Giảm nhiệt nợ công, cần “thúc” thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Câu chuyện nợ công gần đây nóng lên khi Bộ Tài chính đề xuất vay Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỷ đồng. 
Giảm nhiệt nợ công, cần “thúc” thị trường chứng khoán

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh ngân sách nhà nước bội chi, việc cân đối thu chi của Chính phủ là cần thiết, nhưng sẽ đáng quan ngại nếu đây là một món nợ trung hoặc dài hạn nhằm mục đích bù đắp chi phí công và đầu tư công. Để xử lý một phần câu chuyện này, bài viết của TS. Trần Du Lịch đã đưa ra một số giải pháp.

Đó là, tập trung xây dựng nền tài chính công lành mạnh, đặt trong khuôn khổ cấu trúc lại thị trường tài chính và sử dụng đồng bộ các chính sách, công cụ tài chính - tiền tệ. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ thường gắn liền với các mục tiêu ngắn hạn, còn chính sách tài khoá sẽ có tác dụng mạnh mẽ đến các mục tiêu trung và dài hạn, do đó, cần hướng đến vai trò của chính sách tài khóa.

Thứ nhất, nghiên cứu đầy đủ cấu trúc và hoạt động của thị trường tài chính nước ta trong giai đoạn từ 2006 đến nay, bao gồm nghiên cứu cả cấu trúc tài chính của DN, đặc biệt là DNNN, cấu trúc nguồn vốn đầu tư của ngân sách nhà nước. Qua đó, xây dựng chính sách tài chính - tiền tệ theo hướng chuyển dần chức năng cung cấp nguồn vốn trung - dài hạn từ hệ thống NHTM sang các định chế tài chính - tín dụng phi ngân hàng; tạo điều kiện phát triển TTCK sơ cấp. Chính sách tài chính - tiền tệ cần từng bước giải quyết vấn đề căn cơ nói trên, hạn chế các biện pháp tình thế mang tính chất ứng phó.

Giảm nhiệt nợ công, cần “thúc” thị trường chứng khoán ảnh 1

 TS. Trần Du Lịch

Thứ hai, Chính phủ nên hạn chế thấp nhất việc bảo lãnh tín dụng, cho vay lại từ nguồn vay của ngân sách đối các dự án đầu tư kinh doanh của các DNNN; xóa bỏ cơ chế ưu đãi bù giá cho DN, chẳng hạn giá điện; buộc DN tự huy động vốn bằng chính năng lực của mình. Cần giảm dần việc đánh giá hiệu quả đầu tư các dự án bằng sự nhận xét chủ quan, mà để chức năng đó cho thị trường.

Đối với các dự án đầu tư cần thiết cho nền kinh tế, nhưng hiệu quả tài chính thấp, thì Nhà nước hỗ trợ theo phương thức tài trợ một phần, dưới nhiều hình thức khác nhau; tuy nhiên, chịu trách nhiệm huy động vốn là chính DN. Nhà nước chỉ nên bảo lãnh một phần tín dụng đối với các dự án đầu tư dưới hình thức PPP như một sự bù đắp một phần chi phí dự án. Đối với loại hình đầu tư này, Nhà nước nên thực hiện chính sách ưu đãi thuế ở mức cao nhất.

Thứ ba, nghiên cứu áp dụng chính sách ưu đãi thuế TNDN cho các DN tăng vốn thông qua phát hành chứng khoán trên TTCK và các DN mua bán - sáp nhập để cấu trúc lại tài chính. Chuyển dần chức năng tài trợ tín dụng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo mục tiêu hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa, các DN bắt đầu khởi nghiệp, các dự án đầu tư mạo hiểm. Giảm thuế TNDN đối với các công ty cổ phần đại chúng để khuyến khích DN tăng vốn chủ sở hữu thông qua phát hành cổ phiếu.

Thứ tư, sử dụng chính sách sách thuế có điều kiện để thúc ép các DN tăng tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm và hình thành những “cứ điểm sản xuất” nhằm chuyển nền công nghiệp từ gia công sang sản xuất. Kinh nghiệm của nhiều nước là sử dụng linh hoạt và hiệu quả chính sách thuế để định hướng đầu tư cho DN.

Thứ năm, nghiên cứu chứng khoán hóa một số sản phẩm của thị trường bất động sản, tạo kênh dẫn giữa thị trường vốn với thị trường bất động sản. Một khi các dự án bất động sản được minh bạch hóa trên TTCK, thì tự nó sẽ bảo đảm tính hiệu quả. Đồng thời, nghiên cứu thí điểm cho ra đời Quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REIT) để chuyển dần từ đầu tư cá nhân sang đầu tư của tổ chức và minh bạch hóa sự đầu tư này. Điều kiện để ra đời loại định chế này là sử dụng chính sách thuế ưu đãi cho nhà đầu tư.

Thứ sáu, sử dụng chính sách thuế như là công cụ để khuyến khích sự ra đời và mở rộng tầm hoạt động của các định chế tài chính - tín dụng phi ngân hàng; nâng cao vai trò của các quỹ đầu tư, công ty đầu tư, công ty tài chính... đối với hoạt động của thị trường vốn.

Thứ bảy, sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước theo hướng tách biệt 2 loại ngân sách: ngân sách quốc gia và ngân sách địa phương. Nhà nước thống nhất về thể chế tài chính công, còn thiết lập và thực thi ngân sách thì giao quyền tự chủ cho chính quyền địa phương đối với ngân sách địa phương (HĐND quyết định); ngân sách quốc gia do Quốc hội quyết định (bao gồm phần trợ cấp cho địa phương); tiến tới việc xây dựng Luật Ngân sách hàng năm.

Thứ tám, thực hiện chính sách tài chính công tích cực, tức là xây dựng ngân sách với mức bội chi hợp lý để tăng nhanh đầu tư công cho phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật; cùng với việc sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ nhằm chủ động duy trì mức lạm phát phù hợp với điều kiện của từng năm để kích thích tăng trưởng và tăng nguồn lực đầu tư của Nhà nước (mức lạm phát chủ động ở đây được xem là một loại thuế vô hình mà xã hội có thể chấp nhận được).

Để thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng, việc sử dụng các chính sách, công cụ thuế, ngân sách và đầu tư công sẽ có tác dụng lớn nhất. Trong điều kiện của nước ta hiện nay, còn nhiều dư địa cho việc thực hiện các chính sách, công cụ này.

TS. Trần Du Lịch

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục