Chiến lược tháng 6, có nên tham lam?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong tháng 6, những động lực mới cho thị trường tăng trưởng là khó, có một số ít nhóm ngành có mức tăng giá tốt. 
Chiến lược tháng 6, có nên tham lam?

Tham khảo chiến lược tháng 6 từ các chuyên gia

Trong chương trình Bí mật đồng tiền với chủ đề “ở đây trị chứng ôm rơm”, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCK SSI nhắc lại về cách phân bổ danh mục đã từng chia sẻ, cứ để 40% tiền mặt và 60% vào GMD, NT2, PVT, QNS. Nhóm này hiện chạy vẫn tốt dù VN-Index chưa vượt 1.300 điểm. Nếu nhà đầu tư muốn thay đổi danh mục, để muốn tấn công một chút thay vì phòng thủ, thì danh mục này vẫn có thể giữ nguyên 3/4 và chỉ bỏ bớt một cổ phiếu là QNS để thay vào một cổ phiếu có lợi suất ngắn hạn tốt hơn như GAS, FPT.

“Đây là chiến lược tháng 6 của tôi, nếu thay đổi, chỉ thay đổi 1 cổ phiếu chứ không nhiều”, ông Hưng nói.

Còn với ông Tô Xuân Nam, chuyên gia ETF thuộc Công ty Quản lý quỹ SSIAM, thị trường đang ở vùng đáy, trong khi nhiều doanh nghiệp đang có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tốt. Sự hoảng loạn trên thị trường đã giảm bớt, nhà đầu tư bắt đáy vùng 1.200 cũng đi qua một phần, tuy nhiên, định giá hiện nay vẫn hấp. Theo đó ông Nam cho rằng sẽ “tham lam” trong tháng 6, tích cực giải ngân.

Trên thị trường hiện nay, có nhiều doanh nghiệp công bố được chấp thuận phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, để chia cổ tức…, trong đó có nhiều doanh nghiệp có lượng phát hành rất lớn, tạo e ngại cho nhiều nhà đầu tư là lượng cung trên thị trường tăng vọt trong bối cảnh thị trường đang không tích cực.

Ông Hưng cho rằng, nên nhìn vào tương lai thì tốt hơn. Một công ty tăng vốn để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình tốt hơn, là điều tốt.

Về giá các cổ phiếu diễn biến trái ngược nhau khi có thông tin chia cổ tức bằng cổ phiếu, chẳng hạn như với DGC và HPG, ông Hưng cho rằng, việc DGC tăng là điều khá dễ hiểu, vì mọi người kỳ vọng doanh nghiệp này tăng trưởng 60-70% trong năm nay. Trong khi đó, kết quả kinh doanh của HPG đang không tích cực. Dù có thể có một vài phiên biến động tích cực sau ngày chốt quyền, nhưng để tăng giống như DGC là hơi khó với HPG.

Nhiều nhà đầu tư cũng thắc mắc thêm về diễn biến giá cổ phiếu YEG và TDH. Cùng là thông tin Chủ tịch HĐQT thoái hết vốn, nhưng trong khi YEG liên tục nổi sóng tăng trần, thì TDH lại giảm mạnh trước tin này.

Về diễn biến này, ông Hưng chia sẻ, YEG là cổ phiếu để lại cho ông bài học. Năm 2018 YEG là cổ phiếu hot, giá cổ phiếu trên 300.000 đồng/cp, và thời điểm đó, ngành nghề như YEG là hiếm trên sàn.

"Có một sự kiện lạ về YEG với tôi, đó là trong buổi thuyết trình về việc công bố acquire (mua) được ScaleLab, YEG cho biết, ScaleLab sở hữu rất nhiều Youtuber nổi tiếng và đang hoạt động ở 200 quốc gia, khi YEG acquire vào thì sẽ có mặt ở 400 quốc gia. Tôi “ơ, thế giới làm gì có 400 quốc gia”! Có vẻ họ đang cố gắng bán mà sự chuẩn chưa được kỹ càng lắm", ông Hưng chia sẻ.

"Ngay khi về, tôi 'làm bài tập về nhà' bằng cách hỏi thêm từ 2 người con trai rất giỏi về youtube, hai cháu cho biết, các youtuber nổi tiếng chẳng quan tâm tới ScaleLa hay YEG, mà họ có thể tự kiếm tiền", ông Hưng nói.

Sau đó, giá cổ phiếu YEG rơi từ 30x về 2x như hiện nay. Vì vậy, theo ông Hưng, việc “làm bài tập về nhà” trong đầu tư rất quan trọng, để ý một số dấu hiệu đã có thể phát hiện các trường hợp không xứng đáng để mình đầu tư.

Còn YEG hiện tại, nhà đầu tư có thể đang kỳ vọng các cổ đông mới sẽ tái cấu trúc và đưa doanh nghiệp tốt hơn, từ đó giá cổ phiếu có thể tăng, nhưng đó là câu chuyện ở thì tương lại, còn hiện tại thì chưa rõ ràng.

Vì sao khối ngoại ưa thích ETF?

Với những nhà đầu tư thích mua nhiều cổ phiếu trong danh mục, ông Nam tư vấn có thể tham khảo chứng chỉ quỹ ETF. Các chứng chỉ quỹ ETF được niêm yết trên sàn chứng khoán, nhà đầu tư hoàn toàn có thể giao dịch. Quỹ ETF có phí quản lý thấp, 0,65%-0,8%, so với quỹ mở có thể là 2% và còn phí mua vào, bán ra và phí thưởng cho các nhà quản lý quỹ...

Ông Nam cho rằng, ETF là sản phẩm tương đối mới ở thị trường Việt Nam nhưng rất phổ biến ở các thị trường phát triển. Tổng lượng đầu tư của các quỹ ETF ở thị trường khoảng 20% tổng tài sản trên thị trường. Xu hướng này cũng sẽ như vậy ở thị trường Việt Nam.

Sản phẩm ETF trên thế giới chứng minh là một sản phẩm có nhiều ưu thế, nhưng có đặc điểm quỹ ETF bám sát theo chỉ số, nên khi chỉ số đi xuống thì các quỹ này đi xuống và không có công cụ quản trị rủi ro. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp nhất cũng không phải lúc nào cũng thành công trong việc dự đoán chính xác khi nào thị trường đi xuống. Dĩ nhiên, vấn đề này cũng có tác động tương tự với các quỹ mở.

Nói về rủi ro của ETF, ông Hưng cho rằng, quỹ ETF là mô phỏng theo 1 chỉ số, nhưng không phải chỉ số nào rủi ro cũng được phân bổ một cách đầy đủ. Chẳng hạn chỉ số theo ngành, như bất động sản đang thách thức như hiện nay, thì ETF theo chỉ số này có thể giảm mạnh hơn cả thị trường. Khi theo dõi ETF, thì nên nghiên cứu thêm chỉ số phía dưới xem mức độ rủi ro ra sao, theo ngành hay là rổ chứa đầy đủ các ngành thì đỡ hơn.

Khi so sánh ETF và quỹ mở, giống như mỹ phẩm không thể thiếu với phái đẹp, nhưng lại rất mất chi phí và thời gian, trong khi có những cách rẻ hơn, và chân ái của người phụ nữ lúc ấy có thể là một người đàn ông cận thị, vì bạn có tất cả những điều ấy rất nhanh, ông Hưng dí dỏm ví von.

Dòng tiền ETF là một trong những nhân tố cứu cánh cho thị trường trong tháng 5, riêng ETF diamond hút ròng khoảng 4.000 tỷ . DCVFM cũng sắp cho ra mắt quỹ ETF Vnmidcap (cổ phiếu vốn hoá vừa). Đây là nhóm được cho là có mức tăng tốt.

Ông Hưng cho rằng, nhóm cổ phiếu midcap có lúc tốt hơn nhóm khác, nhưng cũng có lúc kém hơn. Do đó, tuỳ thời điểm, cần để ý tính cách chỉ số bên dưới.

Thống kê trong tháng 5, hiệu suất đầu tư của nhiều quỹ trên thị trường Việt Nam là âm, dao động từ âm 1,2% đến âm 11,5%.

Ông Nam cho biết, các quỹ ETF do SSIAM quản lý (VN30, VNX50 và Finlead) không có nhiều động thái rút tiền trước kết quả trên, điều này dễ hiểu, bởi các nhà đầu tư ETF là các nhà đầu tư dài , nên trong ngắn hạn sẽ chịu biến động của thị trường. Triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp là nhân tố quan trọng đánh giá giá trị tài sản mình đầu tư. Trong 30-50 doanh nghiệp hàng đầu, thì P/E fw dưới 10, so với cả tiềm năng tăng trưởng và lịch sử thì đang hấp dẫn.

Nhà đầu tư nước ngoài hay đầu tư vào các quỹ hoàn toàn hiểu rằng họ có cơ hội mua các tài sản này có giá trị tốt, có khả năng sinh lời tốt trong tương lai.

Trả lời câu hỏi “Vì sao nhà đầu tư nước ngoài lại đặc biệt thích ETF?” ông Nam cho rằng, phần lớn là nhìn vào tiềm năng triển vọng của thị trường Việt Nam thay vì nhìn từng cổ phiếu. Và cũng là cách đơn giản, thuận tiện, khi không phải bỏ công sức phân tích, tìm hiểu từng cổ phiếu một, họ đặt cược vào toàn bộ thị trường.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục