trị 34.045,61 tỷ đồng, tăng 22,85% về khối lượng và 28,35% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 12/11. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 27,87 triệu đơn vị, giá trị 1.307,83 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng với 2/3 số mã vẫn giao dịch dưới mốc tham chiếu và chủ yếu là các mã vốn hóa lớn hơn trong ngành như VCB, TCB, BID, CTG, trong khi ở chiều tăng là các mã MBB, ACB, VIB… cũng chỉ nhích nhẹ với biên độ chủ yếu chưa đến 1%.
Cổ phiếu HDB vẫn là cổ phiếu tăng tốt nhất ngành khi kết phiên tăng 3,04% lên mức 28.850 đồng/CP cùng khối lượng khớp lệnh sôi động, đạt xấp xỉ 9 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thép vẫn chưa có dấu hiệu ngừng bị bán ra với HPG, HSG, TLH giảm trên dưới 2%, NKG và SMC giảm hơn 3%.
Bên cạnh bộ đôi ngân hàng và thép không mấy khả quan, nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục tỏa sáng khi hàng loạt mã trong top vừa và nhỏ đua nhau tăng trần như AGR, APG, TVB, TVS, VIX tăng sát trần, cùng nhiều mã lớn phá đỉnh như SSI tăng 2,7% lên 45.800 đồng/CP, HCM tăng 3,1% lên 45.600 đồng/CP…
Điểm nhấn khác là nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng. Nhịp tăng mạnh của nhóm này vẫn kéo dài, đặc biệt là các mã vừa và nhỏ.
Cụ thể, bên cạnh HQC, LDG, DRH, KHG, QCG tăng trần, cặp đôi họ FLC là FLC và ROS cũng có phiên giao dịch ấn tượng nhờ lực cầu tăng mạnh. Kết phiên, FLC và ROS đều đứng tại mức giá trần với thanh khoản bùng nổ, lần lượt đạt 42,26 triệu đơn vị và hơn 38 triệu đơn vị. Đồng thời, FLC còn dư mua trần chất đống, lên tới hơn 21,2 triệu đơn vị.
Một mã giao dịch ấn tượng khác là TCH. Sau 2 phiên tăng trần liên tiếp cuối tuần qua, cổ phiếu TCH vẫn tỏ ra sức nóng với lực cầu khá lớn khiến lượng dư mua trong phiên sáng nay lên tới gần 7 triệu đơn vị.
Trong phiên chiều, nhịp đảo chiều bất ngờ của thị trường khiến hàng loạt mã, trong đó không ngoại trừ TCH cũng để mất sắc tím. Tuy nhiên, lực cầu mạnh đã nhanh chóng hấp thụ hết và kéo TCH trở lại mức giá trần với thanh khoản tăng vọt, đạt gần 13,3 triệu đơn vị và dư mua trần gần 0,7 triệu đơn vị.
Dẫn đầu thanh khoản thị trường trong phiên hôm nay là POW. Sau diễn biến giằng co nhẹ quanh vùng giá tham chiếu trong phiên sáng, lực cầu mạnh gia tăng vào POW đã giúp cổ phiếu này kéo trần thành công với khối lượng khớp lệnh lên tới gần 44,9 triệu đơn vị và dư mua trần 0,24 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, sau nửa đầu phiên tăng tốc nhờ sự hỗ trợ tích cực của nhóm HNX30, thị trường cũng đột ngột cắm đầu lùi về mốc tham chiếu trước khi hồi phục về cuối phiên. Đặc biệt, thanh khoản tăng vọt với gần 5.100 tỷ đồng được giao dịch thành công.
Chốt phiên, sàn HNX có 172 mã tăng và 92 mã giảm, HNX-Index tăng 2,65 điểm (+0,6%), lên 444,28 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 204,55 triệu đơn vị, giá trị 5.082,58 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 6,44 triệu đơn vị, giá trị 113,72 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 đóng vai trò là trợ lực chính của thị trường với hàng loạt mã tăng mạnh như 3 mã trong nhóm bất động sản – xây dựng là VMC, VC3, CEO đều kết phiên tăng trần, TVC tăng 8,7%, HUT tăng 7,7%...
Trong đó, CEO có phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp và đóng cửa tại mức giá 21.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 3 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 5,94 triệu đơn vị.
Trái lại, cổ phiếu IDC vẫn giảm mạnh nhất trong nhóm HNX30 khi để mất 7,9%, tiếp đó là DTD giảm 5%, THD giảm 3,2%, NBC giảm 2,4%...
Cũng như sàn HOSE, các cổ phiếu chứng khoán trên HNX vẫn giao dịch tích cực với ART, APS, VIG đều tăng trần, cùng SHS tăng 7,6%, MBS tăng 4%, BVS tăng 3,8%...
Về thanh khoản, cổ phiếu PVS vẫn dẫn đầu thị trường với hơn 18,31 triệu đơn vị khớp lệnh và kết phiên giảm 1,7% xuống mức 29.200 đồng/CP.
Tiếp theo đó, cặp đôi nhà FLC là KLF và ART cũng kết phiên trong sắc tím, với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 17,26 triệu đơn vị và hơn 11 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường cũng nới rộng đà tăng sau nhịp hạ nhiệt vào giữa phiên.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 1,08 điểm (+0,98%) lên 111,74 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 161,19 triệu đơn vị, giá trị 3.349,17 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,81 triệu đơn vị, giá trị 69,46 tỷ đồng.
Cũng như hầu hết các cổ phiếu dầu khí, BSR cũng kết phiên giảm 2% xuống mức 24.100 đồng/CP, nhưng vẫn dẫn đầu thanh khoản trên UPCoM với 20,73 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Trong khi đó, HHV vẫn duy trì đà tăng khá tốt với mức tăng 4,7% và kết phiên đứng tại mức giá 24.400 đồng/CP, khối lượng giao dịch chỉ thua BSR với hơn 12,6 triệu đơn vị khớp lệnh.
Điểm danh ở nhóm cổ phiếu bất động sản – xây dựng, cổ phiếu C4G kết phiên tăng kịch trần với thanh khoản đạt 3,95 triệu đơn vị, còn G36 cũng áp sát mức giá trần cùng thanh khoản sôi động, đạt 4,85 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai giảm và 1 hợp đồng tương lai tăng nhẹ. Trong đó, VN30F2111 giảm 2,9 điểm (-0,2%) xuống 1.527,8 điểm, khớp lệnh hơn 111.170 đơn vị, khối lượng mở hơn 33.460 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đảo chiếm ưu thế, với CCHPG2111 hôm nay khớp lệnh tới 231.440 đơn vị, kết phiên giảm 7,8% xuống 1.900 đồng/cq.