
Những “viên gạch” nhỏ, vững chãi
Chị Lù Thị Dung, Trưởng Kế toán Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nậm Nhùn, Chi nhánh tỉnh Lai Châu cho biết, chị là cán bộ Ngân hàng từ năm 2008, với vị trí công việc đầu tiên là cán bộ tín dụng tại Phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng thuộc Hội sở tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lai Châu. Trong thời gian 16 năm công tác tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lai Châu, chị đã 2 lần được điều động tới công tác tại huyện mới thành lập.
Đây là huyện nghèo miền núi biên giới, mật độ dân cư thưa thớt, trình độ dân trí còn thấp. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, hạ tầng những năm đầu thành lập còn rất thiếu; phòng giao dịch phải đi thuê trụ sở làm việc; điều kiện làm việc của cán bộ còn gặp nhiều khó khăn...
“Đôi lúc cũng cảm thấy lung lay, băn khoăn và đấu tranh tư tưởng với quyết định gắn bó với Ngân hàng Chính sách xã hội nhưng hàng ngày, khi đi công tác tại cơ sở, tôi được tiếp xúc, chứng kiến những người dân nghèo còn quá nhiều vất vả ở những địa bàn huyện mình từng gắn bó, nhất là người dân của huyện vùng cao biên giới Nậm Nhùn đã vui mừng ra sao khi được cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội đến tận nơi trao đổi, triển khai những chương trình tín dụng ưu đãi. Cùng với chính quyền địa phương, tổ chức hội, đoàn thể các cấp hướng dẫn cách thức làm ăn, người dân đã mạnh dạn, tự tin vay vốn vốn tín dụng chính sách xã hội để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Khi đó, những suy nghĩ, băn khoăn trong tôi đã dần biến mất”, chị Dung chia sẻ.
Theo chị Dung, với niềm tin những công việc mà mỗi cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội nói chung và Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nậm Nhùn nói riêng đang triển khai hàng ngày đã góp một phần nhỏ bé nhưng vô cùng ý nghĩa đối với người dân nghèo, còn khó khăn sinh sống trên địa bàn huyện, chị và các đồng nghiệp đã không ngại khó, ngại khổ.
Tất cả luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, từng bước khắc phục khó khăn, tích cực đi sâu, đi sát địa bàn thôn bản để tuyên truyền, triển khai nguồn vốn tín dụng chính sách đến từng hộ dân. Số hộ trên địa bàn được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách và mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo ngày càng nhiều hơn.
Chị Dung nói: “Chúng tôi luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao đảm bảo về thời gian, khối lượng và hiệu quả công việc, bởi chúng tôi hiểu khi chúng tôi hoàn thành công việc nhanh nhất tức là nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đến được với bà con nhanh nhất, để bà con có nguồn lực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, tự lập, tự tin trong cuộc sống”.
Anh Hoàng Phong Hải, Tổ trưởng Tổ Kế hoạch - Nghiệp vụ, Phó chủ tịch Công đoàn bộ phận Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh vào ngành từ năm 2005, đến nay, trải qua nhiều vị trí và các đơn vị công tác khác nhau và cũng gặp một số khó khăn như xa nhà, thay đổi môi trường làm việc, nhiệm vụ của ngành ngày một đòi hỏi cao hơn...
Trưởng thành từ người cán bộ tín dụng, anh Hải luôn nhận thức sâu sắc rằng, Ngân hàng Chính sách xã hội là một tổ chức tín dụng nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Công việc tuy vất vả nhưng đầy tự hào bởi được phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác - những đối tượng yếu thế trong xã hội.
“Nhìn những gương mặt rạng ngời của những hộ vay vốn được thoát nghèo, niềm vui của những lao động được tạo việc làm và nụ cười của những em sinh viên được vay vốn đi học..., tôi càng tự hào và tin yêu vào công việc, là sự đóng góp thiết thực vào chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, qua đó góp phần nhỏ bé vào công cuộc đổi mới, từng bước xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, anh Hải chia sẻ.
Với niềm tin đó, anh Hải cho biết, trong những năm qua, anh luôn nỗ lực cố gắng, phối hợp với các đồng nghiệp bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2020 - 2025.
Cùng với đó là sự quan tâm chỉ đạo của chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ninh, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách…
“Tập thể Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đầm Hà, trong đó có tôi, đã vượt qua những khó khăn, nỗ lực triển khai các chương trình tín dụng chính sách gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; đồng thời tổ chức chỉ đạo hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ hàng năm do Tổng giám đốc và Giám đốc chi nhánh giao”, anh Hải nói.
Tạo động lực phát triển
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới; thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hằng ngày”, bà Lê Thị Đức Hạnh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, hàng năm, qua các phong trào thi đua, số lượng các điển hình tiên tiến và gương người tốt, việc tốt trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội được phát hiện ngày càng nhiều. Nhiều gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt được tôn vinh, tuyên truyền là người lao động trực tiếp ở những địa bàn khó khăn.
“Việc kịp thời tôn vinh, khen thưởng và tuyên truyền sâu rộng về các điển hình tiên tiến đã tạo hiệu ứng lan tỏa tốt và trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước trong toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội”, bà Hạnh nói.
Giai đoạn 2020 - 2025 đã có 196 lượt tập thể, 2.109 lượt cá nhân điển hình tiên tiến được Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tặng Giấy khen. Riêng năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn, giới thiệu một cá nhân điển hình tiên tiến tham dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc.
Để tuyên truyền và lan tỏa về công tác thi đua, khen thưởng, về những gương điển hình tiên tiến trong hệ thống, bà Hạnh cho hay, Ngân hàng Chính sách xã hội dành một chuyên mục riêng trong Bản tin Ngân hàng Chính sách xã hội và trên website Ngân hàng Chính sách xã hội để thường xuyên cập nhật về các chủ trương, chính sách, quy định của nhà nước và Ngân hàng về công tác thi đua khen thưởng, về các phong trào thi đua.
Đồng thời, tích cực tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt..., nhằm góp phần khích lệ, nêu gương, động viên cán bộ, người lao động thi đua sôi nổi, vượt khó, phấn đấu hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ.
Công tác xét khen thưởng của Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, công khai, minh bạch trong đánh giá thành tích, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn làm tiêu chí khen thưởng.
Việc phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến, khen thưởng bảo đảm tính toàn diện, hợp lý, đúng nguyên tắc, quy trình, hướng về cơ sở, người trực tiếp lao động, học tập, nghiên cứu; trên quan điểm thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó, khen thưởng gắn với nhiệm vụ, công việc hàng ngày, đúng người, đúng việc và đúng thành tích.
Theo bà Hạnh, Ngân hàng Chính sách xã hội luôn kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua định kỳ quý, năm, chuyên đề, giai đoạn, thành tích đột xuất lập được.
Đồng thời, quan tâm, khuyến khích, biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân có đề tài nghiên cứu khoa học, có ứng dụng thực tế hiệu quả trong hoạt động nghiệp vụ. Trong giai đoạn 2020 - 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội đã khen thưởng 64 đề tài nghiên cứu khoa học với 512 lượt người trực tiếp tham gia.
Công tác khen thưởng thực sự là công cụ quan trọng để Ngân hàng Chính sách xã hội phân loại, đánh giá và động viên kịp thời các tập thể, cá nhân đã lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.
Trong các năm 2020 - 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội đã trình Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện tín dụng chính sách.
Đồng thời, thực hiện khen thưởng cho 8.687 lượt tập thể và 30.583 lượt cá nhân trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội và 3.251 lượt tập thể, cùng với 13.610 lượt cá nhân kiêm nhiệm, phối hợp thực hiện tín dụng chính sách.
“Công tác khen thưởng kịp thời, đúng thành tích đã phát huy tác dụng tích cực. Mỗi tập thể, cá nhân được khen thưởng sau đó đều hăng hái đóng góp nhiều hơn trong phong trào thi đua yêu nước, đồng thời tạo sự lan tỏa, động lực phấn đấu trong toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội”, bà Hạnh cho biết.