Giải mã giá chào sàn “khủng” của Cholimex Food

(ĐTCK) Ngày 30/11, Công ty cổ phần Thực phẩm Cholimex (Cholimex Food, mã CMF) đưa 8,1 triệu cổ phiếu lên giao dịch tại thị trường UPCoM với giá khởi điểm 90.000 đồng/cổ phiếu. Đây là giá chào sàn cao nhất đối với một cổ phiếu tại UPCoM kể từ đầu năm tới nay. Điều gì khiến cổ phiếu của một DN thực phẩm quy mô trung bình được định giá cao đến vậy?
Mảng nước chấm, gia vị luôn chiếm trên 60% cơ cấu doanh thu của Cholimex Food thời gian qua
Mảng nước chấm, gia vị luôn chiếm trên 60% cơ cấu doanh thu của Cholimex Food thời gian qua

Duy trì tốc độ tăng trưởng tốt

Cholimex Food tiền thân là xí nghiệp chế biến thực phẩm xuất khẩu thuộc hệ thống của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex). Năm 2006, Cholimex Food chính thức tiến hành cổ phần hóa với vốn điều lệ ban đầu 30 tỷ đồng. Đến nay, sau 2 lần tăng vốn vào các năm 2009 và 2010, vốn điều lệ của Công ty đạt 81 tỷ đồng.

Khởi đầu là DN chuyên sản xuất các mặt hàng nông sản, thủy hải sản sơ chế đông lạnh, tuy nhiên, thương hiệu Cholimex Food sau này chủ yếu được gắn với các sản phẩm nước chấm/gia vị, trong đó mặt hàng đáng chú ý nhất là tương ớt được Cholimex Food đánh giá đứng thứ 2 trên thị trường (chỉ sau sản phẩm của Masan).

Những năm gần đây, mảng nước chấm, gia vị luôn chiếm trên 60% cơ cấu doanh thu của Cholimex Food, đồng thời có xu hướng gia tăng và ngày càng vượt xa mảng thực phẩm đông lạnh (chỉ đóng góp trên dưới 30%). Tỷ trọng doanh thu tiêu thụ nội địa của Cholimex Food qua các năm dao động từ 69 - 70%, còn lại là xuất khẩu.

Với các hoạt động trên, doanh thu và lợi nhuận gộp Cholimex Food có sự tăng trưởng tốt. Doanh thu thuần và lãi gộp từ mức 641 tỷ đồng và 146 tỷ đồng năm 2012, tăng lên hơn 1.000 tỷ đồng và 237,8 tỷ đồng năm 2014. Các con số này năm 2015 là 1.268 tỷ đồng và 320,17 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 24,7% và 34,7% so với năm trước.

Tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi của CMF hiện chỉ 7,45%, tức khoảng hơn 600.000 cổ phiếu.

Lợi nhuận sau thuế tăng từ 34,7 tỷ đồng năm 2012 lên 46,3 tỷ đồng năm năm 2015, tương ứng EPS đạt 4.425 đồng. Thu nhập trên vốn chủ sở hữu ROE 2015 đạt 21,67%. Giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu CMF là 27.665 đồng.

Trong giai đoạn 2016 - 2018, CMF đặt kế hoạch doanh thu lần lượt 1.520 tỷ đồng năm 2016, 1.794 tỷ đồng năm 2017 và 2.116 tỷ đồng năm 2018, tăng trưởng bình quân mỗi năm khoảng 18%. Lợi nhuận sau thuế tương ứng dự kiến là 51,6 tỷ đồng, 56,8 tỷ đồng và 62,4 tỷ đồng.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất, 9 tháng đầu năm 2016, Công ty đạt doanh thu thuần 402,8 tỷ đồng và lãi sau thuế 15,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 20,4% và 36,6% so với cùng kỳ năm 2015, tuy nhiên mới hoàn thành 26,5% và 30% kế hoạch năm 2016 (doanh thu 1.520 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 51,5 tỷ đồng). 

Cổ đông lớn không dễ buông tay

Tại thời điểm 30/9/2016, Cholimex Food có 3 cổ đông lớn gồm: Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex) sở hữu 40,72%, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thực phẩm Masan (Masan Food) - 32,83% và Nichirei Foods Inc.  sở hữu 19%.

Giải mã giá chào sàn “khủng” của Cholimex Food ảnh 1

Cholimex Foods hiện là một trong hai công ty liên kết đóng góp chủ yếu vào doanh thu và lợi nhuận của Cholimex 

Với hoạt động kinh doanh hiệu quả, Cholimex Food nhận được nhiều sự quan tâm của các “ông lớn” trong ngành, khiến cơ cấu cổ đông doanh nghiệp cũng nhiều lần thay đổi. 2 trong 3 cổ đông lớn nói trên là những “người đến sau” đã phải trả mức giá không nhỏ để sở hữu cổ phần của Cholimex Food.

Nichirei Foods, công ty con của Tập đoàn Nichirei (Nhật Bản) chính thức trở thành cổ đông lớn của Cholimex Foods từ tháng 3/2012. Tại thời điểm đó, Nichirei công bố giá mua 19% cổ phần Cholimex Food (hơn 1,5 triệu cổ phiếu CMF) là khoảng 500 triệu yên (6,25 triệu USD).

Nếu tính theo tỷ giá USD thời điểm hiện tại, mức giá mua mỗi cổ phần của Nichirei ở mức xấp xỉ 90.000 đồng/cổ phần.

Cái tên còn lại là Masan Food. Tháng 11/2014, khi quyết định chào mua công khai 49% lượng cổ phần đang lưu hành của Cholimex Food, mức giá được Masan đưa ra thời điểm đó cũng là 90.000 đồng/cổ phần.

Thực tế, kế hoạch chào mua của Masan sau đó bất thành và cuối cùng chỉ mua được hơn 30% cổ phần như hiện tại.

Lý do là ngay từ đầu, hai cổ đông chính của Cholimex Food là Cholimex và Nichirei Foods đã ra thông cáo chung khẳng định sẽ không bán.

Với suất sinh lợi cao cùng mức trả cổ tức hàng năm 15 - 20% lợi nhuận, Cholimex Foods hiện là một trong hai công ty liên kết đóng góp chủ yếu vào doanh thu và lợi nhuận của Cholimex. Do đó dễ hiểu vì sao Cholimex quyết không “buông” Cholimex Food.

Trong phát biểu mới nhất bên lề đợt IPO của Cholimex vào tháng 3/2016, Phó chủ tịch Cholimex Huỳnh An Trung cho biết, sau cổ phần hóa, Cholimex sẽ tiếp tục duy trì nắm giữ tại Cholimex Food với tỷ lệ sở hữu trên 40% và đề nghị Cholimex Food phát hành cổ phần tăng vốn để thực hiện các dự án.

Với việc các cổ đông lớn nắm giữ tới 92,55% vốn điều lệ, tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi của CMF hiện chỉ 7,45%, tức khoảng hơn 600.000 cổ phiếu. Giá cao, lượng cung thấp, thanh khoản có lẽ sẽ là vấn đề của CMF khi gia nhập UPCoM. 

Nguyễn Gia

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục