Một chủ xe ôtô phản ánh, anh có tham gia mua bảo hiểm vật chất xe cơ giới tại một công ty bảo hiểm vào cuối tháng 5/2016. Mới đây, khi đang lưu thông từ Cần Thơ về TP. HCM thì chẳng may xảy ra va chạm với xe gắn máy đi ngược chiều, khiến đầu xe bị móp. Do người lái xe gắn máy bỏ chạy nên anh không báo công an lập biên bản hiện trường. Khi yêu cầu đòi bồi thường từ công ty bảo hiểm, anh nhận được thông báo của công ty là sẽ giảm trừ 50% số tiền bồi thường vì không bảo lưu quyền khiếu nại và chuyển quyền đòi người thứ ba cho công ty bảo hiểm. Anh cho rằng, việc giảm trừ này là chưa hợp lý.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện công ty bảo hiểm nói trên cho biết, việc giảm trừ bồi thường này được thực hiện đúng theo quy định. Bởi khi xảy ra tai nạn, khách hàng đã không kịp thời thông báo cho công ty bảo hiểm, không giữ nguyên hiện trường và không cung cấp được biên bản kết luận của cơ quan chức năng. Do đó, theo quy định, công ty sẽ giảm trừ bồi thường 10% số tiền thiệt hại thuộc phạm vi bảo hiểm.
Ngoài ra, khách hàng đã không kịp thời phối hợp với công ty tiến hành các thủ tục bảo lưu quyền khiếu nại và chuyển quyền đòi người thứ ba theo quy định của pháp luật. Trường hợp này, trong hợp đồng bảo hiểm với khách hàng, Khoản 3, Điều 4 đã ghi rõ, chủ xe cơ giới sẽ bị giảm trừ 50 - 100% số tiền bồi thường.
Đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ cho hay, trường hợp của khách hàng trên không phải hiếm gặp và còn nhiều tình huống khác do khách hàng không để ý nên dù có bảo hiểm vẫn có thể không được bồi thường, hoặc chỉ được bồi thường theo tỷ lệ nhất định. Chẳng hạn, khách hàng để xe trước cửa nhà, không may bị kẻ trộm lấy mất đôi gương, khách hàng chủ quan không thông báo cho cơ quan công an và vài hôm sau mới thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm. Trường hợp này, khách hàng có thể bị từ chối bồi thường, hoặc bị giảm trừ bồi thường. Bởi lẽ, doanh nghiệp bảo hiểm bắt buộc phải có xác nhận của cơ quan công an thì mới đủ căn cứ làm hồ sơ bồi thường.
Một ví dụ khác, khách hàng đang đi ôtô đúng làn đường thì bị một ôtô khác đâm phải. Vì thiệt hại nhỏ nên khách hàng tự thỏa thuận với chủ xe ôtô kia về việc bồi thường, sau đó mới gọi công ty bảo hiểm đến hiện trường. Trong trường hợp này, doanh nghiệp bảo hiểm có thể từ chối bồi thường, hoặc giảm trừ tối thiểu 50% tổn thất. Vì theo quy định, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ bồi thường khi khách hàng ủy quyền cho doanh nghiệp đòi bồi thường từ bên thứ ba.
Theo các công ty bảo hiểm, xác định và ra quyết định bồi thường là việc không đơn giản. Chính vì thế, đối với một bộ hồ sơ yêu cầu bồi thường, biên bản của công an tại hiện trường được coi là căn cứ quan trọng nhất để công ty bảo hiểm ra quyết định bồi thường và mức tiền bồi thường. Thông thường, trong một hồ sơ yêu cầu bảo hiểm khi công an xác nhận tổn thất bồi thường do bên thứ ba thì công ty bảo hiểm sẽ căn cứ vào đó chi trả 50% số tiền bồi thường theo luật định. Tuy vậy, dù xác nhận là lỗi thuộc bên thứ ba, nhưng biên bản của công an phải ghi rõ: lỗi 100% ở bên thứ ba, thì mới chuẩn xác theo quy định.
Thực tế, chỉ vì thiếu chi tiết lỗi vi phạm bao nhiêu phần trăm trong biên bản của công an khiến không ít công ty bảo hiểm gặp khó khăn khi xác định bồi thường và có công ty bảo hiểm bị Bộ Tài chính phạt vì sơ xuất này, bởi hồ sơ ghi như vậy là chưa đầy đủ.
Đại diện một số doanh nghiệp bảo hiểm đang triển khai bảo hiểm xe cơ giới cho hay, khó có thể đề nghị bên công an xác định và ghi rõ ràng trong biên bản từng vụ việc rằng bên thứ ba vi phạm bao nhiêu phần trăm. Tuy nhiên, vì đây là quy định nên các doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ. Đối với khách hàng, để giảm thiểu khả năng bị giảm trừ tiền bồi thường, chủ xe cơ giới nên tìm hiểu kỹ các khoản mục liên quan và nghiêm túc tuân thủ các quy định được đưa ra từ phía công ty bảo hiểm. Bởi khi khách hàng bị giảm trừ số tiền bồi thường theo nhiều tỷ lệ khác nhau do vi phạm nhiều lỗi khác nhau, công ty bảo hiểm sẽ lựa chọn giảm trừ tiền bồi thường theo lỗi cao nhất.