Các phân khúc tín chấp cho SME
Để hình dung cách ngân hàng và công ty tài chính thiết kế sản phẩm tín chấp phù hợp riêng cho từng đối tượng, cần phác họa rõ bức tranh phân hạng khách hàng chi tiết hơn trước đây rất nhiều. Thay vì gom tất cả SME dưới một trần lãi suất chung, các tổ chức tín dụng đã xây dựng một ma trận 5 nhóm, dựa trên 5 tiêu chí chính gồm quy mô doanh thu, tuổi đời hoạt động, mức độ minh bạch của sổ sách và lịch sử tín dụng. Mỗi nhóm trong ma trận này đi kèm hạn mức vay và mức lãi suất có thể chênh lệch rất đáng kể dựa vào các doanh nghiệp khác nhau, tạo ra khoảng thưởng - phạt rất rõ ràng giữa các doanh nghiệp dựa trên mức độ minh bạch về tài chính.
Dựa trên bảng so sánh này, ngân hàng thường xếp Nhóm 1 cho những doanh nghiệp có doanh thu từ 50-200 tỷ đồng, sở hữu báo cáo tài chính kiểm toán độc lập và duy trì dòng tiền trên 90% doanh thu qua tài khoản ngân hàng. Nhóm này được hưởng hạn mức vay tối đa đến 10 tỷ đồng cùng lãi suất ưu đãi chỉ từ 6-8%/năm.
Nghị quyết 68 đã chính thức thúc đẩy các ngân hàng trong việc cho vay tín chấp dựa trên dữ liệu và sự minh bạch về thông tin, mở ra quỹ vốn khổng lồ cho các SME.
Nhóm 2 gồm các doanh nghiệp có doanh thu từ 10-50 tỷ đồng, sổ sách tự lập tương đối đầy đủ và tỷ lệ dòng tiền qua ngân hàng dao động từ 70-90%, nên lãi suất được áp dụng cao hơn ở mức 8-12%/năm và hạn mức vay từ 0,5-3 tỷ đồng.
Nhóm 3 là các doanh nghiệp có doanh thu từ 5-10 tỷ đồng, do dữ liệu tài chính thiếu minh bạch, chỉ khoảng 70% giao dịch được thực hiện qua ngân hàng, vì vậy lãi suất tăng lên mức 12-20%/năm và hồ sơ vay vốn có thể cần thêm bảo lãnh cá nhân.
Đối với Nhóm 4 là hộ kinh doanh có doanh thu từ 1-5 tỷ đồng và Nhóm 5 là doanh nghiệp siêu nhỏ doanh thu dưới 1 tỷ đồng, việc thẩm định thường do các công ty tài chính tiêu dùng thực hiện, mức lãi suất cao hơn đáng kể, lần lượt từ 20-30%/năm và 30-50%/năm để bù đắp rủi ro. Chính sự phân tầng khắt khe này buộc doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn vốn giá rẻ phải chủ động leo hạng tín nhiệm, nếu không sẽ phải chấp nhận chi phí vốn đắt đỏ hơn trong dài hạn.
Bên cạnh đó, việc dữ liệu ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong đánh giá xếp hạng tín nhiệm, các ngân hàng không ngần ngại đầu tư mạnh vào hệ sinh thái công nghệ kết nối API trực tiếp với Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC), Tổng cục Thuế, Bảo hiểm Xã hội và các nền tảng kế toán đám mây để giảm thiểu thời gian hình thành hồ sơ tín dụng.
Trong đó, mô hình chấm điểm AI-scoring hiện đại có khả năng xử lý trên 50 biến số tài chính như hệ số khả năng trả nợ (DSCR), vòng quay vốn lưu động, biên lợi nhuận ròng, kết hợp cùng 20 biến số hành vi như tần suất chỉnh sửa bút toán hoặc thời gian nộp báo cáo thuế. Nhờ đó, hệ thống có thể tính điểm tín nhiệm chỉ trong vài giây và cắt giảm đến 50% chi phí thẩm định thủ công. Khi dữ liệu thuế, hóa đơn điện tử và giao dịch POS được đồng bộ, khả năng gian lận bị thu hẹp rõ rệt, giúp ngân hàng tự tin hạ lãi suất cho nhóm doanh nghiệp có điểm tín nhiệm cao.
