VAMC, các ngân hàng nhộn nhịp rao bán tài sản trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng thu hồi nợ

Hàng ngàn tỷ đồng đã được ngân hàng thu về trong những tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018. Thị trường mua bán nợ xấu được kỳ vọng sẽ sớm hình thành.

Đồng loạt ra quân để thu hồi, xử lý nợ xấu

Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho hay, từ cuối năm 2017 đến nay, rất nhiều ngân hàng thu hồi nợ rất tốt, như Sacombank, Agribank.

Cụ thể, năm 2017, Agribank đã thu nợ khoảng 8.000 tỷ đồng nợ xấu, Sacombank gần đây cũng thu gần 5.000 tỷ đồng nợ bán cho VAMC thông qua bán đấu giá tài sản.

Kể từ khi VAMC “nổ phát súng” đầu tiên thu giữ khối tài sản 7.000 tỷ đồng của Sài Gòn One Tower theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội, các ngân hàng đã đồng loạt ra quân để thu hồi, xử lý nợ xấu.

VAMC, các ngân hàng nhộn nhịp rao bán tài sản trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng thu hồi nợ ảnh 1

Dự án One Tower (TP.HCM) - dự án đầu tiên bị thu giữ tài sản để thu hồi nợ xấu. Ảnh: Đức Thanh 

Hoạt động thu giữ, bán đấu giá tài sản đảm bảo của các ngân hàng diễn ra nhộn nhịp. Hàng ngàn tỷ đồng từ bán nợ xấu đã được các ngân hàng thu về, giúp tốc độ xử lý nợ xấu được đẩy nhanh hơn.

Đại diện Sacombank cho hay, chỉ riêng năm 2017, ngân hàng này đã xử lý được hơn 19.660 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó có 15.000 tỷ đồng thuộc Đề án Tái cơ cấu.

Trong số nợ xấu được xử lý, đáng chú ý có việc bán thành công các cụm khu công nghiệp tại Long An, giúp Sacombank thu về 9.200 tỷ đồng và bán một số khoản nợ cho VAMC, thu hàng ngàn tỷ đồng.

Hiện tại, Sacombank chào bán rất nhiều khoản nợ với mục tiêu đưa nợ xấu giảm xuống 3% vào cuối năm nay, thay vì con số 6,68% vào đầu năm 2017.

Ngoài Sacombank, Agribank, hàng loạt ngân hàng cũng tích cực thu nợ. Trong năm 2017, tổng số nợ xấu mà VAMC đã phối hợp với các ngân hàng thu hồi được là 30.700 tỷ đồng, vượt xa chỉ tiêu kế hoạch thu hồi nợ năm 2017 được Ngân hàng Nhà nước giao và tăng mạnh so với năm 2016.

Dù xử lý nợ xấu bằng cách thu hồi, bán tài sản đảm bảo đã khởi sắc hơn, song báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, nguồn để xử lý nợ chủ yếu vẫn từ trích lập dự phòng rủi ro, trong khi con số nợ thu hồi từ bán tài sản đảm bảo vẫn khá thấp.

Đơn cử, Ngân hàng BIDV có chênh lệch thu - chi năm 2017 lên tới 24.000 tỷ đồng, song lợi nhuận trước thuế chỉ còn 8.800 tỷ đồng. Điều này có nghĩa là, khoảng 15.000 tỷ đồng đã được chi cho trích lập dự phòng rủi ro. Riêng khoản trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng này trong 9 tháng đầu năm đã lên tới gần 12.000 tỷ đồng.

Hay VPBank, dù đã thu hồi được gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu năm 2017, song vẫn phải trích lập hơn 8.000 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro, tương đương 30% tổng thu nhập hoạt động thuần.

Rõ ràng, thị trường mua bán nợ mới vẫn đang trong giai đoạn manh nha và xử lý nợ xấu vẫn trông cậy chủ yếu vào hầu bao của các nhà băng - vốn bị giới hạn nhất định. Do vậy, việc hình thành thị trường nợ là yêu cầu cấp bách.

Tạo lập và phát triển thị trường mua bán nợ

Muốn xử lý nợ xấu triệt để, việc mua bán phải thực hiện theo giá thị trường. Năm 2017, VAMC mới dè dặt mua hơn 3.000 tỷ đồng nợ xấu theo phương thức này. Đáng mừng là, hầu hết các khoản nợ mua theo giá thị trường đã bước đầu tìm được đầu ra.

Năm 2018, VAMC đặt mục tiêu mua 6.600 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường. VAMC cũng “lĩnh” nhiệm vụ phải bắt tay với các ngân hàng xử lý được tối thiểu 140.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay qua các giải pháp như thu hồi, xử lý tài sản đảm bảo…

Theo các chuyên gia, việc xử lý nợ xấu chủ yếu bằng trích lập dự phòng rủi ro hiện nay giúp nợ xấu giảm mạnh về mặt số liệu, song thực chất là ngân hàng đang dùng tiền để mua lại nợ xấu của chính mình và đây là khoản đầu tư không sinh lợi. Chính vì vậy, tạo lập và phát triển thị trường mua bán nợ là nhiệm vụ mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra trong năm 2018.

Thị trường mua bán nợ mới vẫn đang trong giai đoạn manh nha và xử lý nợ xấu vẫn trông cậy chủ yếu vào hầu bao của các nhà băng.

Theo các chuyên gia, vấn đề khó khăn nhất trong việc hình thành “chợ” nợ xấu hiện nay không phải là đầu ra, mà là phải có mức giá hợp lý và tính minh bạch cho các khoản nợ này.

Được biết, thời gian qua, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đặt vấn đề mua nợ xấu, nhưng sau đó đã âm thầm tháo chạy bởi gặp 2 vấn đề: các ngân hàng đưa ra mức giá nợ xấu quá cao; không có hồ sơ chi tiết, minh bạch về khoản nợ xấu.

Để đưa ra các mức giá hợp lý cho nợ xấu, cần có các công ty định giá độc lập, song thị trường còn rất thiếu các công ty định giá độc lập có uy tín.

Trong khi đó, theo TS. Cấn Văn Lực, đàm phán trực tiếp, đấu giá nợ xấu… chỉ là một trong những cách xử lý nợ xấu theo giá thị trường. Theo ông, còn một cách khác để sớm hình thành thị trường mua bán nợ, đó là chứng khoán hóa nợ xấu (trước mắt, có thể áp dụng với nợ xấu của doanh nghiệp).

Tuy nhiên, để làm được điều này, thông tin về nợ xấu phải minh bạch, phải qua kiểm chứng, thị trường phải có thêm các tổ chức định giá độc lập và phải hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo vệ nhà đầu tư. Một khi có đủ những yếu tố này, thì “chợ” mua bán nợ xấu mới có thể hình thành.

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục