Biên lãi ròng của ngân hàng thu hẹp dần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặt bằng lãi suất huy động trong xu hướng giảm, nên lãi suất cho vay cũng giảm theo. Vì thế, biên lãi ròng (NIM) giữa huy động và cho vay của ngân hàng giảm dần. 
Biên lãi ròng của ngân hàng thu hẹp dần

Báo cáo bán niên của Vietcombank thể hiện, đây là nhà băng ghi nhận dòng tiền thu nhập lãi thuần lớn nhất với 18.966 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. Kế sau đó là BIDV với 16.704 tỷ đồng, VietinBank là 14.713 tỷ đồng...

Điều này cho thấy, với những ngân hàng quy mô có nguồn vốn đầu vào giá rẻ, biên lợi nhuận sẽ cao.

Trong khi đó, với một số ngân hàng nhỏ như Vietbank, thu nhập lãi thuần âm 13 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2020 do chi phí lãi lớn hơn thu nhập lãi.

Lãnh đạo một nhà băng cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn tác động lên hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngân hàng khó kỳ vọng biên lãi ròng cao. Bởi lãi suất cho vay khó áp ở mức cao khi mặt bằng lãi suất huy đồng trong xu thế giảm.

Thậm chí, với các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay được ngân hàng áp dụng còn thấp hơn cả so với huy động tiết kiệm dài ngày trên 12 tháng.

Cụ thể, lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên hiện nay tối đa 5%/năm, trong khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 7 tháng là 6%/năm và trên 12 tháng là hơn 7%/năm.

Tổng giám đốc OCB - ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng, ngân hàng khó kỳ vọng mức lợi nhuận cao trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Thêm vào đó, các nhà băng còn phải nỗ lực tái cơ cấu, chia khó cùng khách hàng.

Hiện các ngân hàng đang tập trung tái cơ cấu vốn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nên vẫn chưa được thu lãi dự thu đến tháng 9/2020 và khả năng sẽ còn kéo dài theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về việc sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN.

Dẫu vậy, Tổng giám đốc OCB cho rằng, trong lúc này, việc chia sẻ khó khăn với khách hàng cũng là cách để ngân hàng ngăn chặn rủi ro nợ xấu tăng. Thực tế, nợ xấu của ngân hàng đã tăng trong 6 tháng đầu năm nay.

Tổng giám đốc Sacombank bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cũng cho hay, việc ngân hàng giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn cho khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh là khó tránh khỏi.

Nhưng muốn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh hiện nay cũng không hẳn dễ dàng khi cầu vốn của doanh nghiệp khó tăng, cho dù ngân hàng đã giảm lãi suất xuống kịch sàn để hỗ trợ khách hàng.

Kết quả điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) tháng 6/2020 do Vụ Dự báo - Thống kê (NHNN) công bố cho biết, các TCTD vẫn đánh giá nhu cầu tín dụng “tăng” trong 6 tháng đầu năm 2020, nhưng đã điều chỉnh giảm từ mức 91% TCTD kỳ vọng “tăng” ghi nhận tại kỳ điều tra tháng 12/2019 xuống còn 64% tại cuộc điều tra này, đặc biệt là điều chỉnh kỳ vọng đối với nhu cầu vay đầu tư công nghiệp hỗ trợ, xuất nhập khẩu, mua nhà để ở, đầu tư và kinh doanh du lịch.

Nguyên nhân chủ yếu là do diễn biến tăng trưởng kinh tế, sự thay đổi nhu cầu đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, cơ hội đầu tư xuất nhập khẩu, thị trường bất động sản chịu tác động bất lợi của dịch Covid-19.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, các TCTD kỳ vọng sự “cải thiện” đáng kể nhu cầu tín dụng của khách hàng trong 6 tháng cuối năm 2020 trên cơ sở dự báo về sự phục hồi tăng trưởng kinh tế, cơ hội, nhu cầu đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Nhìn nhận mức độ rủi ro tín dụng trong 6 tháng cuối năm, các TCTD cho rằng sẽ tăng ít hơn so với 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, tính chung cả năm nay, các TCTD nhận định mặt bằng rủi ro tín dụng chủ yếu “tăng” lên so với năm 2019.

Tại cuộc điều tra, các TCTD cho biết đã cắt giảm lãi suất biên và các phí phi lãi suất trong 6 tháng đầu năm 2020 để hỗ trợ cũng như tăng khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục