Giá trần cho điện mặt trời là gần 1.877 đồng/kWh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bộ Công thương vừa ban hành quyết định phê duyệt khung giá phát điện áp dụng cho nhà máy điện mặt trời năm 2025 với mức giá trần cao nhất cho nhà máy điện mặt trời nổi có hệ thống pin tích trữ khu vực miền Bắc là 1.876,57 đồng/kWh.
Giá trần cho điện mặt trời là gần 1.877 đồng/kWh

Bộ Công thương ban hành khung giá bán điện chia theo ba vùng Bắc – Trung – Nam và theo từng loại hình điện.

Cụ thể, đối với điện mặt trời mặt đất không có hệ thống pin lưu trữ, Bộ Công thương ban hành mức giá tối đa (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) cho khu vực miền Bắc là 1.382,7 đồng/kWh; miền Trung là 1.107,1 đồng/kWh; miền Nam là 1.012 đồng/kWh.

Đối với nhà máy điện mặt trời mặt đất có hệ thống pin tích trữ, mức giá tối đa (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) cho khu vực miền Bắc là 1.571,98 đồng/kWh; miền Trung là 1.257,05 đồng/kWh; miền Nam là 1.149,86 đồng/kWh.

Đối với nhà máy điện mặt trời nổi không có hệ thống pin tích trữ, mức giá tối đa (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) cho khu vực miền Bắc là 1.685,8 đồng/kWh; miền Trung là 1.336,1 đồng/kWh; miền Nam là 1.228,2 đồng/kWh.

Đối với nhà máy điện mặt trời nổi có hệ thống pin tích trữ, mức giá tối đa (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) cho khu vực miền Bắc là 1.876,57 đồng/kWh; miền Trung là 1.487,18 đồng/kWh; miền Nam là 1.367,13 đồng/kWh.

Các thông số của hệ thống lưu trữ điện (hệ thống pin tích trữ) sử dụng tính toán mức giá tối đa của khung giá phát điện loại hình nhà máy điện mặt trời có hệ thống pin tích trữ được quy định cụ thể. Công suất tối thiểu 10% công suất của nhà máy điện mặt trời; thời gian lưu trữ/xả là 2 giờ; tỷ trọng sản lượng điện sạc là 5% sản lượng nhà máy điện mặt trời.

Căn cứ khung giá phát điện này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đơn vị phát điện ký kết hợp đồng mua bán điện theo quy định.

Trước đó, EVN đã đề xuất khung giá cho các loại hình nguồn năng lượng tái tạo, cụ thể là điện mặt trời mặt đất và nhà máy điện mặt trời nổi, với khung giá thấp hơn so với mức hiện hành.

Một số nhà đầu tư cũng đánh giá, cơ chế khung giá như đề xuất của EVN trước đó thấp hơn mức giá hiện tại nên không đủ hấp dẫn. Nhất là khi mức giá được đề xuất là VND, trong khi nhà đầu tư vay bằng USD, nhập khẩu thiết bị, nên việc xác định mức giá là VND có thể gây rủi ro cho nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh nhiều dự án đang có nguy cơ bị hồi tố giá bán điện do thiếu chứng nhận nghiệm thu hoàn thành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (CCA).

Cũng trong ngày 10/4, Bộ Công thương đã ban hành khung giá phát điện cho loại hình thủy điện và nhà máy nhiệt điện tua bin khí chu trình hỗn hợp sử dụng khí thiên nhiên năm nay.

Theo đó, giá phát điện cho loại hình nhà máy thủy điện là từ 0 - 1.110 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế tài nguyên nước, tiền phí dịch vụ môi trường rừng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và thuế giá trị gia tăng).

Còn giá phát điện tối đa đối với loại hình nhà máy nhiệt điện tua bin khí chu trình hỗn hợp sử dụng khí thiên nhiên là 3.069,38 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Các thông số sử dụng tính toán mức giá tối đa là công suất tinh là 1.040,468 kW; suất tiêu hao nhiệt tinh ở mức tải 85% là 6.516,24 BTU/kWh; giá nhiên liệu chính (khí thiên nhiên) là 11,69 USD/triệu BTU; giá vận chuyển nhiên liệu chính đến nhà máy khoảng 1,83 USD/triệu BTU, với tỷ giá ở mức 25.670 đồng/USD

Hồng Ân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục