Để tránh xảy ra tình trạng các doanh nghiệp chậm chuyển giao về Ủy ban như trường hợp trì trệ chuyển giao doanh nghiệp nhà nước về Tổng công ty Đầu tư vốn Nhà nước (SCIC) trước đây, Dự thảo Nghị định mới nhất vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn tất quy định rõ rằng, chậm nhất trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, các bộ có liên quan và Ủy ban hoàn thành ký biên bản chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Như vậy, theo dự kiến, nếu Nghị định được Chính phủ thông qua thời điểm này, quá trình chuyển giao doanh nghiệp sẽ hoàn tất chậm nhất vào cuối năm 2018.
Liên quan đến vấn đề xử lý các khoản nợ lên tới hàng nghìn tỷ đồng của các doanh nghiệp nhà nước trong diện chuyển giao về Ủy ban, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định, sẽ không có chuyện lập lờ chấm dứt trách nhiệm của các cá nhân và tập thể gây ra thua lỗ, thiệt hại cho doanh nghiệp.
“Dư luận xã hội đang lo lắng việc doanh nghiệp chuyển sang Ủy ban sẽ là “đánh bùn sang ao”, song hoàn toàn không có chuyện đó. Dự thảo Nghị định đã phân định rất rõ trách nhiệm kế thừa và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân cần xử lý, do đó, toàn bộ câu chuyện là chuyển vai trò cơ quan đại diện chủ sở hữu từ cơ quan chủ quản cũ sang Ủy ban.
Với tư cách là cơ quan đại diện chủ sở hữu kế thừa các quyền và trách nhiệm, Uỷ ban Quản lý vốn sẽ có trách nhiệm nhận bàn giao phần thua lỗ này, sau đó, với chuyên môn và năng lực quản lý chuyên nghiệp, Ủy ban được kỳ vọng sẽ có giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp thoát khỏi tình cảnh khó khăn, dần phục hồi. Còn trách nhiệm cá nhân đối với những người đã gây thua lỗ cho doanh nghiệp sẽ tiếp tục truy cứu xử lý theo đúng phương án đã được Chính phủ chỉ đạo”, ông Hiếu cho biết.
Theo CIEM, khối nợ của các doanh nghiệp nhà nước đã lên tới hơn 300 tỷ USD, trong đó, một số tập đoàn lớn nhà nước sở hữu khối nợ khổng lồ và nhiều cái tên nằm trong danh sách doanh nghiệp chuyển giao về Ủy ban. Về vấn đề xử lý các khoản nợ này, ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp (CIEM) cho biết sẽ xử lý theo đúng nguyên tắc chung là chuyển giao trên cơ sở kế thừa quyền và trách nhiệm.
“Bộ Công thương được xác định có quyền và trách nhiệm như thế nào thì Ủy ban sẽ kế thừa quyền và trách nhiệm đó. Về câu chuyện nợ của doanh nghiệp, cần phải xác định rõ nợ do đâu, do cơ quan chủ sở hữu, doanh nghiệp hay cơ quan/tổ chức/cá nhân nào. Nếu lỗ là do cơ quan đại diện chủ sở hữu thì Ủy ban phải kế thừa trách nhiệm đó”, ông Trung khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Trung, vấn đề là nhiều dự án thua lỗ của doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương không chỉ có trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu, mà còn của các tổ chức/cá nhân khác có liên quan, trong đó có cả phần trách nhiệm của chủ nợ và bản thân doanh nghiệp.
“Nhiều dự án trong số này sở hữu khối nợ khổng lồ, song còn nằm dưới các công ty con cháu, do đó trách nhiệm là thuộc tập đoàn và công ty. Còn nếu Bộ Công thương có trách nhiệm thì phải xác định được rõ trước khi chuyển giao và Ủy ban sẽ phải kế thừa trách nhiệm này để giải quyết”, ông Trung khẳng định.
Hiện tại, ông Hiếu cho biết, việc xử lý được 12 dự án thu lỗ trước khi chuyển giao về Ủy ban cuối năm nay là khó khăn.
Trả lời câu hỏi, Dự thảo Nghị định có đặt ra phương án lựa chọn là xử lý sạch sẽ các khoản nợ rồi mới chuyển về Ủy ban hay vẫn đặt phương án đưa vào Ủy ban rồi mới giải quyết. Ông Trung cho biết, có rất nhiều ý kiến khác nhau, lúc đầu đề xuất “làm sạch” trước khi chuyển giao, tuy nhiên cuối cùng là tiếp tục xử lý nợ và trách nhiệm theo phương án được Chính phủ phê duyệt. Đặc biệt, đối với 12 dự án thua lỗ ngành công thương, sẽ tiếp tục thực hiện phương án hiện nay Chính phủ đã chỉ đạo là các bên phải xử lý dứt điểm, không có chuyện lấp liếm nhân cơ hội chuyển giao để rũ bỏ trách nhiệm.