Các biện pháp nới lỏng gần đây của Trung Quốc - gồm hạ lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để thúc đẩy tăng trưởng đang đe dọa đến nỗ lực giảm nợ của nước này, đồng thời gây rủi ro cho hệ thống tài chính tại nền kinh tế lớn nhì thế giới. Nợ xấu nước này đã chạm kỷ lục 140 tỷ NDT (23 tỷ USD) trong quý I, khi GDP tăng chậm lại.
"Đây là vấn đề khá báo động. Chính phủ đang cố hết sức để giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, nhưng nó lại không giảm. Nợ trên GDP vẫn đang tăng", Bo Zhuang - nhà kinh tế học khu vực Trung Quốc tại Trusted Sources nhận xét.
Quý II, GDP nước này tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu Tổng cục thống kê nước này công bố hôm qua. Tốc độ này không đổi so với quý I và vượt dự báo của giới phân tích. Nhưng đồng thời, cho vay doanh nghiệp và hộ gia đình cũng tăng 12% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái.
Cơn sốt vay nợ tại Trung Quốc bắt đầu từ sau khủng hoảng tài chính 2008. Và nước này vẫn đang vật lộn với việc dọn dẹp hậu quả mà việc này để lại. Nợ tăng đã kìm hãm sự phát triển của quốc gia này, Ruchir Sharma - Giám đốc các thị trường mới nổi tại Morgan Stanley Investment Management nhận xét.
Dù vậy, ưu tiên ngắn hạn của Chính phủ hiện vẫn là bình ổn tăng trưởng, Emma Dinsmore - CEO R-Squared Macro Management cho biết. Chính phủ có thể kiểm soát tốc độ vỡ nợ và tránh khủng hoảng tài chính, do hoạt động cho vay - vay mượn được thực hiện bởi doanh nghiệp và ngân hàng quốc doanh khá nhiều.
"Trong vài tháng gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã không còn lo ngại những rủi ro liên quan đến hoạt động can thiệp vào thị trường nữa, khi nước này chuyển từ nới lỏng có mục tiêu sang nới lỏng diện rộng. Tác động tiêu cực từ khối nợ lớn sẽ được giảm thiểu, miễn là thị trường còn tin tưởng vào khả năng kiểm soát của Chính phủ", bà cho biết.