Giá bán lẻ dự kiến tăng giúp doanh nghiệp điện cải thiện dòng tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo VIS Rating, giá bán lẻ điện dự kiến tăng vào năm 2025 sẽ góp phần cải thiện dòng tiền của ngành điện.
Giá bán lẻ dự kiến tăng giúp doanh nghiệp điện cải thiện dòng tiền

Trong năm 2024, các công ty ngành điện có kết quả kinh doanh phân hóa rõ rệt. Tổng doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt giảm 0,3% và 26% so với cùng kỳ. Dù lợi nhuận giảm, các công ty điện vẫn có khả năng bao phủ nợ mạnh nhờ cải thiện dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (CFO).

“Chúng tôi dự báo ngành điện sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2025, với nhiều dự án mới bắt đầu phát điện thương mại, nâng cao sản lượng và doanh thu toàn ngành. Ngoài ra, giá bán lẻ điện dự kiến tăng vào năm 2025 sẽ góp phần cải thiện dòng tiền của ngành”, VIS Rating nhận định.

Xét về cơ cấu ngành, nhiệt điện than đã thúc đẩy tăng trưởng sản lượng điện toàn hệ thống trong năm 2024. Nhu cầu điện tăng cao trong năm 2024 để phục vụ phát triển kinh tế, tổng sản lượng điện của Việt Nam đạt 308,7 tỷ kWh (tăng 10% so với cùng kỳ).

Trong đó, khối nhiệt điện than dẫn đầu tăng trưởng ngành, với sản lượng tăng 18% và chiếm gần 50% tổng sản lượng điện. Doanh thu và lợi nhuận của khối này tăng lần lượt 6% và 9% so với cùng kỳ. Các công ty nhiệt điện than ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu cao trong năm 2024, gồm PPC (32%), NBP (23%), DTK (9%).

Trong 2025, VIS Rating cho rằng, các nhà máy nhiệt điện than sẽ tiếp tục hoạt động với công suất cao và dẫn dắt tăng trưởng sản xuất điện. Trong 12 tháng tới, sự vận hành của các nhà máy mới như Vũng Áng 2 và Quảng Trạch 1 sẽ nâng tổng công suất lắp đặt nhiệt điện than lên 10%, đồng thời tăng cường đáng kể doanh thu và dòng tiền của khối này.

Nhiệt điện than thúc đẩy tăng trưởng sản lượng điện toàn hệ thống trong năm 2024
Nhiệt điện than thúc đẩy tăng trưởng sản lượng điện toàn hệ thống trong năm 2024

Bên cạnh đó, các nhà máy LNG mới sẽ cải thiện kết quả kinh doanh của các công ty điện khí.

Năm 2024, sản xuất điện khí giảm 17%(năm 2023 cũng giảm 10% so với năm trước đó) do nguồn cung khí tự nhiên nội địa suy giảm. Tỷ trọng điện khí trong sản lượng toàn hệ thống giảm từ 13% (2023) xuống còn 7% (2024). Trong khi đó, giá khí tự nhiên tăng 7%, dẫn đến doanh thu công ty điện khí giảm mạnh, như NT2 (giảm 7%) và PGV – Nhà máy Phú Mỹ (giảm 22%).

Theo VIS Rating, sản lượng điện khí sẽ phục hồi trong năm 2025 khi 2 nhà máy mới của POW sử dụng LNG nhập khẩu sẽ nâng tổng công suất lắp đặt điện khí thêm 20% và bắt đầu hoạt động vào quý III/2025.

Nhờ lượng mưa cải thiện trong năm 2024, sản lượng thủy điện tăng 10%. Tuy nhiên, do chính sách mới của Bộ Công thương, các công ty phải giảm sản lượng trên thị trường điện bán buôn. Thị trường này thường giao dịch với mức giá cao hơn so với các hợp đồng mua bán điện ký kết với EVN. Điều này khiến tổng doanh thu và lợi nhuận ròng của khối thủy điện giảm lần lượt 4,4% và 20,4% so với năm trước. VCP là công ty thủy điện duy nhất ghi nhận doanh thu tăng trưởng nhờ vào nhà máy xử lý rác thải mua lại năm 2023.

Năm 2025, dự báo doanh thu và lợi nhuận của các công ty thủy điện sẽ ít biến động nhờ việc sản xuất điện ổn định.

Xét về các chỉ tiêu tài chính, khả năng bao phủ nợ toàn ngành điện tốt hơn nhờ dòng tiền cải thiện, được hỗ trợ bởi lãi suất thấp và thanh toán nhanh từ EVN.

Cụ thể, khả năng trả nợ của ngành tốt hơn trong năm 2024 nhờ tỷ lệ đòn bẩy tài chính ổn định và dòng tiền hoạt động cải thiện. Tổng nợ tăng nhẹ 2,6% so với năm trước, nhưng chi phí lãi vay giảm 23% nhờ mặt bằng lãi suất ở mức thấp.

Tổng các khoản phải thu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm 13% so với năm trước, do giá bán lẻ điện tăng gần đây cải thiện thanh khoản của EVN và giúp thanh toán công nợ nhanh hơn cho các công ty điện.

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (CFO) của ngành tăng 48% so với năm trước, cải thiện khả năng bao phủ nợ đại diện bằng tỷ lệ CFO/nợ lên 23% trong 2024 (năm 2023: 16%).

Khả năng bao phủ nợ toàn ngành tốt hơn nhờ dòng tiền cải thiện, được hỗ trợ bởi lãi suất thấp và thanh toán nhanh từ EVN

Khả năng bao phủ nợ toàn ngành tốt hơn nhờ dòng tiền cải thiện, được hỗ trợ bởi lãi suất thấp và thanh toán nhanh từ EVN

“Trong năm 2025, chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ đòn bẩy tài chính và bao phủ nợ của ngành sẽ duy trì ổn định. Các nhà máy mới sẽ tăng tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống thêm 6%, nâng cao sản lượng và doanh thu trong bối cảnh nhu cầu điện tăng cao. Đồng thời, giá bán lẻ điện tăng vào năm 2025 cũng sẽ thúc đẩy dòng tiền toàn ngành”, VIS Rating nhấn mạnh thêm.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục