Doanh nghiệp Việt bi quan hơn
Một khảo sát mới nhất của Ngân hàng UOB phối hợp với các đối tác nghiên cứu về tình hình ứng phó của các doanh nghiệp trong khối ASEAN trong thời dịch bệnh Covid-19 vừa được công bố cho thấy, chỉ có 4% doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam kỳ vọng tăng doanh thu, cũng chỉ có 6% cho rằng doanh thu sẽ không đổi và 90% doanh nghiệp cho biết giảm doanh thu trong mùa dịch.
Doanh nghiệp Việt Nam xếp hạng thứ 2 về mức độ bi quan nhất đối với triển vọng kinh doanh trong năm 2020, sau Thái Lan và Singapore là các quốc gia lạc quan nhất, rồi đến
Indonesia, Malaysia.
PMI có lẽ là thông số khiến nhiều doanh nghiệp quan ngại. Theo IHS Market, đơn vị thu thập kết quả khảo sát Chỉ số Nhà quản trị mua hàng Purchasing Managers' Index (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam của Nikkei, PMI tháng 7 của Việt Nam đã giảm xuống dưới ngưỡng trung tính 50 điểm, cụ thể từ 51,1 điểm tháng 6 xuống còn 47,6 điểm.
Như vậy, sau đà tăng lần thứ hai trong năm vào tháng 6 đạt 51,1 điểm thì chỉ số PMI của Việt Nam trong tháng 7 quay đầu giảm cả về sản lượng, đơn hàng mới trong hoạt động sản xuất hàng hóa trung gian và đầu tư cơ bản khi dịch bệnh trong nước bùng phát trở lại tuần cuối cùng của tháng 7.
Các nhà sản xuất cũng phải quyết định cắt giảm việc mua hàng hóa, nguyên liệu sản xuất đầu vào và hàng tồn kho.
Ngoài ra, việc áp dụng các biện pháp phòng dịch khiến cho việc giao nhận hàng hóa từ Trung Quốc hoặc vận tải bằng đường biển khó khăn, dẫn tới thời gian giao hàng của nhà cung cấp bị đình trệ, kéo dài, làm tăng chi phí sản xuất đầu vào.
Về giá thành phẩm trong nước, ghi nhận tháng 7/2020 cũng giảm lần thứ 6 liên tiếp, với mức giảm mạnh hơn cả tháng 6.
Số liệu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố chính thức tính đến 28/7, tín dụng trong nền kinh tế tăng 3,45% so với đầu năm, chỉ cao hơn 0,2% so với mức 3,26% vào cuối tháng 6.
Mức tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm 2020 thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019 (7,13%), cũng là mức thấp nhất trong 7 năm trở lại đây.
Bà Thái Thị Việt Trinh, chuyên viên Phân tích vĩ mô KB Securities nhận định, tăng trưởng tín dụng đi cùng với chỉ số sản xuất công nghiệp và PMI đều tăng trưởng chậm lại là tín hiệu đáng chú ý cho thấy nền kinh tế, đặc biệt là ngành sản xuất, vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc hồi phục sau dịch Covid-19.
Số liệu tăng trưởng tín dụng từ các ngân hàng thương mại trong 6 tháng đầu năm một số ngân hàng như BIDV, VietinBank, Techcombank… đang gặp khó khăn trong việc giải quyết đầu ra của vốn trong điều kiện không thể hạ chuẩn cho vay do lo ngại nợ xấu.
Báo cáo tài chính của BIDV cho biết, tính đến 30/6/2020, tín dụng của BIDV mặc dù tăng hơn 2%, song lợi nhuận từ hoạt động cho vay giảm 24% so với cùng kỳ 2019. Tại VietinBank, tín dụng tăng 0,66% tính đến 30/6/2020, trong khi huy động vốn tăng 2,35%...
Cũng chưa cần phải những dữ liệu tháng 7 được công bố, trước đó 2 tháng, NHNN đã có động thái hỗ trợ doanh nghiệp trước khi công bố dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất tại dự thảo là NHNN cho phép kéo dài thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi vay đến ngày 31/12/2020.
Do mới là dự thảo nên thời hạn này đang có những đề xuất kéo dài hơn.
Thời điểm nào?
Thông tư 01 ban hành ngày 13/3/2020 (thời điểm dịch xuất hiện) quy định: “Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19”.
Thời điểm đó, thông tin về Covid-19 còn thiếu và vẫn còn nhiều kịch bản lạc quan là dịch sẽ kết thúc sau tháng 6, tháng 9…
Do vậy, chỉ sau 2 tháng, NHNN đã phải căn cứ trên thực tế để đưa ra dự thảo sửa đổi, theo đó cho phép: “Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2020”.
Lý giải việc điều chỉnh này, NHNN cho biết, việc sửa đổi xuất phát từ những đánh giá thực tế về tác động tiêu cực của dịch Covid-19, đồng thời căn cứ vào 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020 mà Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 15/5/2020.
Sửa đổi quy định này cũng hướng đến việc đảm bảo tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất - kinh doanh, đồng thời giúp các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam chủ động trong kế hoạch hỗ trợ khách hàng.
Cũng theo NHNN, việc quy định khoảng thời gian cụ thể để xác định phạm vi nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 là cần thiết.
Mốc thời gian 31/12/2020 được xác định theo đánh giá thận trọng của NHNN, căn cứ trên kịch bản 2 về tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam (trong điều kiện Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam cũng khống chế được dịch trong quý IV/2020).
Tuy nhiên, cũng vẫn chỉ sau 3 tháng kể từ khi công bố dự thảo, tình hình tiếp tục có những thay đổi khi dịch bệnh quay trở lại vào cuối tháng 7 và diễn biến vô cùng phức tạp trên thế giới.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng, dịch bệnh quay trở lại vào cuối tháng 7 cho đến thời điểm hiện tại thời gian vẫn còn quá ngắn để tính toán được những tác động nếu có.
Trong tình hình lạc quan, Việt Nam vững tin vào tình hình dịch bệnh sẽ qua nhanh, mọi khó khăn chỉ là tạm thời thì không cần thiết điều chỉnh lại dự thảo Thông tư 01.
“Tuy nhiên, nếu dịch bệnh xấu đi, diễn biến trở nên phức tạp hơn, tôi tin với việc luôn theo sát tình hình, NHNN sẽ có những điều chỉnh chính sách kịp thời”, ông Tùng nói.
Cùng chung nhận định, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại nêu quan điểm, thời điểm hiện nay dịch bệnh trong nước đang dần được khống chế, nhưng dư chấn của 2 đợt dịch là khá mạnh.
Hiện mới chỉ có những khảo sát ban đầu về tác động tới hoạt động doanh nghiệp, nhưng qua đánh giá của ngân hàng ông thì số lượng khách hàng thừa nhận khó khăn đang tăng lên.
Cũng theo vị tổng giám đốc này, thời gian cơ cấu các khoản nợ cần kéo dài hơn dự kiến, theo hướng mở “sớm nhất là giữa năm 2021, rồi tùy theo tình hình sẽ xem xét lùi thời hạn đến cuối năm 2021 hay không”, bởi “với những đánh giá trên thế giới hiện nay, các doanh nghiệp cần thời gian ít nhất 2 năm mới có thể trở về bình thường mới, còn nếu bình thường như trước đại dịch sẽ cần ít nhất 3 năm”.
Khảo sát của UOB cũng cho biết, nhằm giảm bớt áp lực quản lý dòng tiền, việc hoãn trả nợ vay thông qua các chương trình giảm nhẹ thiệt hại của Covid-19 là biện pháp thứ hai được 5 nước ASEAN lựa chọn và tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam áp dụng cao nhất với con số 77%.