|
Thông điệp cho SME
Sau khi nắm vững cơ chế phân hạng tín dụng, câu hỏi lớn nhất đối với các SME là làm thế nào để thay đổi xếp hạng nhanh và bền vững nhất. Việc nhận diện đúng điểm yếu trong hệ thống quản trị và dòng tiền sẽ giúp mỗi nhóm doanh nghiệp xây dựng lộ trình cải thiện phù hợp, thay vì vội vàng chạy đua đầu tư dàn trải kém hiệu quả. Trong đó, có 4 trụ cột mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần ưu tiên gồm chuẩn hóa sổ sách và kiểm toán định kỳ, mở rộng phạm vi sử dụng hóa đơn điện tử, tối ưu vòng quay vốn lưu động và xây dựng lịch sử tín dụng minh bạch.
Thực tế từ nhiều doanh nghiệp cho thấy, chỉ cần duy trì kỷ luật tài chính chặt chẽ trong 12-18 tháng, một doanh nghiệp thuộc Nhóm 3 hoàn toàn có thể tiến lên Nhóm 2 và được hưởng mức lãi suất ưu đãi hơn. Bảng mô tả sẽ giúp phác thảo một bức tranh chi tiết kế hoạch hành động theo từng nhóm tín nhiệm cụ thể.
Đối với Nhóm 1, mục tiêu quan trọng nhất là giữ vững độ tín nhiệm xuất sắc bằng cách duy trì kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm, đảm bảo chỉ số DSCR luôn cao và áp dụng hóa đơn điện tử 100%. Nhờ vậy, doanh nghiệp duy trì được mức lãi suất vay thấp.
Các doanh nghiệp thuộc Nhóm 2 cần chủ động thuê kiểm toán độc lập, tăng tỷ lệ giao dịch không tiền mặt lên trên 90% và xây dựng kế hoạch kinh doanh chi tiết để minh chứng dòng tiền ổn định, qua đó có thể giảm thêm từ 1-2% lãi suất.
|
Với Nhóm 3, điểm khởi đầu hợp lý là đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, minh bạch hóa dòng tiền qua tài khoản ngân hàng và bắt đầu tạo dựng lịch sử các khoản vay nhỏ, trả đúng hạn để tích lũy điểm tín nhiệm, mở đường vượt lên nhóm trung bình.
Trong khi đó, các hộ kinh doanh thuộc Nhóm 4 cần cân nhắc chuyển đổi thành doanh nghiệp, tăng tỷ trọng doanh thu qua ngân hàng và tích lũy lịch sử tín dụng sạch.
Cuối cùng, đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ ở Nhóm 5, nhiệm vụ tối quan trọng là hoàn thiện hồ sơ pháp lý, ghi chép tối thiểu sổ sách doanh thu và tuyệt đối không để phát sinh nợ xấu trước khi nghĩ đến kênh vốn chính thức.
Bên cạnh đó, chiến lược tín chấp dựa trên dữ liệu đòi hỏi SME phải đầu tư đồng thời vào hạ tầng công nghệ thông tin và nâng cao năng lực nhân sự. Về hạ tầng, các module ERP, POS, hóa đơn điện tử và kết nối ngân hàng qua API cần được triển khai để đảm bảo dữ liệu được đồng bộ trong thời gian thực (realtime), giúp thuật toán chấm điểm tín nhiệm phản ánh đúng sức khỏe tài chính. Về nhân sự, doanh nghiệp phải xây dựng đội ngũ kiểm soát nội bộ hiểu rõ các chuẩn mực kế toán hiện hành, đủ năng lực khép kín quy trình quản trị rủi ro và phối hợp nhịp nhàng với ngân hàng trong quá trình chia sẻ dữ liệu.
Nghị quyết 68 đã chính thức thúc đẩy các ngân hàng trong việc cho vay tín chấp dựa trên dữ liệu và sự minh bạch về thông tin, mở ra quỹ vốn khổng lồ cho các SME. Tuy nhiên, chìa khóa để tiếp cận được nguồn vốn này nằm trong tay chính doanh nghiệp, chỉ khi thực sự đầu tư nghiêm túc vào số hóa kế toán, minh bạch dòng tiền và nâng cấp năng lực quản trị, việc duy trì xếp hạng mới có thể bền vững.