“Không dám dùng…”
Đó là chia sẻ của tổng giám đốc một công ty niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE) khi được hỏi về việc tiến hành ĐHCĐ theo hình thức trực tuyến.
Theo vị này, mối lo lớn nhất là đối mặt với rủi ro cổ đông kiện công ty do tính bảo mật của hệ thống bỏ phiếu, biểu quyết điện tử khó đảm bảo sự an toàn, tin cậy, đặc biệt khi không phải cổ đông nào cũng rành công nghệ.
Mặt khác, doanh nghiệp không thể biết được người bấm nút biểu quyết thông qua hay phản đối nội dung tại đại hội có đúng là cổ đông thực sự của công ty hay không.
Chỉ cần cổ đông để lộ thông tin cá nhân, thậm chí chia sẻ thông tin nhờ người khác đăng nhập vào hệ thống để biểu quyết mà sau này cổ đông phát hiện không đúng như ý của họ, thì dễ phát sinh việc khởi kiện.
“Lúc mọi thứ vui vẻ thì không sao, nhưng khi có chuyện mà cổ đông yêu cầu công ty đưa ra bằng chứng chứng minh kết quả biểu quyết tại đại hội qua hình thức trực tuyến đúng là ý kiến của cổ đồng thì chúng tôi bó tay. Đây là điều khiến công ty không dám áp dụng ĐHCĐ trực tuyến…”, vị tổng giám đốc này nói.
Ngoài đồng tình với mối lo trên, chủ tịch HĐQT một công ty niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho biết, đến thời điểm này, Luật Doanh nghiệp mới quy định khung, trong khi tổ chức ĐHCĐ trực tuyến lại mang tính chi tiết, nên công ty chưa yên tâm về tính pháp lý đối với hình thức này để triển khai.
“Chúng tôi đang mong đợi dịch bệnh sớm qua đi để tổ chức ĐHCĐ theo hình thức truyền thống. Cùng với đó, chúng tôi mong muốn hệ thống pháp lý cần quy định chi tiết để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiến hành ĐHCĐ trực tuyến, tránh tình trạng loay hoay tìm cách vận dụng luật như hiện nay…”, vị chủ tịch trên nói.
Chia sẻ một điều e ngại khác, người công bố thông tin một công ty chứng khoán niêm yết trên HOSE cho hay, tổ chức ĐHCĐ trực tuyến là phải đầu tư tốn kém cả về thời gian lẫn chi phí cho hệ thống họp và bỏ phiếu biểu quyết điện tử, trong khi cả năm mới sử dụng một lần.
Bởi vậy, trước mắt công ty chưa chọn ĐHCĐ trực tuyến, mà xin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gia hạn đến ngày 30/6/2020 và đã được chấp thuận.
Chờ sự rõ ràng của luật
Không chỉ doanh nghiệp, nhiều chuyên gia pháp lý cũng chưa thống nhất về tính rõ ràng trong quy định pháp lý của hình thức họp ĐHCĐ trực tuyến.
Hệ quả là doanh nghiệp muốn áp dụng hình thức họp này thì phải tìm cách vận dụng luật, chứ quy định pháp lý lại chưa đủ cụ thể để doanh nghiệp yên tâm triển khai.
Từ thực tế này, ý kiến từ các doanh nghiệp đề xuất, trong lần sửa đổi Luật Doanh nghiệp này (theo kế hoạch sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5/2020), các nhà lập pháp cần quy định rõ ràng về hình thức ĐHCĐ trực tuyến để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp áp dụng.
Đây là điều cần thiết, phù hợp với những rủi ro phải giãn cách xã hội tương tự như dịch Covid-19, cũng như xu hướng “điện tử hóa” các cuộc họp, chứ không gì ĐHCĐ thời kinh tế số đang được thúc đẩy.
“Trên cơ sở quy định mới của Luật Doanh nghiệp theo hướng làm rõ tính pháp lý của hình thức ĐHCĐ trực tuyến, điều quan trọng là trong quá trình soạn thảo các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước cần dẫn chiếu các quy định mới của Luật Doanh nghiệp để quy định chi tiết các nội dung về ĐHCĐ trực tuyến áp dụng với các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán như công ty niêm yết, công ty chứng khoán… để giúp doanh nghiệp dễ hiểu, dễ áp dụng, tránh lúng túng kéo dài như nhiều năm qua…”, tổng giám đốc một công ty chứng khoán niêm yết trên HNX đề xuất.