P/E không nên nhìn đơn độc, nhóm xuất khẩu cần chú ý khi cầu thế giới có tín hiệu giảm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vấn đề được quan tâm gần đây là câu chuyện định giá thị trường P/E có đang rẻ, và vì sao rẻ nhưng thanh khoản vẫn thấp.
P/E không nên nhìn đơn độc, nhóm xuất khẩu cần chú ý khi cầu thế giới có tín hiệu giảm

Định giá không nên chỉ nhìn 1 chỉ số

Trong chương trình Bí mật đồng tiền số 23, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCK SSI cho biết, định giá P/E foward năm 2022 loanh quanh 12 lần, nhìn sâu hơn một nếu mọi thứ không thay đổi thì P/E hiện nay là rẻ, tức là phần E (Earning) giữ nguyên, phần P (price) giảm thì tự nhiên chỉ số giảm.

Nhưng nhìn nhận lại là triển vọng kinh tế thế giới đang khá xấu, tình hình sắp tới nếu xấu hơn, lạm phát tăng cao, biên lợi nhuận của doanh nghiệp giảm sẽ tác động vào E giảm. Sau này, các nhà đầu tư, các nhà phân tích nhận ra thì khi ấy, P/E không phải là 12 nữa, mà là 14-15 lần.

Có quy tắc đơn giản bên thị trường Mỹ “Rule of 20”, nghĩa là lấy P/E foward thị trường cộng với chỉ số CPI mà loanh quanh 20 ở thị trường Mỹ thì thị trường đang ở mức định giá vừa phải, cao hơn 20 tức bắt đầu đắt rồi, nhỏ 20 thì là rẻ. Còn nếu cao quá, 20 mà lên 28, tương ứng 40% thì tức là cao quá, có vài lần chạm đến mức này kể cả trong 2022 thì thị trường điều chỉnh rất mạnh, còn khi thấp hơn 40%, tức 20 về 12 thì thị trường chạm đáy và hồi rất mạnh, là thời điểm mua tốt.

"Đây là cách khi nhìn chỉ số, ta nên nhìn rộng ra hơn một chút, không nên nhìn đơn độc một chỉ số nào", ông Hưng chia sẻ.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cá nhân cho rằng, khi định giá P/E rẻ mà tâm lý kém thì vẫn chưa rẻ. Thị trường luôn được dẫn dắt bởi định giá và tâm lý, khi nhà đầu tư chuyên nghiệp nhìn nhận là hấp dẫn, tâm lý thị trường ổn định thì thị trường mới bắt đầu chu kỳ mới. Có phải hiện nay tâm lý chưa ổn định thể hiện qua thanh khoản thấp?

Trả lời câu hỏi này, ông Hưng cho rằng, thanh khoản thấp do tâm lý yếu là một phần, nhưng thời gian qua cơ quan quản lý có các hành động “thanh lọc” thị trường, thì phần thanh khoản “bị thanh lọc” đã rời khỏi thị trường.

Ông Hưng cũng khuyến nghị nhà đầu tư, “trong bình yên ta thường quên lời thề trong giông bão”, hiện khi thị trường đang loanh quanh 1.300 điểm thì luôn phải nhớ rằng, khi thị trường giảm về 1.200 điểm, rất nhiều nhà đầu tư đã luôn cầu mong về bờ, tự hứa sẽ tái cấu trúc danh mục, sẽ đầu tư tử tế hơn, giảm margin các thứ… Và giai đoạn qua, thị trường đã đi ngang nhiều phiên, có nhiều thời gian để các bạn tái cấu trúc lại.

Nhìn vào MSCI và nhiều quỹ lớn trên thế giới, cuối tháng 5 (31/5) đã cấu trúc lại danh mục, nhà đầu tư cá nhân cũng nên làm thế sau 1 giai đoạn giảm điểm vừa qua.

Về giá dầu, có lúc vượt qua 120 USD/thùng và nếu lên 130 USD/thùng, thì tác động mạnh tới lạm phát.

Ông Hưng cho biết, giá dầu tăng cao bên cạnh yếu tố tiền tệ trong 2021, thì 2022 còn mang yếu tố địa chính trị. Kịch bản chung năm 2022 sẽ là kịch bản tăng trưởng thấp, lạm phát cao, còn rủi ro suy thoái có từ 2023 - đó là lo ngại cho nền kinh tế.

Với thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Hưng cho rằng, nên nghĩ đơn giản, giá dầu 130 USD/thùng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế, tuy nhiên lại có thêm những không gian chính sách để Chính phủ điều hành, kiềm chế lạm phát (nguồn thu từ dầu thô Việt Nam tăng gần gấp đôi, có thể sử dụng một phần để giảm, tăng cho quỹ bình ổn giá xăng dầu…là biện pháp có thể giảm rủi ro cho nền kinh tế).

Triển vọng các ngành

Gói hỗ trợ lãi suất 2% được đánh giá là cú huých hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế - là thông tin được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào sự tăng trưởng và tăng giá của các nhóm ngành liên quan (như ngân hàng, hàng không…)

Ông Hưng cho biết, với ngành ngân hàng thì chắc chắn hưởng lợi. Khi có các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, thì nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng hưởng lợi. Nhưng mọi người đang kỳ vọng hơi nhiều khi có hỗ trợ lãi suất 2% này thì các ngân hàng sẽ được nới room tín dụng và theo đó sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ gói chính.

Theo ông Hưng, điều này là chưa chắc chắn vì đến nay vẫn chưa có văn bản cụ thể nào của NHNN cho phép các ngân hàng tăng thêm room tín dụng, nên ngân hàng chỉ hưởng lợi gián tiếp.

Với các nhóm ngành khác nhìn chung là hưởng lợi, nhưng riêng ngành hàng thì chính sách này không ảnh hưởng lắm, trong khi yếu tố tác động mạnh nhất hiện nay với nhóm này là giá xăng dầu tăng cao, nên thường có mức lợi nhuận kém, thậm chí thua lỗ giai đoạn này.

Còn du lịch, mở cửa trở lại, số lượng doanh nghiệp niêm yết ít, và chủ yếu nhờ du lịch nội địa. Sau Seagames, số liệu tháng 5 đang tốt. Theo đó, ngành này hưởng lợi, nhưng cũng không quá nhiều.

Xuất khẩu có vấn đề nhỏ là cầu thế giới có xu hướng giảm, mùa kết quả kinh doanh của Mỹ cho thấy nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn tại Mỹ đang ngồi trên đống tồn kho rất nhiều, vì sức mua khá giảm mà họ lại tích khá nhiều tồn kho do nghĩ mở cửa trở lại bán nhiều hàng hơn. Thời gian tới phải theo dõi kỹ xu hướng cầu giảm sẽ tác động như thế nào tới xuất khẩu của Việt Nam.

Nhóm điện thời gian qua khá tích cực, xu hướng chung thì các quốc gia đều thiếu điện (đã diễn ra năm 2021), ở Việt Nam, các tháng nóng sắp , thì nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tăng cao. Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, mọi người hay đầu tư nhóm ngành như điện, dầu, bất động sản…

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục