Giá vàng đánh gục nhà đầu tư "lướt sóng"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cú sập của giá vàng đầu tháng 8 được coi là đòn cảnh báo đầu tiên với những nhà đầu tư có ý định "lướt sóng" vàng, vì dự báo sẽ còn thêm những con sóng mới trong thời gian tới.
Tờ hóa đơn mua liền lúc 100 cây vàng ở giá đỉnh khiến nhiều người “trầm trồ” Tờ hóa đơn mua liền lúc 100 cây vàng ở giá đỉnh khiến nhiều người “trầm trồ”

Khóc vì đu theo “sóng” giá vàng

Tờ hóa đơn trị giá 6,12 tỷ đồng mua liền lúc 100 cây vàng tại mức giá đỉnh gần 62 triệu đồng/lượng được giới đầu tư minh họa cho sự thua lỗ khi đầu tư vàng vài ngày sau đó khi mà giá vàng lao dốc, có thời điểm chỉ còn 52-54 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra).

Đó là câu chuyện nổi nhất của đợt sóng vàng đầu tháng 8. Không còn cảnh chen chúc mua vàng khi giá biến động như vài năm trước, nhưng cảnh xếp hàng dài trước các cửa hàng vàng lớn tại Hà Nội và TP.HCM là vẫn có.

Bất chấp cảnh báo trước đó được nhiều chuyên gia đưa ra là “lên nhanh cũng dễ xuống nhanh”, nhưng với nhiều nhà đầu tư thì “có sóng là có cơ hội”, nên việc đua mua giá cao vẫn xảy ra. Lời cảnh tỉnh đó có lẽ phải nhắc thêm một lần nữa khi những dự báo về giá vàng còn có thể có những cơn sóng khác khi dịch chưa đi qua hẳn.

Nhìn lại thời điểm đầu tháng 8/2020, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 tác động lên kinh tế toàn cầu, tình trạng thất nghiệp gia tăng và căng thẳng Mỹ - Trung đẩy giá vàng tăng thẳng đứng.

Giá vàng tăng cao hơn cả dự báo của giới phân tích tài chính và nhanh chóng vượt mức kỷ lục ghi nhận của năm 2011 (ở mức 1.900 USD/ounce) khi chạm đỉnh mới trên 2.070 USD/ounce trong phiên giao dịch ngày 7/8. Thậm chí, các hợp đồng vàng giao ngay trong quý IV/2020 trên thế giới còn vượt qua ngưỡng này. Giá vàng thế giới tăng cao, kéo theo giá vàng SJC trong nước đi lên, đạt đỉnh 62,45 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra cùng ngày.

Chỉ trong vòng một tuần, giá vàng SJC tăng kỷ lục hơn 10 triệu đồng/lượng khiến nhiều người đứng ngồi không yên vì chưa “xuống tiền” trước đó. Tính từ đầu năm 2020 đến giữa tháng 8/2020, giá vàng thế giới đã tăng hơn 30%. Thậm chí, vàng SJC trong nước còn tăng cao hơn giá quốc tế, với mức tăng đến 35%. Mức lợi suất “trong mơ” khi mà tình hình khó khăn xảy ra ở đa số các lĩnh vực kinh tế và các kênh đầu tư.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh vàng chia sẻ, thời điểm giá vàng "sốt nóng" đó, ông liên tục nhận được điện thoại của người quen, giới báo chí để phân tích diễn biến giá vàng và những… lời khuyên!

Theo ông Hải, với tư cách một người làm lâu năm trong lĩnh vực kinh doanh vàng, có thể thấy tâm lý của người dân về tích trữ vàng đã thay đổi đáng kể, khi mà số người mua vàng như món tiết kiệm đã giảm đi, nhất là giới trẻ. Nhưng, tâm lý đám đông vẫn tồn tại, khi vàng có giá ổn định thì gần như không ai mua tích trữ dù có nghe được dự báo là vàng sẽ tăng giá vì tình hình dịch bệnh, còn khi vàng chính thức có sóng thì lại đổ xô đi mua.

Theo ông Hải, việc nhận ra rủi ro trên thị trường vàng rất dễ, với người tiêu dùng chỉ cần quan sát mức chênh lệch giá mua vào/bán ra của các hiệu vàng, nếu thấy lớn (trên 2 triệu đồng/lượng) là rất rủi ro, vì chính các đơn vị kinh doanh vàng là những nơi chuyên nghiệp nhất cũng thấy rủi ro nên hạn chế mua vào bằng cách đặt giá mua vào rất thấp. Thế nhưng, nhiều người vẫn phớt lờ cảnh báo đó khi khoảng cách giá có thời điểm lên đến 4-4,5 triệu đồng/lượng, thậm chí cao hơn.

Bà Nguyễn Kim Q., chủ một tiệm vàng ở quận 5, TP.HCM cho biết, đơn vị kinh doanh vàng bản chất là trung gian vì vàng phải nhập để bán (hoặc chế tác thêm một chút), thế nên đương nhiên phải đảm bảo tránh rủi ro cho mình trước.

Bà Q. chia sẻ, một vài khách hàng gần đây đến bán lại chính số vàng đã mua đã chịu lỗ khá nặng, khoảng 3-4 triệu đồng/lượng. Đây là điều mà cửa hàng không muốn, nhưng rõ ràng là một kinh nghiệm cần rút ra khi tham gia đầu tư lĩnh vực này.

“Nhiều khách hàng kêu chỉ có ‘giới buôn vàng là bội thu’, nhưng thực ra không hoàn toàn như vậy, khi lượng giao dịch tăng thì các cửa hàng vàng có lãi lớn, nhưng nếu không cân đối tốt nguồn mua vào - bán ra thì cũng lỗ như thường”, bà Q. chia sẻ.

Và sóng thì còn rất nhiều…

Từ góc nhìn của mình, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho rằng, rõ ràng việc giá vàng trong nước thời gian qua tăng đột biến với tốc độ nhanh hơn thế giới là bất thường, chứ không thể nói là bình thường được. Chưa có căn cứ kết luận là giới kinh doanh vàng cố tình tạo sóng kiếm lời, nhưng với diễn biến trên thị trường thì nhận định này là có cơ sở.

Theo ông Khánh, nhà đầu tư "lướt sóng" vàng không thể có kinh nghiệm như những đơn vị kinh doanh chuyên nghiệp, nên người thắng vẫn là các cơ sở kinh doanh vàng lớn mà thôi. Với các cá nhân, ngoài những người có vàng cất trữ trước đó bán ra ở mức giá cao để chốt lời, còn nhà đầu tư lướt sóng đa phần là thiệt hại.

Có một yếu tố cần lưu ý với thị trường vàng, đó là việc nhập khẩu vàng nguyên liệu hiện tại đang do nhà nước quản lý, nên thị trường vàng không liên thông với thị trường quốc tế. Nguồn cung bị co hẹp rất dễ tạo thành yếu tố để “làm giá” khi lượng mua tăng đột biến.

Sau khi Nghị định 24/NĐ-CP ban hành năm 2012 nhằm “chống vàng hoá”, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị độc quyền xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất vàng miếng, cũng như quyết định số lượng vàng miếng dập cho thương hiệu vàng quốc gia SJC. Tuy nhiên, những năm gần đây, SJC chỉ dập vàng móp méo, song đơn hàng không nhiều.

Theo ông Trần Thanh Hải, việc khan hiếm nguồn cung vàng miếng SJC dẫn đến chênh lệch giá trong nước và quốc tế, đồng thời cũng là cơ hội để các tiệm vàng “thao túng” giá mua - bán.

“Vì thế, không phải cứ vàng tăng là nhà đầu tư trong nước thắng đậm mà rủi ro luôn đi kèm”, ông Hải nói.

Hiện tại, giá vàng thế giới - cơ sở hình thành giá vàng trong nước, đã mất mốc 2.000 USD/ounce, song các nhận định đưa ra vàng sẽ còn nhiều yếu tố tác động tích cực trong thời gian tới.

Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam - ông Huỳnh Trung Khánh nhận định, trước bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, Mỹ dự tính tung thêm các gói kích cầu hỗ trợ kinh tế, hỗ trợ giá vàng tăng. Thêm vào đó, căng thẳng Mỹ - Trung cũng sẽ tác động tích cực lên kim loại quý này.

Để giảm thiểu rủi ro trong đầu tư vàng, theo ông Khánh, nhà đầu tư không nên kỳ vọng “lướt sóng” kiếm lời trong ngắn hạn, mà cần có cái nhìn dài hơn. Bởi giá vàng được dự báo còn cơ hội tạo “sóng” trong thời gian tới.

“Cho đến khi nào đại dịch Covid-19 chưa được khống chế thì vàng còn cơ hội đi lên, thậm chí trên mức đỉnh đạt được vừa rồi”, ông Khánh nói.

Standard Chartered cũng đưa ra dự báo, đà tăng của vàng vẫn chưa chấm dứt nếu lợi suất trái phiếu của Mỹ duy trì dưới 1%.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục