Đòi nợ: căng như dây đàn
Số liệu của Công ty cổ phần Phân đạm Hóa chất Hà Bắc cho thấy, tình hình tài chính của doanh nghiệp hết sức khó khăn, dòng tiền trả nợ lãi luôn trong tình trạng thiếu hụt. Năm 2017, Công ty này lỗ 612 tỷ đồng nhờ giãn khấu hao, nếu không tiếp tục lỗ trên 1.000 tỷ đồng như năm trước.
Nợ phải trả đến cuối năm 2017 lên tới 9.276 tỷ đồng, trong đó có những khoản vay lại từ vốn ODA, các khoản vay do Tập đoàn Hóa chất bảo đảm bảo, trong khi doanh nghiệp âm vốn chủ sở hữu 58%.
Trường hợp khác là Nhà máy bột giấy Phương Nam, đã rao bán đấu giá 2 lần mà không có người mua. Nhà máy đắp chiếu từ năm 2014, nợ gần 2.700 tỷ đồng, trong đó khoản vay Chính phủ bảo lãnh trị giá 67 triệu euro, Bộ Tài chính phải đứng ra trả nợ thay. Ở Dự án nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, PVN phải gánh toàn bộ khoản công nợ vay cũng như khoản lỗ trên 3.000 tỷ đồng của nhà máy.
Thị trường cũng chứng kiến những bản chào mua nợ của ngân hàng xuất hiện khá dày đặc, đơn cử, Ngân hàng BIDV muốn bán khoản nợ của Xí nghiệp giấy Hợp Tiến tại Phong Khê (Bắc Ninh), giá trị khoản nợ đến thời điểm 17/1/2018 là 14 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 6,5 tỷ đồng, tài sản bảo đảm là Dây chuyền sản xuất giấy công suất 15.000 tấn/năm.
Mạnh tay xử nợ
Động thái xử lý nợ rốt ráo của các ngân hàng được nhìn nhận dưới tác động của việc đẩy mạnh xử lý nợ xấu, thí điểm thu hồi nợ theo Nghị quyết 42 của Quốc hội, tập trung nhiều nhất ở các ngân hàng có vốn nhà nước như Agribank, VCB, BIDV, Vietinbank…
Bộ Công an cũng đã có văn bản chỉ đạo trong ngành phối hợp với hệ thống ngân hàng xử lý thu hồi nợ theo Nghị quyết 42. Trao đổi của Báo Đầu tư Chứng khoán với một cán bộ cơ quan An ninh điều tra, Công an Thành phố Hà Nội cho thấy, sự phối hợp giữa ngành ngân hàng và cơ quan công an gần đây rất tốt. Đây chính là một trong nhiều động thái thúc đẩy tình hình xử lý nợ xấu tại các ngân hàng.
Cho đến nay, chưa có thống kê đầy đủ về tình hình nợ xấu của khu vực doanh nghiệp có vốn nhà nước. Tuy nhiên, nợ xấu trong lĩnh vực này được coi là mối nguy lớn nhất của toàn hệ thống ngân hàng, vì các khoản nợ của doanh nghiệp tư nhân đa phần có tài sản đảm bảo và tỷ lệ định giá cho vay thường ở mức rất thấp.
Dữ liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, tính đến đầu năm 2017, tổng số nợ phải trả của khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước là 325.335 tỷ đồng.
Kết quả kiếm toán của Kiểm toán Nhà nước tại 13 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã chỉ ra rằng, có nhiều tồn tại, sai sót trong công tác quản lý tài chính, tài sản công, để phát sinh nợ phải thu khó đòi, hiệu quả hoạt động đầu tư rất thấp, dẫn tới không trả được nợ.
Bởi vậy, chỉ đạo của Chính phủ gần đây về việc các ngân hàng được chủ động xử lý nợ của doanh nghiệp nhà nước, chẳng hạn bán tài sản đảm bảo, đề nghị cho phá sản… chính là động thái tích cực trong việc thúc đẩy việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng, sớm giải tỏa "cục máu đông" để lưu thông cho nền kinh tế, hỗ trợ hoạt động cho vay sản xuất - kinh doanh.
Trên thực tế, việc càng xử lý sớm các tài sản đảm bảo, có giải pháp mạnh với các doanh nghiệp có nợ quá hạn càng giảm bớt tổn thất cho cả doanh nghiệp và ngân hàng.
Bài học nhãn tiền ở Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy nay là Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy cho thấy, dẫu được tái cơ cấu nợ nhưng hoạt động của tổng công ty này vẫn lay lắt do không đủ năng lực cạnh tranh, không tìm được đầu ra và không có năng lực làm ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trên thị trường.
Đề cập đến câu chuyện này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, sớm chấp nhận sự thất bại và xử lý sớm những doanh nghiệp không có sức cạnh tranh như vậy sẽ giảm bớt gánh nặng tài chính cho Nhà nước và cho cả nền kinh tế.
Giới chuyên gia kinh tế kiến nghị, với các trường hợp khó khăn trả nợ mà tập đoàn mẹ đã bảo lãnh cho công ty con vay, cần yêu cầu doanh nghiệp mẹ trích lập dự phòng đầy đủ, giảm chi phí hoạt động, lương thưởng, nếu không làm được thì cũng không nên dùng dằng trong việc cho phép các ngân hàng tài trợ vốn “xẻ thịt” dự án ra bán.