Giải pháp vượt khó hậu Covid-19 giữ tâm điểm mùa đại hội đồng cổ đông

(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp đã rục rịch tổ chức đại hội cổ đông vào nửa cuối tháng 5 và tháng 6, sau khoảng thời gian tạm hoãn vì dịch bệnh. Nội dung được các cổ đông quan tâm nhất năm nay vẫn là giải pháp để doanh nghiệp vực dậy hoạt động hậu Covid-19. 
Giải pháp vượt khó hậu Covid-19 giữ tâm điểm mùa đại hội đồng cổ đông

Tại Ðại hội đồng cổ đông CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT), lãnh đạo FRT nhận được rất nhiều câu hỏi xung quanh câu chuyện hoạt động của Công ty bị tác động như thế nào bởi dịch bệnh Covid-19 khi mà hàng công nghệ, điện tử không phải là mặt hàng thiết yếu, ưu tiên tiêu dùng trong và sau mùa dịch.

Chưa kể, có những cổ đông bày tỏ lo lắng về việc dòng tiền của FRT đang trong quá trình mở rộng đầu tư chuỗi Long Châu sẽ gặp thách thức hơn nữa.

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Bạch Ðiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị FRT, quý II, dự báo doanh thu của Công ty sẽ bị giảm khoảng 15 - 20% so với quý I. Nguyên nhân là trong quý I, hoạt động của Công ty chưa bị tác động mạnh bởi dịch, trong khi đầu quý II (tháng 4), 170 cửa hàng, chiếm 1/3 tổng số cửa hàng của FRT đóng cửa. Sang tháng 5, dù đã mở cửa trở lại, nhưng dịch bệnh tác động xấu đến thu nhập của khách hàng, khiến sức mua bị giảm.

Trong giai đoạn đóng cửa, FRT có gửi thư xin điều chỉnh giá thuê mặt bằng và cũng đạt được chấp thuận của nhiều chủ nhà. Thời gian giảm giá trong 3 tháng, từ tháng 4 - 6/2020. Ðiều này sẽ hỗ trợ khá nhiều cho kết quả kinh doanh chung của Công ty. 

Ðối với chuỗi nhà thuốc Long Châu, năm 2020, Công ty dự kiến sẽ mở lên 220 cửa hàng thuốc, điều này góp phần tạo nên cơ sở cho kế hoạch tăng trưởng doanh thu chuỗi nhà thuốc từ 500 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mảng kinh doanh mới này vẫn chưa thể đóng góp lợi nhuận cho Công ty. Chính điều này khiến nhiều cổ đông lo ngại sẽ là áp lực cho FRT trong bối cảnh kinh doanh khó khăn vì dịch bệnh.

Tuy nhiên, bà Ðiệp cho rằng, FRT đã tìm được công thức để thành công, giai đoạn đầu phải chấp nhuận đầu tư mở rộng, chưa có lãi, để đánh chiếm thị trường, sau đó sẽ tăng trưởng nhanh.

Theo chia sẻ của ban chủ toạ Ðại hội, FRT cũng đang phát triển mạnh hơn ở nhóm sản phẩm tự sản xuất về thực phẩm chức năng, các nhóm hàng trang thiết bị y tế, dược mỹ phẩm.

Với CTCP Logistics Vinalink (VNL) - doanh nghiệp thuộc lĩnh vực logistics, hoạt động phục hồi ra sao sau khi lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ là câu chuyện được cổ đông rất quan tâm tại Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2020.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Công ty, đối với mảng hàng không trong 2 tháng gần đây, Công ty khai thác thêm dịch vụ y tế và hiệu quả tốt. Trong 3 tuần qua, VNL đã xuất 80 - 90 tấn hàng dịch vụ y tế đi châu Âu, qua đó bù đắp cho các mảng khác bị ảnh hưởng do dịch.

Ðối với mảng dịch vụ đường biển, VNL phát triển dịch vụ thương mại điện tử thông qua kênh giao nhận vận chuyển Amazon, bước đầu cho kết quả khá tích cực. Còn với mảng logistics, VNL hướng đến các khách hàng lớn và có sản lượng lớn khoảng 20 - 30 container/ngày (600 - 1.000 container/ tháng).

Trong khi đó, ở CTCP Khoáng sản và xây dựng Bình Dương (KSB), bên cạnh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cổ đông còn rất quan tâm đến tiến trình M&A doanh nghiệp sở hữu mỏ đá để thay thế cho mỏ Tân Ðông Hiệp đóng cửa. Năm 2020, KSB lên kế hoạch doanh thu sản xuất - kinh doanh 1.476,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 320 tỷ đồng, lần lượt tăng 13,5% và giảm 3% so thực hiện năm trước.

Cổ đông cho rằng, KSB cần điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020 theo hướng tăng lợi nhuận vì đẩy mạnh đầu tư công và sự dịch chuyển nhà máy của doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đều là những yếu tố tác động tốt tới cả hai mảng kinh doanh cốt lõi của Công ty là khai thác đá xây dựng và bất động sản khu công nghiệp.

Tuy nhiên, ông Phan Tấn Ðạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị KSB cho biết, năm nay, có những diễn biến không lường trước được. Các vấn đề đầu tư công, làn sóng dịch chuyển khu công nghiệp cũng đang chỉ là xu hướng.

Trong 5 tháng đầu năm, thị trường hồi phục khá chậm, tiến độ các công trình cũng chậm do giãn cách xã hội. Do vậy, kế hoạch của Công ty là bám sát tình hình thị trường chứ không thận trọng. Mặt khác, chủ trương đầu tư công đến thực hiện phải trải quá một quá trình lâu dài, do đó, sẽ chưa có tác động ngay lập tức.

“Thực tế, xu hướng dịch chuyển khu công nghiệp đã có từ năm trước, KSB đã đón đầu sớm và ghi nhận kết quả tốt trong năm 2019. Từ đầu năm đến nay, Công ty hầu như không ghi nhận thêm khách nào vì dịch bệnh. Công ty chưa xác định được khi nào mở cửa để có thể đón lại nhà đầu tư nước ngoài”, ông Ðạt chia sẻ.

Hiện với Khu công nghiệp Ðất Cuốc, KSB đã hoàn thành đền bù giai đoạn 1 là 320 ha và hoàn thành cho thuê, nhận đặt cọc khoảng 60%. Giai đoạn 2 đang thực hiện cuốn chiếu vừa xây dựng, vừa cho thuê.

Liên quan đến khoản uỷ thác đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng để mua vốn góp cổ phần tại công ty vật liệu xây dựng ở Ðồng Nai, ông Ðạt cho biết, đầu tư là để tìm kiếm mỏ đá mới. Công ty này có quy mô trữ lượng còn lại khoảng 250 triệu tấn đá, định giá giá trị rất lớn.

Hiện Công ty đang ủy thác đầu tư nên sở hữu gián tiếp khoảng 40% tại công ty trên. Dự kiến trong năm nay, KSB sẽ hoàn thành sở hữu chi phối và hạch toán vào báo cáo tài chính là công ty con.                   

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