Ngày 10/4/2017, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng để xét đơn kháng cáo của bị đơn là ông Nguyễn Sỹ Minh (mặc dù là người kháng án, nhưng bị đơn vắng mặt tại tòa – PV).
Theo nội dung vụ việc, năm 2010, vợ chồng ông Nguyễn Sỹ Minh và bà Lâm Thị Phương Thoa ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vay số tiền 5 tỷ đồng. Mục đích vay là để sử dụng thanh toán tiền mua chung cư, thời hạn vay 120 tháng.
Tài sản thế chấp là căn hộ số 1401 nhà 17T2 Hoàng Đạo Thúy (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) được đăng ký giao dịch đảm bảo đúng quy định. Việc giao kết hơp đồng là tự nguyện, các nội dung không trái pháp luật. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, từ ngày 1/6/2010 đến 8/12/2011, khách hàng mới thanh toán được 1,9 tỷ đồng nợ gốc và lãi.
Ngày 31/3/2014, VPBank đã bán lại khoản nợ trên cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), trong đó có nội dung chuyển giao quyền đòi nợ. Năm 2015, VAMC khởi kiện ra Tòa án nhân dân Quận Cầu Giấy yêu cầu khách hàng thanh toán nợ gốc và nợ lãi hơn 9,1 tỷ đồng.
Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân Quận Cầu Giấy đã tuyên chấp nhận đơn khởi kiện của VAMC. Trong trường hợp khách hàng không trả được nợ, VAMC có quyền đề nghị cơ quan thi hành án xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.
Không đồng tình với bản án sơ thẩm, bị đơn kháng cáo lên Tòa án nhân dân TP.Hà Nội. Ông Nguyễn Sỹ Minh cho rằng, ngày 15/9/2014, VPBank ra quyết định thu giữ tài sản bảo đảm là toàn bộ căn hộ 1401. Việc này được giao cho Công ty TNHH Quản lý tài sản Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank AMC) thực hiện. Trên thực tế, ngày 17/3/2015, VPBank cử người niêm phong căn hộ 1401.
Theo bị đơn, ngân hàng thời điểm đó chưa thực hiện việc bán nợ cho VAMC. Nếu đã bán nợ thì ngân hàng không có quyền thu giữ tái sản đảm bảo là căn hộ 1401. Do đó, VAMC không được chuyển giao quyền đòi nợ, nên không có quyền khởi kiện. Ông Nguyễn Sỹ Minh đề nghị tòa án tuyên hủy bản án sơ thẩm, bác đơn khởi kiện của VAMC và đình chỉ giải quyết vụ việc.
Trình bày trước tòa, đại diện VAMC cho biết, VPBank ban hành thông báo thu giữ tài sản đảm bảo nhưng không xin ý kiến của VAMC.
Về phía VPBank, sau khi kiểm tra, nhận thấy việc thu giữ tài sản là chưa đảm bảo đầy đủ điều kiện pháp luật. Nên ngày 21/3/2015, VPBank đã mở niêm phong, bàn giao lại căn hộ cho chủ tài sản và thu hồi quyết định thu giữ tài sản đảm bảo. Như vậy, tài sản thế chấp chưa được VPBank hay VAMC xử lý.
Xem xét, đánh giá toàn bộ vụ việc, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm – Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã quyết định bác đơn kháng cáo của bị đơn và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Liên quan đến căn hộ 1401 còn có một đơn vị khác thuê làm trụ sở công ty. Tòa án nhân dân TP.Hà Nội cũng tuyên buộc đơn vị này phải có nghĩa vụ hợp tác thi hành án và giành quyền khởi kiện tranh chấp hợp đồng thuê căn hộ trong vụ án dân sự khác.
Thực tế cho thấy, việc thu hồi nợ, xử lý tài sản đảm bảo luôn là vấn đề khiến các các tổ chức tín dụng phải “đau đầu”. Là tổ chức quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng và có trách nhiệm xử lý các khoản nợ, nên điều này không là ngoại lệ với VAMC, nhất là với trường hợp khách hàng chây ỳ trả nợ.
Theo Điều 39, Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 6/9/2013 quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC thì tổ chức này được xem xét, ủy quyền cho tổ chức tín dụng bán nợ thực hiện một hoặc một số hoạt động quản lý, xử lý nợ xấu, quy định về xử lý số tiền thu hồi nợ...
Việc ủy quyền được lập thành hợp đồng, trong đó quy định phạm vi, nội dung, thời hạn ủy quyền và quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan. VAMC có thể lựa chọn phương thức ủy quyền một phần hoặc toàn bộ hoạt động.