Thách thức lớn nhất vẫn là tái cơ cấu và xử lý nợ xấu

(ĐTCK) Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa - Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, sau khi gặt hái được những thành công trong năm 2017, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang tự tin bước vào năm 2018 với khá nhiều cơ hội. Tuy nhiên, đi kèm với đó là không ít khó khăn, mà theo ông Nghĩa, thách thức lớn nhất vẫn là việc tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. 
2017 là năm nợ xấu giảm nhanh nhất cả về tỷ trọng, lẫn giá trị tuyệt đối 2017 là năm nợ xấu giảm nhanh nhất cả về tỷ trọng, lẫn giá trị tuyệt đối

2017 là năm thành công đối với nền kinh tế khi đã hoàn thành và vượt cả 13 chỉ tiêu mà Quốc hội giao. Đằng sau những kết quả này không thể không nhắc tới những đóng góp của hệ thống Ngân hàng. Ông có đồng ý với quan điểm này?

Đúng vậy, 2017 là năm thành công của nền kinh tế nói chung, cũng như của hệ thống ngân hàng nói riêng. Theo đó, trong năm qua nền kinh tế đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu mà Quốc hội giao, đáng chú ý là tăng trưởng GDP đạt tới 6,81%, cao nhất trong 5 năm qua; lạm phát được kiểm soát dưới 4%.

Tuy nhiên, theo tôi thành công lớn nhất là môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc; năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc; chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc… Đó là những nền tảng đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.

 TS. Lê Xuân Nghĩa

Thực ra trước đây, khi nói tới những rủi ro kinh tế vi mô của Việt Nam, các tổ chức tài chính quốc tế đều nhận định thách thức lớn nhất đến từ ngành ngân hàng. Không chỉ đầu tư gián tiếp, mà ngay cả đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, một trong những vấn đề các nhà đầu tư quan tâm bậc nhất là sự ổn định của hệ thống ngân hàng, tỷ giá…

Tuy nhiên từ năm ngoái tới nay, các đánh giá về ngân hàng Việt Nam ngày càng tốt lên. Nếu giữa năm 2016, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đã đánh giá hệ thống ngân hàng Việt Nam có tiến bộ và nâng triển vọng lên mức ổn định từ triển vọng tiêu cực, thì đến năm 2017, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm lại nâng triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ ổn định lên tích cực.

Điều này cùng với một loạt các hoạt động đối ngoại như APEC, các hiệp định tự do thương mại và những nỗ lực về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh… đã hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp và gián tiếp, chảy mạnh vào Việt Nam.

Còn nhớ giai đoạn 2007 - 2008, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, dòng vốn đầu tư cũng chảy rất mạnh vào Việt Nam và đã gây ra nhiều bất ổn đối với kinh tế vĩ mô. Vậy lần này có gì khác biệt, thưa ông?

Có thể nhận thấy sự khác biệt lớn so với giai đoạn cách đây 10 năm. Hiện dòng vốn đầu tư đang tăng lên dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định và hệ thống ngân hàng được đánh giá tích cực, dài hạn và bền vững. Đây mới là điều đáng quý và đáng kể.

Còn trong những năm 2007 - 2008, khi Việt Nam mới gia nhập WTO, dòng vốn chảy mạnh theo kiểu “hứng khởi nhất thời” sau đó gặp phải bất ổn kinh tế vĩ mô (lạm phát, nợ xấu, đồng tiền mất giá…), khiến dòng chảy giảm rất nhanh và gây nhiều bất ổn cho nền kinh tế, cũng như hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó, hiện tại, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang có cách “xử lý” dòng tiền rất linh hoạt và hữu hiệu. Theo đó, bên cạnh việc tung ra một lượng lớn VND để mua vào ngoại tệ nhằm ổn định tỷ giá hối đoái, tăng dự trữ ngoại tệ, NHNN cũng đẩy mạnh hút bớt tiền về qua các công cụ của thị trường mở để giảm áp lực lên lạm phát.

Hiện dự trữ ngoại hối đã đạt gần 57 tỷ USD, mức cao kỷ lục. Đây là một yếu tố “bảo lãnh” cho đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp. Trong khi lạm phát cả năm vẫn được kiểm soát dưới 4%, đặc biệt lạm phát cơ bản chỉ ở mức 1,6%.

Ông đánh giá vấn đề xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng trong năm qua thế nào?

2017 là năm nợ xấu giảm nhanh nhất cả về tỷ trọng, lẫn giá trị tuyệt đối; trong khi trích lập dự phòng rủi ro cũng tăng lên nhanh nhất và thanh khoản của các ngân hàng thương mại ổn định một cách khá vững. Đặc biệt, hiệu quả kinh doanh của hệ thống ngân hàng được cải thiện tích cực, thể hiện qua 2 chỉ số là ROA và ROE tăng lên gần gấp đôi so với năm 2015, 2016.

Cụ thể, ROE bình quân toàn ngành ngân hàng đã tăng từ mức 6,3% của vài năm trước đây lên 11% như hiện nay, thậm chí có khá nhiều ngân hàng đạt tới 14 - 15%, bằng với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á. Đây là điều đáng mừng nhất, bởi hiệu quả kinh doanh được cải thiện thì ngân hàng mới có đủ nguồn lực tài chính để tái cơ cấu, xử lý nợ xấu; cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh.

Một điểm nhấn nữa trong tiến trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng là việc trong năm qua NHNN đã báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các tổ chức tín dụng.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định 1458/QĐ-TTg phê duyệt đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Đây là những nền tảng pháp lý quan trọng hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng đẩy nhanh hơn nữa tiến trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu trong thời gian tới.

Không chỉ vậy, các văn bản pháp lý này còn có một loạt các bổ sung và sửa đổi, hỗ trợ cho việc thực hiện các tiêu chí về quản trị như: kiểm soát sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn, chống rửa tiền, tăng cường chỉ tiêu an toàn của toàn hệ thống ngân hàng và đặc biệt là nền tảng pháp lý để xử lý các ngân hàng yếu kém, trong đó có các ngân hàng thuộc dạng kiểm soát đặc biệt với hình thức cuối cùng là phá sản ngân hàng.

Ông có dự báo gì về hoạt động của hệ thống ngân hàng trong năm 2018?

Năm 2018, hệ thống ngân hàng đứng trước nhiều vận hội có thể nói là lớn hơn các ngành khác.

Thứ nhất, nền kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc khi kinh tế toàn cầu đang phục hồi mạnh mẽ.

Thứ hai, lòng tin của người dân và doanh nghiệp vào hệ thống ngân hàng ngày càng được củng cố sau những thành công của hệ thống về xử lý nợ xấu, hiệu quả kinh doanh trong năm qua. Tinh thần khởi nghiệp tăng mạnh sau những cải cách môi trường đầu tư kinh doanh quyết liệt của Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ cho hoạt động ngân hàng trong năm 2018.

Thứ ba, kỹ năng điều hành của NHNN ngày càng uyển chuyển, linh hoạt và chuyên nghiệp. Điều đó đã được thể hiện trong năm 2017 khi NHNN thường xuyên duy trì một mức cung tiền hợp lý để vừa hỗ trợ cho tăng trưởng, lại vừa kiểm soát được lạm phát.

Dường như con đường phía trước của hệ thống ngân hàng rất bình yên?

Tôi cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Đầu tiên là việc điều hành tín dụng không tăng trưởng dồn cục vào những tháng cuối năm. Còn nhớ, năm 2017, NHNN cũng gặp nhiều khó khăn khi tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 6 vẫn còn rất thấp, trong khi yêu cầu là phải đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế.

Bởi vậy, một trong những thách thức đối với hệ thống ngân hàng trong năm nay là thúc đẩy tín dụng tăng trưởng tích cực ngay từ những tháng đầu năm để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế. Dù vậy, cái khó là vấn đề này phụ thuộc vào mức độ “thẩm thấu” của nền kinh tế.

Khó khăn thứ hai phải kể đến là việc điều hành cung tiền, khi mà dự báo dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, đặc biệt là đầu tư gián tiếp nhờ việc Chính phủ sẽ tiếp tục bán cổ phần tại nhiều doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, NHNN đã có kinh nghiệm để xử lý vấn đề này.

Chẳng hạn, năm ngoái khi bán cổ phần tại Sabeco, NHNN đã đề nghị chuyển toàn bộ số tiền thu được từ bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài về cơ quan này, thay vì gửi ở các ngân hàng thương mại. Đây là một cơ sở, tiền đề để NHNN điều hành cung tiền trong năm qua khá tốt.

Khó khăn thứ ba là sức ép giảm lãi suất. Hiện cộng đồng doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đều mong muốn mặt bằng lãi suất cho vay giảm thêm chút nữa. Tuy nhiên, trong bối cảnh các ngân hàng đang phải căng sức tái cơ cấu, xử lý nợ xấu như hiện nay, điều này là không dễ. Giải pháp duy nhất để giảm lãi suất cho vay là giảm lãi suất huy động trước.

Thế nhưng, việc giảm quá mạnh lãi suất huy động có thể khiến dòng vốn chảy vào các kênh khác, cũng như ảnh hưởng tới vấn đề ổn định tỷ giá khi mà diễn biến thị trường ngoại hối toàn cầu năm nay được dự báo sẽ có nhiều biến động, nhiều ngân hàng trung ương lớn đang theo chân Fed thắt chặt tiền tệ.

Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất đối với hệ thống ngân hàng trong năm 2018 vẫn là việc tăng vốn, xử lý nợ xấu, tái cơ cấu để nâng cao năng lực quản trị, điều hành theo kịp chuẩn mực quốc tế. Hiện NHNN đã đưa ra lộ trình rất rõ ràng về việc áp dụng chuẩn mực quốc tế về quản trị, an toàn hệ thống và kế toán cho các ngân hàng thương mại như việc áp dụng Basel II. Nhưng không phải đồng loạt tất cả các ngân hàng thương mại đều như nhau, mà trong tiến trình này phân ra 3 loại, với những bước tiến khác nhau.

Chưa kể, cần tiếp tục thực hiện chương trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và nâng cao khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại, đồng thời hỗ trợ các ngân hàng thương mại tìm kiếm hình thức tăng vốn, đặc biệt là ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.

Nhuệ Mẫn thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục