Định giá P/E thị trường không thể rẻ hơn, chúng ta đang ngồi trên mỏ vàng 5 năm tới nhưng sẽ có "hố bom"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ SGI (SGI Capital) chia sẻ trong phiên thảo luận với chủ đề “Thị trường chứng khoán Việt Nam: Vượt ghềnh” rằng, mặt bằng giá hiện nay là rẻ, thậm chí là rất rẻ.
Định giá P/E thị trường không thể rẻ hơn, chúng ta đang ngồi trên mỏ vàng 5 năm tới nhưng sẽ có "hố bom"

Đây là nội dung nằm trong khuôn khổ Hội nghị nhà đầu tư thường niên - Invest ASEAN của Maybank diễn ra trực tiếp tại 6 quốc gia (thông qua cả hai hình thức trực tuyến và trực tiếp) diễn ra hai ngày 8 và 9 tháng 6. Chủ đề chính của Hội nghị năm nay là “Asean định hình tương lai”.

Mức định giá P/E trailing thị trường hiện đang ở vùng 13-14 lần, P/E forward năm 2022 khoảng 12 lần, thấp hơn so với trung bình khu vực, và thấp hơn trong lịch sử của chỉ số VN-Index. Rẻ như vậy, tại sao nhiều nhà đầu tư vẫn còn rụt rè, hay họ đang lo ngại rủi ro lớn hơn, cần mức chiết khấu sâu hơn mới mạnh dạn giải ngân? Đây là vấn đề được nhiều nhà đầu tư thắc mắc cũng như được chương trình đặt ra cho các diễn giả.

Theo ông Lê Chí Phúc, thống kê 10 năm nay, P/E thị trường dao động từ 10-23 lần. Mức 23 lần đỉnh 2018, còn 10 lần là năm 2012 khi có khủng hoảng liên quan ngân hàng, bất động sản, lãi suất tiền gửi ngân hàng giai đoạn đó khoảng 12 - 13%. Vào năm 2016, định giá P/E cũng dưới 12 lần trước khủng hoảng vào cuối năm liên quan đến Fed tăng lãi suất nên ảnh hưởng đến các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Lần thứ 3 là Covid, P/E thị trường về 11 lần, còn lần này P/E đang là hơn 13 lần (giữa tháng 5 là 12,5 lần).

Vậy có thể nói P/E có thể rẻ hơn không? Lịch sử đã chứng minh là có lúc rẻ hơn và cần điều kiện, một là lãi suất có xu hướng lên mạnh, mặt bằng lãi suất phải cao. Đồng thời, triển vọng tăng trưởng phải rất tệ, rất nhiều rủi ro phía trước để mọi người phải bi quan – thì mới có mức chiết khấu sâu với các tài sản rủi ro như cổ phiếu. Còn nếu không, định giá trung bình thị trường trong 10 năm qua PE 15 - 17 lần, đến cuối năm nay thị trường về mức bình thường thì P/E có thể đạt vùng như vậy.

Quan điểm cá nhân ông Phúc, định giá này là rẻ. Bởi nhìn các yếu tố hiện nay, lãi suất có nhích lên, nhưng để thỏa điều kiện lãi suất tăng rất mạnh và mặt bằng lãi suất cao – thì chưa thấy tín hiệu. Đồng thời, lãi suất cũng đang thấp hơn mặt bằng lãi suất 2018 - 2019, thấp hơn nhiều năm 2012.

Còn về triển vọng tăng trưởng, trong điều kiện kinh tế thế giới suy giảm tăng trưởng, dù rằng Việt Nam xuất khẩu nhiều vào các thị trường lớn như Mỹ, EU… thì tăng trưởng của Việt Nam năm nay vẫn được nhiều bên dự báo 6,5%, năm 2023 trên 6%, các doanh nghiệp niêm yết xuất sắc trên sàn vẫn có thể đạt được mức tăng trưởng 13%.

“Cả 2 điều kiện này không thoả mãn thì ở bối cảnh hiện tại đừng mong có giá rẻ hơn, mặt bằng giá này rẻ, thậm chí là rất rẻ”, ông Phúc nói.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Đầu tư - Kinh tế gia trưởng Dragon Capital Tin tích cực là lợi nhuận năm nay dự báo tăng trưởng khoảng 25%, so với quá khứ 10 năm qua tăng trưởng lợi nhuận khoảng 12,5%. Chất lượng tài sản hiện nay của doanh nghiệp cũng tốt hơn nhiều, cộng với định giá quá khứ và hiện nay, thì rõ ràng là đang hấp dẫn.

Tuy nhiên, điều cần lưu ý khi so sánh P/E trong quá khứ chính là trong chu kỳ 10 năm, từ 2012 đến 2022 liên tục nới lỏng tiền tệ, lãi suất giảm mạnh từ 18% về 6%. Vậy P/E đoạn này thể hiện cái gì, có nên tham chiếu và sử dụng P/E trong quá khứ để so sánh hay không - ông Tuấn đặt câu hỏi.

"Bên cạnh đó, lợi nhuận tăng 25%, nhưng gốc gác tăng trưởng lợi nhuận từ đâu. Chẳng hạn ngành khoáng sản, dầu khí… lợi nhuận tăng đột biến, nên 25% này, nếu trong điều kiện bình thường thì có thể chỉ là 20% thôi", ông Tuấn nhận định.

Ngồi trên mỏ vàng 5 năm tới, nhưng trên đường đi sẽ có “hố bom”, tìm cơ hội thị trường ở đâu?

Trong bối cảnh hiện nay, có nhiều vấn đề mâu thuẫn, tốt xấu đan xen, sự phân hoá trên thị trường sẽ lớn. Cách mà thị trường hồi phục từ tháng 5 đến nay cũng thể hiện rõ điều này. Tìm cơ hội thị trường ở đâu là câu hỏi thường trực của rất nhiều nhà đầu tư.

Ông Lê Anh Tuấn phân tích, nhìn ngược về diễn biến xấu nhất trong quá khứ, khoảng giai đoạn 1974, thị trường Mỹ rớt khoảng 15 - 18%. Nếu thị trường lớn giảm như vậy, thị trường Việt Nam cũng ảnh hưởng, và tệ nhất là về 9 - 10 lần. Dragon Capital ước tính về 11,7 lần trong năm 2022.

"Thị trường chứng khoán giai đoạn năm 2011 đối diện thông tin tiêu cực, lạm phát cao, kinh tế suy thoái, khi đó có 2 quỹ hedge fund rất nổi tiếng qua Việt Nam, họ nói với tôi là các bạn đang ngồi trên mỏ vàng. Và họ đúng, từ 2012, VN-Index chỉ 235 điểm, đến nay là 1.200 - 1.300 điểm, có cổ phiếu tăng đến 30 - 50 lần", ông Tuấn nói.

“Ngắn hạn tôi không biết, nhưng giai đoạn hiện nay, tôi cũng nói, mình đang ngồi trên mỏ vàng trong 5 năm tới, vì thị trường Việt Nam đang có quá trình nâng hạng lên thị trường mới nổi (EM) và phải chắc chắn làm được, khi đó, định giá không thể 12 lần PE được, vô lý lắm cho một nền kinh tế tăng trưởng”, ông Lê Anh Tuấn nhấn mạnh thêm.

Mặt khác, thị trường Việt Nam có discount so với trong khu vực, trước đây ai cũng cho rằng là do room ngoại, nhưng ông Tuấn cho rằng, đó chỉ là 1 phần tác động, phần lớn nhất khiến định giá thấp là vì thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp, họ sẽ phân bổ thu nhập cho tài sản tài chính ít, nên lượng người tham gia thị trường tài chính ít hơn. Còn hiện nay, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh và xu hướng người dân tham gia thị trường chứng khoán trong 3 năm tới vẫn rất tốt.

“Ta đang có 3-4 yếu tố vàng cho 5 năm tới, dĩ nhiên trong đường đi, vẫn sẽ có hố bom. Còn ngành hay công ty hấp dẫn, hãy cứ chọn doanh nghiệp đầu ngành, cứ VN30 mà mua”, ông Tuấn chia sẻ.

Luôn có nhiều định dạng cơ hội, trong giai đoạn này, ông Lê Chí Phúc cho rằng, các NHTW đang thắt chặt tiền tệ, thì biến động theo chiều lên của thị trường sẽ có trở lực nhất định khi dòng tiền đang rút ra, nên các cơ hội trading ngắn hạn uptrend như 2020-2021 sẽ không diễn ra 2022.

Theo đó, ông Phúc nhận định, các cơ hội mà làm giảm định giá trên thị trường chung như hiện nay (do thắt chặt chính sách tiền tệ) là phù hợp với dòng tiền đầu tư dài hạn hơn để mua các nhóm cổ phiếu rẻ, vì khá lâu rồi mới nhìn thấy cơ số những cổ phiếu lớn, đầu ngành, có định giá như hiện nay.

Một số nhóm thậm chí về mức rẻ trong lịch sử, dĩ nhiên không quá quan tâm biến động theo tuần, tháng, theo ông Phúc, khi định giá về mức thấp trong lịch sử thường đi kèm là triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp rất yếu, rủi ro ngành nghề còn nhiều, nhưng hiện nay thì lạc quan với nền kinh tế Việt Nam đang trong chu kì kinh tế đi lên mạnh.

Bởi vậy, những khó khăn này của thị trường liên quan đến chấn chỉnh dòng tiền ngắn hạn trong thời gian qua, cũng như thắt chặt Fed và NHTW khác trên thế giới - cũng chỉ là đang đánh giá tác động trong 6-12 tháng tới, quá trình này thị trường định giá trước.

Ông Phúc cho biết, khi rủi ro lạm phát lên mức đỉnh cao như bây giờ thì thị trường đang định giá nhiều rồi, cơ hội này đang trình diễn trước mặt chúng ta. Còn nếu lạm phát bắt đầu giảm, thì lo lắng của thị trường về việc các NHTW thực hiện thắt chặt kéo dài dẫn đến suy thoái - xác suất này sẽ thấp xuống, và cơ hội dài hạn này có khi không quá dài để mua.

Ở kịch bản khác, NHTW thắt chặt lâu hơn, thì chấp nhận thị trường này sẽ có những đợt giảm kéo dài hơn, nhưng ông Phúc khẳng định lại quan điểm rằng, thị trường Việt Nam không thể rẻ hơn như bây giờ, nên tham lam hơn một chút cho góc nhìn dài hạn.

Ông Hoàng Thanh Tuấn, Phó giám đốc Khối khách hàng cá nhân, khu vực phía Bắc, Công ty TNHH Chứng khoán Maybank chia sẻ góc nhìn của bên bán ra thì cơ hội thị trường luôn có, họ nhìn cơ hội rất nhanh.

"Năm 2022, nên đầu tư thận trọng 1 chút, ưu tiên ngành điện, kế đến ngành dầu khí. Và thị trường chứng khoán có suy giảm là bình thường, vì giá chứng khoán giảm 30% thì thanh khoản giảm 40-50% cũng là bình thường thì vẫn kỳ vọng ngành chứng khoán", ông Hoàng Thanh Tuấn nói.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục