Giao dịch chứng khoán chiều 13/6: Chia tay chứng khoán!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ trong vòng 2 phiên VN-Index đã giảm gần 80 điểm, niềm tin vào sự hồi phục của thị trường sau nhịp rơi hơn 300 điểm cách đây hơn 1 tháng đã hoàn toàn tan vỡ. Cú giảm bồi này thực sự sẽ khiến nhiều nhà đầu tư còn rất lâu mới quay trở lại với thị trường.
Giao dịch chứng khoán chiều 13/6: Chia tay chứng khoán!

Thực sự không có quá nhiều tin xấu mới được đưa ra, trừ thông tin Bộ Tài chính Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách giám sát gồm 12 nền kinh tế, ngoài ra thì các tin không tích cực khác như lạm phát, giá xăng dầu khả năng tiếp tục tăng,… hầu hết đã có quá nhiều phân tích đánh giá tác động từ trước. Thị trường đang biến động theo yếu tố tâm lý nhiều hơn là các dữ liệu cơ bản của nền kinh tế và hoạt động doanh nghiệp đang khởi sắc.

Mối lo của nhà đầu tư đến từ khá xa khi lạm phát tại Mỹ vượt dự báo và chứng khoán Mỹ cuối tuần qua cũng rơi ở mức độ kỷ lục. Câu hỏi là diễn biến lạm phát tại Việt Nam có tương tự, tức là ngoài dự báo?

Hiện chưa thể khẳng định điều này bởi còn thiếu các dữ kiện xác nhận, nhưng chứng khoán Việt Nam đã “đi trước một bước”, giảm hơn 30 điểm ngay khi mở cửa và tiếp tục “đi thật xa” khi chốt phiên đầu tuần.

Tâm lý không lạc quan còn thể hiện ở lực cầu giá thấp cũng rất ít, một loạt mã “trắng bên mua” trên bảng điện tử là chỉ dấu cho điều này. Nếu nhà đầu tư tin rằng vẫn còn những cơ hội thì sức mua sẽ khác, nhưng khi mà không ít nhà đầu tư đã đóng bảng, xóa app thì số nhà đầu tư còn lại không vực nổi thị trường.

Chỉ còn 38 mã tăng điểm trên sàn HOSE, con số này thậm chí chỉ bằng gần 1/4 số mã giảm sàn phiên hôm nay cũng trên sàn này (162 mã), thanh khoản chỉ nhích nhẹ so với phiên cuối tuần khi đạt giá trị giao dịch hơn 18.000 tỷ đồng.

Dấu hiệu lực cầu yếu này còn cho thêm một khả năng nữa đó là thị trường còn có thể giảm tiếp. Nếu thực sự có một con sóng giảm dài tiếp nữa thì chắc hẳn nhiều tài khoản sẽ bị “cháy” do dùng đòn bẩy, nhiều nhà đầu tư sẽ không còn tin rằng chứng khoán có thể là nơi tích lũy tài sản hữu hiệu, nhiều nhà đầu tư sẽ thành những cổ đông bất đắc dĩ,…

Một lớp nhà đầu tư mới xuất hiện, đã biết sợ chứng trường, và không biết liệu có còn quay trở lại!

Đáng nói hơn, thị trường chứng khoán - kênh huy động vốn hữu hiệu cho doanh nghiệp vốn được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển sẽ khó phát huy được vai trò của mình.

Chốt phiên, sàn HOSE chỉ có 38 mã tăng (4 mã tăng trần) và 458 mã giảm (163 mã sàn), VN-Index giảm 57,04 điểm (-4,44%), xuống 1.227,04 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 733,45 603 triệu đơn vị, giá trị 18.523,28 tỷ đồng, tăng 21,63% về khối lượng và 9,24% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 10/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 24 triệu đơn vị, giá trị 757,4 tỷ đồng.

Trong nhóm VN30, POW là cổ phiếu hiếm hoi vẫn giữ được sắc xanh nhờ lực cầu mạnh mẽ. Đóng cửa, POW tăng 1,7% lên mức 15.250 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh vượt trội, dẫn đầu thanh khoản thị trường khi đạt 40,9 triệu đơn vị.

Còn lại 29 mã trong nhóm này đều giảm mạnh, đáng kể là PNJ, VPB, BVH, GVR, TPB, CTG, SSI đều đóng cửa tại mức giá sàn; các mã khác như MSN, MBB, MWG, PLX cũng có mức giảm trên 6,7%.

Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu cùng nhịp đập thị trường là chứng khoán có diễn biến tiêu cực nhất khi sắc xanh mắt mèo phủ kín trên diện rộng với sự góp mặt của SSI, HCM, VCI, FTS, TVB, VDS, VIG, VIX, VND, AGR, APG, CTS.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng có phần bớt tiêu cực hơn chút ít khi có EIB đi ngược xu hướng chung của thị trường và đóng cửa tăng 1,64% lên 30.900 đồng/CP và cổ phiếu đầu ngành là VCB thu hẹp đà giảm về cuối phiên khi chỉ còn mất 1,7%, đóng cửa tại mốc 76.400 đồng/CP, còn lại cũng đều giảm mạnh.

Trong đó, CTG, VPB, TPB, MSB, VIB, OCB, LPB giảm sàn; MBB giảm 6,73%; còn lại BID, TCB, ACB, MBB, SHB… đều có mức giảm trên 4-5%.

Ở nhóm cổ phiếu thép, số mã nằm sàn chiếm áp đảo với sự có mặt của HSG, NKG, POM, TLH, trong khi HPG cũng về vùng giá thấp nhất trong ngày khi để mất 5,4% xuống mức 31.800 đồng/CP, SMC giảm 6,8% xuống sát giá sàn 24.800 đồng/CP.

Ở nhóm bất động sản cũng không có nổi mã nào giữ được sắc xanh. Trong đó, số mã giảm sàn cũng la liệt như KBC, DIG, VCG, BCG, TCH, DXG, ITA, CII, IJC…

Nhóm cổ phiếu đi ngược xu hướng chung của thị trường trong phiên sáng nay là điện cũng có phần ảnh hưởng với nhiều mã thu hẹp biên độ giảm hoặc đảo chiều điều chỉnh do áp lực bán gia tăng. Cụ thể, NT2 và VSH tăng 3%, KHP tăng 2,3%, POW tăng 1,7%; trong khi CHP, DRL, SJD, TBC, TMP đều kết phiên mất điểm.

Trên sàn HNX, thị trường cũng cắm đầu đi xuống trong phiên chiều với sắc đỏ phủ kín trên bảng điện tử, đặc biệt là gánh nặng đến từ nhóm cổ phiếu bluechip.

Chốt phiên, sàn HNX chỉ còn 17 mã tăng trong khi có tới 215 mã giảm, HNX-Index giảm 18,08 điểm (-5,9%) xuống 288,37 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 98,1 triệu đơn vị, giá trị 2.135,85 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 17,41 triệu đơn vị, giá trị hơn 601,74 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu đến từ hơn 16 triệu cổ phiếu THD, trị giá hơn 564 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 đồng loạt mất điểm với mức giảm ít nhất là 1%. Trong đó, có hơn 1/3 số mã nằm sàn như CEO, HUT, SHS, L14, TAR, LAS…; các mã khác như TNG, DXP, BVS, PVS, NVB cũng có mức giảm sâu.

Trong đó, các mã giảm mạnh trong nhóm HNX30 đều có thanh khoản tốt trên thị trường với PVS giảm 8,4% xuống mức giá thấp nhất ngày 27.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh sôi động nhất, đạt 18,66 triệu đơn vị.

Tiếp theo là SHS khớp 11,14 triệu đơn vị, CEO khớp hơn 6 triệu đơn vị, HUT và TNG khớp hơn 5,5 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, KLF thoát nằm sàn và kết phiên giảm 5,7% xuống mức 3.300 đòng/CP, với thanh khoản đứng thứ 6 trên thị trường, đạt 3,48 triệu đơn vị. Các mã khác như PVS, IDJ, BII, LIG, AMV, BCC đều kết phiên tại mức giá sàn với khối lượng khớp lệnh một vài triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, bên cạnh SHS, các mã khác trong nhóm chứng khoán cũng diễn biến tiêu cực với APS, MBS, BVS, VIG đều giảm sàn, ART giảm 7,8% xuống mức giá thấp nhất trong ngày 4.700 đồng/CP.

Trên UPCoM, đà giảm cũng nới rộng hơn trong phiên.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 3,19 điểm (-3,4%), xuống 90,53 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 70,97 triệu đơn vị, giá trị 1.500,55 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,6 triệu đơn vị, giá trị 24,46 tỷ đồng.

Các mã lớn đua nhau giảm sâu hơn trong phiên chiều như BSR giảm 6,5% xuống 29.000 đồng/CP, OIL giảm 11,3% xuống mức giá thấp nhất ngày 13.400 đồng/CP, VGI giảm 8,1% xuống 27.200 đồng/CP, MSR giảm 7,5% xyoongs 19.700 đồng/CP, QNS giảm 5,7% xuống 45.000 đồng/CP, VEA giảm 3,9% xuống 44.700 đồng/CP…

Trong đó, BSR vẫn là mã dẫn đầu thanh khoản thị trường, đạt gần 28,1 triệu đơn vị, vượt xa mã đứng thứ 2 là SBS khớp 5,4 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, các cổ phiếu ngân hàng trên UPCoM cũng nới rộng biên độ trong phiên chiều với ABB giảm 5,2%, BVB giảm 7%, VAB giảm 5,8%, NAB giảm 3,3%...

Ở nhóm chứng khoán, bên cạnh SBS giảm sâu cổ phiếu TCI giảm 8,8% xuống mức 9.300 đồng/CP, VUA giảm 1,8% xuống 44.900 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu đáng chú ý, C4G giảm 10,4% xuống vùng giá thấp 12.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 4,36 triệu đơn vị; trong khi VHG giảm 8% xuống mức 4.600 đồng/CP và khớp 3,85 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm mạnh, trong đó, VN30F2206 giảm 50,9 điểm (-3,9%) xuống 1.260,2 điểm. Khớp lệnh gần 332.830 đơn vị, khối lượng mở gần 34.400 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng bao phủ trên diện rộng, trong đó CFPT2203 dẫn đầu thanh khoản thị trường khi khớp lệnh gần 1,88 triệu đơn vị và kết phiên giảm 34% xuống 3.630 đồng/CQ.

Tiếp theo là CACB2102 khớp hơn 1,67 triệu đơn vị và kết phiên giảm 47,4% xuống 100 đồng/CQ.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục