Giá phải trả của ông Putin khi thay đường đổi lối

(ĐTCK) Khi mới lần đầu làm Tổng thống Nga, ông Putin đã mơ đưa Nga trở thành một trong 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới và thực tế ông đã làm rất tốt trong hai nhiệm kỳ đầu. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi kể từ khi ông trở lại chiếc ghế cao nhất ở Kremlin năm 2012.
Thủ tướng Anh Tony Blair và Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng xem nhạc kịch "Chiến tranh và Hòa bình" tại nhà hát Mariinsky ở St. Petersburg năm 2000 Thủ tướng Anh Tony Blair và Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng xem nhạc kịch "Chiến tranh và Hòa bình" tại nhà hát Mariinsky ở St. Petersburg năm 2000

Khi Thủ tướng Anh Tony Blair trở thành lãnh đạo đầu tiên của một nền kinh tế lớn gặp tân Tổng thống Nga hồi tháng 3/2000, Vladimir Putin không thể nhã nhặn hơn.

Đi cùng vợ, Tổng thống khi đó Putin trực tiếp giới thiệu với ông Blair về bảo tàng Hermitage ở thành phố quê hương ông, St. Petersburg. Tại nhà hát Mariinsky, cả hai đã cùng xem một chuyển thể nhạc kịch của tiểu thuyết lừng danh “Chiến tranh và Hòa bình”.

Ông Blair ca ngợi ông Putin về nỗ lực tìm cách hiện đại hóa nền kinh tế Nga và mở cửa với đầu tư nước ngoài. Tuần trước đó, ông Putin đã đề cập đến ý tưởng đưa Nga gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Lãnh đạo Nga ban đầu hành động như kỳ vọng của mọi người khi ông tiến hành giảm thuế và thúc đẩy nền kinh tế gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Các thị trường phát triển và nhà đầu tư nước ngoài lũ lượt đến với nước Nga, đưa chỉ số Micex Index của thị trường chứng khoán nước này tăng 12 lần trong hai nhiệm kỳ đầu của Putin, trước khi khủng hoảng tài chính nổ ra năm 2008. Đồng ruble cũng đã tăng 12% trong giai đoạn này.

Nhưng những ngày tháng đó giờ đã được cất vào quá khứ. Ông Putin giờ đây bị phương Tây cáo buộc là “quay lưng” với những người bạn mới của năm 2003, co cụm lại quan hệ khi bước vào nhiệm kỳ tổng thống thứ ba của mình, năm 2012. Ông cũng bị chỉ trích là đã “xử đẹp” những người chống đối, hạn chế tự do kinh tế, và năm nay, “xúi giục” làn sóng nổi dậy ở Đông Ukraine.

Kết quả không dừng lại ở những chỉ trích và cáo buộc: Nga, hiện đang ngấp nghé suy thoái, chịu trừng phạt của các nước phương Tây, và ngày càng bị gạt ra khỏi các thị trường vốn. Trong khi chỉ số chứng khoán MSCI toàn cầu tăng 9,7% trong vòng 1 năm qua, chỉ số Micez lại giảm 2,6%. Đồng ruble, hiện đang lơ lửng gần mức thấp kỷ lục, đã giảm 29% kể từ khi ông Putin tái nhậm Tổng thống.

“Sẽ có một hậu quả lâu dài đối với Nga”, Michael McFaul, Cựu Đại sứ Mỹ ở Nga và hiện là một giáo sư của Đại học Stanford ở California, nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Bloomberg. “Đó sẽ là khoảnh khắc tàn phá lớn, bởi Nga đang ở trên một đường đạn, một bi kịch cho tất cả những gì ông Putin đã làm khi thay đổi đường lối của mình”.

Những gì ông Putin có thể có, không gì hơn là nền kinh tế quy mô 2.000 tỷ USD, được hình thành sau giai đoạn tăng trưởng - chủ yếu nhờ xuất khẩu dầu khí - bình quân 7% từ năm 2000 đến năm 2008.

Khi ông Putin trở lại ghế tổng thống năm 2012, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo tăng trưởng kinh tế Nga là 3,9% trong năm 2013. Nhưng thực tế nó chỉ đạt 1,3%, tương đương khoảng 50 tỷ USD tăng thêm. Sự sụt giảm tương tự được dự báo sẽ lặp lại trong năm nay, theo Anders Aslund, một thành viên cao cấp của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington, người đã tư vấn cho Nga về công cuộc tư nhân hóa hồi những năm 1990.

“Cuộc đối đầu với Ukraine đã đẩy nền kinh tế Nga vào một còn đường tăng trưởng yếu hơn nhiều”, Charles Collyns, nhà kinh tế trưởng của Viện Tài chính Quốc tế ở Washington và là một cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, nói.

Các nhà đầu tư toàn cầu đã rút khỏi các trái phiếu và quỹ đầu tư cổ phiếu của Nga khoảng 850 triệu USD trong năm nay, tính đến ngày 24/9, theo dữ liệu được tổng hợp bởi EPFR Global, ở Cambridge, Massachusetts. Bộ trưởng Kinh tế Nga, ông Alexei Ulyukayev, nói hôm 18/9 rằng, vụ bắt giam tỷ phú Vladimir Evtushenkov trong tháng này có thể dẫn đến làn sóng thoái vốn tăng cao.

Giới kinh doanh cũng đang tỏ ý muốn ra đi. Từng là những người sát cánh bên Putin tại Diễn đàn Kinh tế St. Petersburg, các giám đốc điều hành của Goldman Sachs Group Inc. và Citigroup Inc. nằm trong số những người đã bỏ diễn đàn này hồi tháng 5 năm nay.

Chắc rằng ông Putin không phải không lường trước được những hậu quả này. Có lẽ ông chấp nhận để đổi lấy một thứ gì đó.

Quang Huy (Theo Bloomberg)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục